Những ai bị đau vai gáy?
Đau vai gáy có thể thấy ở bất cứ lứa tuổi nào, nam hoặc nữ đều bị. Tuy nhiên, thường thấy nhất là ở người cao tuổi và nhóm người bị ảnh hưởng bởi nghề nghiệp như giáo viên, thợ may, người mang vác nặng, giới văn phòng, lái xe…
Ngoài nguyên nhân phổ biến như nằm sai tư thế (gối đầu cao, nằm vẹo cổ), do viêm, chấn thương, dị tật… Đau vai gáy là căn bệnh rất phổ biến với những người làm công việc văn phòng phải ngồi nhiều, cắm cúi đánh máy, tính toán cả ngày dài. Những người làm việc chân tay như mang vác nặng, đội hàng từ bến xuống thuyền, từ xe xuống bãi… cũng thường xuyên bị mắc bệnh này.
Một vài yếu tố gây thiếu máu cục bộ vùng vai gáy như hay ngồi lâu trước quạt, máy lạnh, ra ngoài trời không đội mũ nón, để ánh mặt trời (nhất là trong thời điểm có nhiều tia tử ngoại) chiếu thẳng vào vùng vai gáy cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra đau.
Triệu chứng
Đau vai gáy thường xuất hiện rõ ràng nhất vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy hoặc khi ngồi làm việc phần lớn thời gian bên bàn. Cơn đau thường diễn ra trong khoảng thời gian từ một buổi hoặc một ngày, nhiều hơn là kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng.
Ở một số người, biểu hiện chỉ là đau ở vai gáy. Nhưng với một số người khác, ngoài đau vai gáy còn có thể thấy tê mỏi tay, nặng tay…
Ban đầu những cơn đau chỉ ở mức độ bình thường rồi tăng lên khi đứng, đi, ngồi lâu, hắt hơi, thậm chí cả khi thời tiết thay đổi. Tuy nhiên, nếu là đau mỏi vai gáy cấp tính, cơn đau sẽ nhanh chóng chấm dứt không rõ nguyên nhân và không bị tái lại. Còn nếu đã là đau mỏi mãn tính, cơn đau sẽ kéo dài vài ngày, vài tháng, lâu hơn là cả năm.
Ngoài ra, nếu có những triệu chứng như thấy cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay, gây khó khăn trong vận động. Kèm với đó là hoa mắt, chóng mặt… thì bạn nên đi khám sớm. Vì nếu chủ quan để lâu, có thể sẽ xảy ra rối loạn chức năng, liệt các dây thần kinh, ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống.
Thường xuyên tập thể dục, vận động là cách hiệu quả để phòng tránh
Làm gì để phòng tránh đau vai gáy?
Để phòng tránh đau vai gáy, trước tiên bạn cần phải có hệ xương khớp chắc khỏe. Luôn giữ tư thế đúng khi đi, đứng, ngồi, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học.
Khi ngủ không nên nằm gối quá cao. Độ cao của gối nên dưới 10 cm, phù hợp với đường cong sinh lý sau gáy. Cạnh đó, cần giữ ấm cơ thể, tránh để bị lạnh đột ngột, không giữ một tư thế quá lâu khi ngồi học hay làm việc.
Khi đã có biểu hiện đau nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động một vài ngày. Chú ý hơn đến chế độ ăn bằng cách bổ sung vào khẩu phần ăn nhiều thức ăn có chứa canxi, magie (trứng, sữa, thịt nạc, tôm, cua). Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. Hạn chế ăn thức ăn nhanh, đồ hộp, đồ ăn quá nhiều đường.
Người bệnh cũng nên thường xuyên tập thể dục, thể thao. Không nên ngồi lâu kéo dài, chịu khó vận động giải lao, thư giãn. Tránh căng thẳng, tập các bài thể dục vừa sức, nhẹ nhàng.
G.THANH (PLO)
Chưa có bình luận.