Khi thấy con bị viêm họng, phù, tiểu ít, tăng huyết áp, cha mẹ phải đưa ngay đến cơ sở y tế, tránh hậu quả đáng tiếc.
Liên quan đến tình trạng 5/10 học sinh ở Nghệ An bị viêm cầu thận, bác sĩ Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội thận, thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ thông tin phòng bệnh.
Nguyên nhân
Theo bác sĩ Thảo, bệnh viêm cầu thận cấp là tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn tiêu huyết beta nhóm A. Nguyên nhân ban đầu của bệnh là viêm họng, da. Vi trùng không tấn công trực tiếp lên thận mà thông qua cơ chế miễn dịch. Người bệnh cũng có thể bị viêm da mủ (có nhiều mụn mủ ở một vùng da) 2-3 tuần.
Trẻ từ 4-14 tuổi hay mắc bệnh. Tuy nhiên, viêm cầu thận cấp ở người lớn thường nặng hơn ở trẻ em. Nam gặp nhiều gấp đôi nữ. Bệnh có thể xảy ra lẻ tẻ, nhưng đôi khi có thể thành dịch.
Bệnh hay gặp ở những nơi kinh tế kém phát triển, đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém, hoặc có thể phát tán trong trường học.
Theo bác sĩ Thảo, bệnh viêm cầu thận có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ảnh: N.P.
“Hiện nay, tỷ lệ bệnh ngày càng giảm trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển, do việc sử dụng nguồn nước sạch có khử fluoride cùng việc chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt”, bác sĩ Thảo nói.
Triệu chứng
Khi có biểu hiện sưng phù hai mi mắt, phù mặt, lan toàn thân, tiểu ít, nước tiểu sậm màu tăng huyết áp, lơ mơ, ngủ gà, đau đầu dữ dội, co giật, khó thở, người bệnh phải được chữa trị kịp thời để tránh suy tim, hô hấp dẫn đến tử vong.
Cách phòng bệnh
Khi mắc bệnh, người bệnh nên nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động, ăn nhạt (giảm muối), kiểm soát huyết áp, dùng thuốc lợi tiểu, điều trị suy tim xung huyết, các biến chứng suy thận cấp.
Để phòng bệnh, người dân cần chú ý vệ sinh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nếu trẻ bị viêm họng hoặc viêm mủ da, không nên xem thường, không tự dùng thuốc mà phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa nhi để tích cực điều trị nhiễm khuẩn sớm. Nếu trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cho bé nghỉ ngơi tại nhà để tránh lây lan trong cộng đồng.
Khánh Trung
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.