Thứ Tư, 20/01/2016 | 20:30

“Nhiều người đang thuyết phục bạn tin vào tỷ lệ vàng để kiếm tiền trên nó”.

Năm 1855, Adoft Zeising, nhà tâm lý học người Đức xuất bản một cuốn sách với tiêu đề: “Một lý thuyết mới về tỷ lệ cơ thể con người, phát triển từ một định luật hình thái học cơ bản cho đến nay chưa ai biết, thấm nhuần trong cả tự nhiên và nghệ thuật, kèm một bản tóm tắt hoàn chỉnh của các hệ thống phổ biến hiện hành”.

Tiêu đề dài dòng này đủ để cho chúng ta cảm thấy đôi chút buồn cười. Ấy vậy mà trở lại thời điểm năm 1855, cuốn sách đã tạo ra một cơn sốt cuốn hút tất cả các nhà toán học, triết học, nghệ sĩ và cả công chúng.

Trong tác phẩm của mình, Zeising trình bày ý tưởng cho rằng cơ thể con người được hình thành dựa trên một tỷ lệ vàng, hay còn được biết đến dưới dạng chuỗi số Fibonacci. Nó cũng xuất hiện trong những công trình kiến trúc Hy Lạp cổ đại và là chìa khóa cho sự cân bằng về hình thái của chúng.

Cho tới tận ngày nay, ý tưởng về tỷ lệ vàng của Zeising vẫn được sử dụng để giải thích cho vẻ đẹp của nhiều đối tượng từ các công trình kiến trúc, tác phẩm hội họa cho đến các sản phẩm của Apple và thậm chí cả con người và vũ trụ.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng đồng ý với Zeising, nhất là các nhà khoa học. Keith Devlin, một nhà toán học đồng thời là giám đốc Viện nghiên cứu Khoa học con người và Công nghệ tiên tiến Stanford nói: “Anh ta chỉ là một người kỳ quặc. Mọi người đều có thể kiếm tiền bằng cách viết những cuốn sách thế này. Zeising đã kiếm bội tiền nhờ nó”.

Đẹp là phải chuẩn tỷ lệ vàng? Không phải vậy

Liệu chúng ta có thể dùng tỷ lệ vàng để giải thích vẻ đẹp con người?

Devlin cho rằng nhiều niềm tin về tỷ lệ vàng đang tồn tại bên ngoài khoa học. “Nó giống như thuyết sáng thế. Bạn có thể tin vào nó nếu bạn muốn nhưng không hề có bằng chứng khoa học”, Devlin nói.

Những người ủng hộ tỷ lệ vàng thì cố gắng chứng minh nó là một đặc trưng cơ bản của vũ trụ. Ngày nay, bằng toán học chúng ta có thể giải thích một số tỷ lệ vàng tồn tại trong tự nhiên. Trái lại, những chứng cứ về việc nó đại diện cho vẻ đẹp hay sự cân đối trong cơ thể người không được khoa học xác nhận.

Nhiều người đang thuyết phục bạn tin vào tỷ lệ vàng để kiếm tiền trên nó”, Devlin nói. “Bạn đến Beverly Hills và gặp những nha sĩ đang bán cho bạn niềm tin, họ sẽ làm răng cho bạn dựa trên tỷ lệ vàng”.

Đẹp là phải chuẩn tỷ lệ vàng? Không phải vậy

Dãy Fibonacci được sử dụng để xây dựng thước đo tỷ lệ vàng

Vậy, dãy Fibonacci và tỷ lệ vàng nghĩa là gì? Tại sao nó lại có “ma lực” đối với mọi người đến vậy?

Dãy Fibonacci là dãy số trong đó mỗi số là tổng của hai số đứng trước nó. Ví dụ: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55… Nó được sử dụng để thiết lập các thước đo cho tỷ lệ vàng, ví dụ như đường xoắn ốc Fibonacci hay ngôi sao năm cánh “vàng”.

Một cách khác để mô tả tỷ lệ vàng là bạn có hai số “a” và “b”. Chúng được coi là tỷ lệ vàng nếu cả hai phép tính a / b và (a+b) / a bằng 1,618.

