Khi cơ thể chán ăn, mệt mỏi, da xanh, có dấu hiệu phù nhẹ, bạn cần đi khám chức năng thận trước khi quá muộn.
Đang điều trị chạy thận tại Khoa thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai, anh Dương Quốc Tuấn (35 tuổi tại Nam Định) cho biết mình bị suy thận từ năm 25 tuổi.
Trước đó, anh Tuấn khỏe mạnh bình thường. Thời gian sau khi đi làm, anh cảm thấy mệt mỏi, ăn kém, sức khỏe sa sút dần. Khi đi khám, bác sĩ kết luận anh bị suy thận gian đoạn 4. Cầm kết quả trên tay, anh Tuấn chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ phải gắn với chiếc máy chạy thận vĩnh viễn.
Nguyễn Thị Hiền (17 tuổi, ở Hải Dương) cũng tình cơ phát hiện suy thận trong một đợt kiểm tra sức khỏe của trường. Khi đó, bác sĩ nghi ngờ thận của Hiền có vấn đề và đề nghị em đi khám chuyên sâu hơn. Hiền được bố mẹ đưa tới Bệnh viện Bạch Mai và kết quả khám cho thấy em bị suy thận. Hiền tâm sự em không có dấu hiệu gì của bệnh thận ngoài việc em ăn nhiều mà cơ thể vẫn rất gầy.
Khi có các triệu chứng rõ ràng hơn như buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, da xanh thì bệnh suy thận thường đã tiến triển nặng. Ảnh: Getty.
PGS.TS Đinh Thị Kim Dung, nguyên Trưởng khoa Thận Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết rất khó để phát hiện suy thận ở giai đoạn sớm.
Bởi nhữngtriệu chứng suy thận ở giai đoạn này thường rất mơ hồ, không rõ ràng, dễ bị bỏ qua. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi thoáng qua, da xanh phù nhẹ.
Khi bị suy thận ở giai đoạn đầu, người bệnh vẫn có thể lao động bình thường nên mọi người dễ chủ quan bỏ qua những dấu hiệu thoáng qua. Cách duy nhất để phát hiện suy thận ở giai đoạn sớm là 6 tháng đi kiểm tra thận một lần.
“Khi có các triệu chứng rõ ràng hơn như buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, da xanh, bệnh suy thận thường đã tiến triển nặng. Khi đó, việc điều trị rất khó khăn. Suy thận có thể gặp ở bất cứ nhóm tuổi nào, ở cả trẻ nhỏ, thiếu niên, thanh niên, người già”, PGS Dung nói.
Cách phòng bệnh thận tốt nhất là uống đủ 1,5- 2 lít/ngày. Uống nhiều nước sẽ giảm được nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Đồng thời người dân nên có thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh dùng thuốc kháng sinh bừa bãi…
Theo bác sĩ Dung, người khỏe mạnh vẫn nên đi kiểm chức năng thận định kỳ bằng cách siêu âm và xét nghiệm máu. Với những người nghi ngờ mắc bệnh thận cần phải làm 3 xét nghiệm cơ bản (máu, nước tiểu, siêu âm).
Trong đó xét nghiệm máu cần làm ure, creatinin, đường huyết, axit uric, công thức máu. Phân tích nước tiểu để đánh giá chức năng thận trong nước tiểu. Siêu âm giúp đánh giá được hình thái thận và tìm hiểu được một số nguyên nhân như sỏi, u, nang hay tình trạng ứ nước.
“Các xét nghiệm cơ bản trên có thể thực hiện ở bất cứ bệnh viện hay trung tâm y tế. Chi phí của các xét nghiệm trên chỉ từ 300.000-400.000 đồng. Trường hợp đã mắc bệnh cần phải đi khám chuyên khoa thận nội tiết và làm những xét nghiệm sâu hơn”, bác sĩ Dung cho hay.
Bệnh nhân suy thận cần lưu ý không nên ăn mặn dễ khiến phù tích nước hay tiêu thụ quá nhiều chất đạm khiến chức năng thận phải hoạt động quá tải. Một số hoa quả bệnh nhân thận không nên ăn nhiều như cam và chuối có thể làm rối loạn điện giải, tăng kali máu nguy hiểm cho tim và gây ra biến chứng đột ngột.
Bác sĩ Đinh Thị Kim Dung cũng lưu ý thêm khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi không có nguyên nhân cần phải đi khám sớm, không nên thấy mệt là tẩm bổ, ăn quá nhiều thịt, giàu chất đạm và béo dễ khiến cho tình trạng suy thận càng nặng hơn.
Phạm Loan
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.