Không phải lặn lội vượt hàng trăm cây số ra Hà Nội hay vào TP. HCM để khám chữa bệnh trong sự vất vả, mệt mỏi và tốn kém. Giờ đây người bệnh, kể cả những người mắc bệnh hiểm nghèo có thể dễ dàng được sử dụng những dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương của mình… Đây là hiệu quả rõ ràng, hữu ích mà người bệnh đang được thụ hưởng sau khi đề án bệnh viện vệ tinh được triển khai thực hiện ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Giảm gánh nặng
Chưa đầy hai giờ sau khi được các bác sỹ bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đặt sten động mạch vành, bệnh nhân Đinh Văn Hồng (50 tuổi, ở Hòn Gai, Quảng Ninh) đã tỉnh táo và có thể trò chuyện được với chúng tôi. Không giấu được niềm vui, bệnh nhân Hồng chia sẻ: Lâu nay, tôi bị xơ vữa động mạch, thường xuyên bị đau tức ngực và khó thở. Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh, tôi đều phải đi xa lên bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội nên quá trình đi lại để khám chữa bệnh rất mất thời gian, mệt mỏi và tốn kém. Nhưng kể từ khi bệnh viện Bãi Cháy có phòng khám chuyên khoa Tim mạch do các bệnh viện Tim Hà Nội chuyển giao kỹ thuật, việc khám chữa bệnh của tôi và người bệnh đã bớt vất vả đi rất nhiều.
Cũng vừa được các bác sỹ đặt sten can thiệp động mạch vành để điều trị bệnh nhồi máu cơ tim, bà Phạm Thị Thu Nga (72 tuổi, ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: Sau khi được đặt sten ở bệnh viện Bãi Cháy, được các bác sĩ chăm sóc tận tình, tôi và các bệnh nhân cảm thấy rất yên tâm và lại được ở gần nhà. Lần đặt sten trước trên Hà Nội chi phí tới hơn 100 triệu đồng nhưng lần này được điều trị ngay tại quê nhà chỉ có hơn 30 triệu đồng.
Các bác sỹ bệnh viện Bãi Cháy thực hiện một ca can thiệp tim mạch sau khi được bệnh viện Tim Hà Nội chuyển giao kỹ thuật.
Theo bác sỹ Vương Văn Phương, Trưởng khoa Tim mạch, bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Sau khi trở thành bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Tim Hà Nội, trong hơn 2 năm qua, khoa Tim mạch của bệnh viện Bãi Cháy đã được sự đầu tư, hỗ trợ rất nhiều về đào tạo nhân lực và trang thiết bị máy móc kỹ thuật. Chúng tôi đã tiếp nhận và điều trị cho trên 4.000 lượt bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch như: suy tim, tăng huyết áp và bệnh lý mạch vành. Hiện nay, mỗi ngày, tại khoa có 50 đến 60 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có 30% trường hợp mắc bệnh mạch vành. Đặc biệt, đến thời điểm này đã có hàng chục bệnh nhân ở Quảng Ninh được điều trị bằng kỹ thuật can thiệp động mạch vành (đặt sten) ngay tại bệnh viện Bãi Cháy mà không phải chuyển tuyến trên đã giúp cho bệnh nhân được cứu chữa kịp thời, hạn chế được rủi ro trong quá trình chuyển viện, đồng thời giảm rất nhiều chi phí điều trị của bệnh nhân.
Trong khi đó, với những bệnh nhân không may mắc căn bệnh hiểm nghèo ung thư ở Hà Tĩnh việc được điều trị, phẫu thuật ngay tại khoa Ung bướu của bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh đã giảm đi được gánh nặng rất lớn về công sức và tiền bạc. Bởi nếu không có đề án bệnh viện vệ tinh, cũng như sự chuyển giao kỹ thuật điều trị ung bướu của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, bệnh viện Bạch Mai cho bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh thì rất nhiều bệnh nhân ung thư ở Hà Tĩnh phải lặn lội vất vả vượt quãng đường gần 400 cây số ra Hà Nội để chữa bệnh.
Theo BS Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, trung bình mỗi năm, khoa Ung bướu của bệnh tiếp nhận điều trị cho trên 2.000 bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú khoảng 1.500 bệnh nhân, trong tỷ người bệnh phải chuyển lên tuyến trên từ bệnh viện đã giảm tới hơn 30% so với trước, đây là hiệu quả rất rõ rệt mà bệnh viện vệ tinh mang lại cho người bệnh.
Cần quyết liệt hơn
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thực hiện đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn năm 2013-2020, trong 2 năm qua Bộ Y tế đã tổ chức triển khai đề án bệnh viện vệ tinh với 14 bệnh viện hạt nhân là những bệnh viện trung ương đầu ngành ở Hà Nội và TPHCM như: Việt Đức, Bạch Mai, E, Phụ sản trung ương, Nhi trung ương, K trung ương, đa khoa trung ương Huế; Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Nhi Đồng 1 và 2… đã tổ chức chuyển giao, hỗ trợ hàng trăm kỹ thuật cao, chuyên sâu thuộc 5 chuyên ngành là: ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi cho 48 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh thành phố.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, qua đánh giá kết quả bước đầu cho thấy tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên đang có xu hướng giảm mạnh, đặc biệt giảm rõ rệt ở những bệnh viện và chuyên khoa trong đề án bệnh viện vệ tinh với 37,5% số bệnh viện vệ tinh giảm được tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên như các bệnh viện: A Thái Nguyên, Bãi Cháy Quảng Ninh, Điện Biên, Hà Giang, Ninh Bình, Phụ sản Tiền Giang, Cà Mau…. Trong khi đó, các bệnh viện tuyến trên như: Chợ Rẫy, Việt-Đức, Nhi Trung ương… cũng đã giảm dần tình trạng quá tải và nằm ghép là do tỷ lệ chuyển tuyến bệnh nhân từ các bệnh viện vệ tinh lên tuyến trên giảm.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, những kết quả bước đầu của việc thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh cho thấy, muốn thực hiện có hiệu quả cần sự tham gia quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ các bộ, ban, ngành trung ương đến chính quyền địa phương và toàn hệ thống y tế. Hơn nữa, kết quả của bệnh viện vệ tinh đã khẳng định mô hình này phù hợp trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay và là mô hình sáng tạo, kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa khả năng của tuyến trên với nhu cầu của tuyến dưới nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn.
Thực tế cho thấy, nơi nào có chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt thì nơi đó đề án bệnh viện vệ tinh phát triển rất mạnh mẽ và không ai khác chính người dân địa phương là những được hưởng lợi nhiều nhất.
Trước những kết quả đạt được ban đầu của Đề án bệnh viện vệ tinh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh ra tất cả tỉnh thành phố trực thuộc trung ương với mục tiêu đến năm 2016, tất cả 100% tỉnh thành trong cả nước phải thực hiện bệnh viện vệ tinh. |
MINH KHANG
Chưa có bình luận.