Ví dụ, để chứng minh tỷ lệ vàng tồn tại trong cơ thể con người, Zeising tuyên bố nếu bạn tính khoảng cách từ rốn tới chân rồi chia cho chiều cao, bạn sẽ có tỷ lệ vàng 1,6. Ông cũng khẳng định bạn sẽ có được tỷ lệ vàng nếu chia chiều cao khuôn mặt cho chiều rộng của nó. Con số càng sát 1,618 khuôn mặt càng được coi là đẹp tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, Devlin bác bỏ những niềm tin này. Ông nói toán học không cho thấy bất kể một bằng chứng nào về việc tỷ lệ vàng chứng minh cho vẻ đẹp của cơ thể con người.

Đẹp là phải chuẩn tỷ lệ vàng? Không phải vậy

Đường xoắn ốc Fibonacci ở hoa hướng dương

Trong vòng 25 năm trở lại đây, chúng ta biết được tỷ lệ vàng tồn tại trong tự nhiên ở nhiều đối tượng ví dụ như mô hình xoắn ốc của hoa hướng dương, hoa bồ công anh và quả thông. Toán học đã có thể giải thích được điều này.

Ở thực vật, chúng cần tối ưu hóa các điều kiện tồn tại, ví dụ như lượng ánh sáng, chất dinh dưỡng nhận được, khả năng phát tán hạt giống… Phát triển theo mô hình tỷ lệ vàng cho phép thực vật thực hiện những điều này.

Hoa hướng dương thường có xu hướng phát triển theo mô hình dãy Fibonacci. Điều này cho phép chúng tiếp nhận được nhiều ánh sáng mặt trời nhất. Hạt giống trên đầu hoa bồ công anh chia không gian theo các tỷ lệ vàng. Quả thông cũng xoắn hình nón với số cánh tăng theo dãy Fibonacci.

Bạn có thể tìm được rất nhiều ví dụ khác, “tỷ lệ vàng đóng vai trò rất lớn” trong những trường hợp này, Devlin nói. Tuy nhiên, khi bạn cố gắng áp dụng nó đối với con người, không có bằng chứng nào cho thấy cơ thể có được lợi ích tối ưu nào tương tự.

Tỷ lệ vàng 1,6, bạn có thể tìm thấy nó ở khắp mọi nơi”, Devlin nói. “Tìm ra một vài tỷ lệ 1,6 trên cơ thể bạn không nói nên bất cứ điều gì. Để làm cho nó có ý nghĩa, bạn cần một lời giải thích khoa học”.

Đẹp là phải chuẩn tỷ lệ vàng? Không phải vậy

Khuôn mặt sẽ thế nào nếu tuân theo tỷ lệ vàng?

Việc lạm dụng và tin tưởng thái quá vào tỷ lệ vàng thậm chí còn diễn ra phức tạp trong nhiều lĩnh vực. Nhiều nhạc sĩ đang cố gắng sử dụng dãy Fibonacci để chứng minh nó tồn tại trong đàn piano và nhiều nhạc cụ khác. Một mô hình phân tích sự lên xuống của thị trường chứng khoán cũng được thiết lập dựa trên tỷ lệ vàng.

Thật không may, tất cả những trường hợp thú vị này chỉ là một câu chuyện cổ tích”, Devlin nói. “Bạn có thể tin vào các nàng tiên, ông già Noel. Hàng triệu người làm điều đó nhưng không có nghĩa đó là sự thật”.

Như vậy, có thể thấy rằng dẫu cho bạn có tìm thấy tỷ lệ vàng ở bất cứ đâu trong tự nhiên, không phải trường hợp nào nó cũng mang một ý nghĩa. Tỷ lệ vàng đang bị “lạm dụng” để giải thích rất nhiều vấn đề đặc biệt là vẻ đẹp và cân đối trên cơ thể con người. “Đứng trên góc độ của một nhà khoa học mà nói, cách người ta giải thích điều này thực sự nhảm nhí. Không có một luận điểm nào chứng minh cho điều đó cả”, Devlin khẳng định.

Nguồn: GenK

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook