Nhiều người có thể tìm thấy bác sĩ ở ngay nơi ở, song đối với hàng triệu cư dân vùng sâu vùng xa, chăm sóc sức khỏe vẫn là một điều xa xỉ.
Bangladesh có đến 700 con sông cùng các đồng bằng thấp, lầy lội, thường xuyên ngập lụt khiến việc xây dựng bệnh viện trên mặt đất trở nên khó khăn. Để đối phó với tình hình này, tổ chức từ thiện Friendship đã dùng chính những con sông để giải quyết vấn đề do chúng tạo ra.
“Các con sông đi đến vùng xa nhất, nghèo nhất, khó tiếp cận nhất mà những con đường không thể nào với tới”, Runa Kahn, giám đốc điều hành Friendship nói với BBC. “Chúng là phương tiện tốt nhất để chúng tôi đem dịch vụ chăm sóc đến cho người dân, trên những con tàu bệnh viện”.
Từ bệnh viện nổi
Sử dụng con tàu có tên Rainbow Warrior II vốn được dùng trong các chương trình bảo vệ môi trường, tổ chức Friendship cung cấp dịch vụ điều trị đơn giản cùng phẫu thuật mắt, răng đến những khu vực hẻo lánh phía nam của Bangladesh.
Con tàu Rainbow Warrior II nhìn từ trên cao. Ảnh: BBC. |
Abu Taher là một trong những người được bệnh viện nổi giúp đỡ. Từ lâu ông bị đục thủy tinh thể, chỉ nhìn được một mắt, không thể đi lại bình thường hay đọc chữ, cũng không thể đến nhà thờ Hồi giáo để cầu nguyện. “Có bệnh viện chính phủ trong làng nhưng ở đó họ không nhận chữa mắt”, Taher nói. Nhờ bệnh viện nổi, ông đã được phẫu thuật miễn phí.
Cùng với hai con tàu khác ở phía bắc Bangladesh, bệnh viện nổi này giúp đỡ khoảng 155.000 bệnh nhân mỗi năm. Sử dụng phương tiện giao thông để đưa bệnh viện về vùng sâu đã tỏ rõ hiệu quả trong nỗ lực giúp người dân tiếp cận với y tế. Một tổ chức từ thiện khác cũng phối hợp với chính phủ Ấn Độ cùng hãng đường sắt để biến các đoàn tàu thành bệnh viện, vượt qua 75.000 km đến những vùng xa xôi nhất của đất nước này.
Một phòng phẫu thuật trên tàu hỏa. Ảnh: Stringer. |
Giống như bệnh viện nổi ở Bangladesh, những chuyến xe lửa có tên Lifeline Express được trang bị phòng phẫu thuật, phòng thí nghiệm, phòng chụp X-quang cùng các đơn vị chăm sóc răng, mắt đã cho hàng triệu dân nghèo cơ hội được điều trị miễn phí suốt 25 năm qua.
Mô hình tương tự đã được áp dụng ở Trung Quốc và Nam Phi.
Đến bệnh viện bay
Dự án như Lifeline Express bao gồm giảng dạy, cho phép bác sĩ và y tá địa phương được học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm. Thế nhưng không phải mọi quốc gia đều có cơ sở hạ tầng giao thông vận tải phát triển, buộc các chuyên gia phải tìm kiếm những biện pháp khác. Orbis, tổ chức từ thiện phòng chống mù lòa đã nảy ra sáng kiến chuyển đổi máy bay thành bệnh viện mắt.
“Chúng tôi hiểu rằng y bác sĩ ở các nước nghèo bị hạn chế về mặt đào tạo và sẽ rất tốn kém nếu đưa họ sang nước ngoài”, Allan Thompson từ Orbis cho biết. “Bởi vậy, chúng tôi tạo ra Bệnh viện Mắt Bay để giúp họ bồi dưỡng tay nghề ngay tại chỗ”. Bên trong máy bay, người ta tìm thấy phòng học, phòng mổ và phòng laser. Đội ngũ y tế địa phương có thể xem trực tiếp một ca phẫu thuật để học hỏi kỹ thuật mới từ các bác sĩ tình nguyện.
Em bé Dulguun 10 tuổi đang được chăm sóc trên bệnh viện bay. Ảnh: Orbis. |
“Chiếc máy bay này cung cấp kiến thức thuộc mọi lĩnh vực nhãn khoa đến 92 quốc gia”, Thompson tiếp tục. Những dịch vụ như thế đã thay đổi cuộc sống của cư dân nông thôn, cho phép họ sống và làm việc dễ dàng hơn.
Trở lại với Bangladesh, Taher giờ đã hồi phục sau ca phẫu thuật đục thủy tinh thể trên bệnh viện nổi. “Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều sau khi phẫu thuật”, ông chia sẻ. “Ca mổ diễn ra suôn sẻ. Tôi nghĩ mình sẽ lấy lại được thị giác. Giống như tôi có cuộc đời thứ hai vậy. Bệnh viện đã đến với chúng tôi như một phước lành”.
Minh Nguyên
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.