Thứ Năm, 01/10/2015 | 01:40

Huỳnh Khắc Vũ năm nay 26 tuổi. 18 năm trước hầu như không ai biết tên thật của Vũ là gì. Làng trên xóm dưới, người già trẻ con ai cũng gọi Vũ là “thằng Thúng” bởi em mang trong bụng cái bướu quái dạng thai khổng lồ.

Đám cưới của chàng trai từng mang bướu quái khổng lồ

Huỳnh Khắc Vũ năm nay 26 tuổi. 18 năm trước hầu như không ai biết tên thật của Vũ là gì. Làng trên xóm dưới, người già trẻ con ai cũng gọi Vũ là “thằng Thúng” bởi em mang trong bụng cái bướu quái dạng thai khổng lồ.

Đám cưới của chàng trai từng mang bướu quái khổng lồ

Vợ chồng Huỳnh Khắc Vũ cùng các y, bác sĩ bệnh viện đa khoa Tây Ninh tham gia phẫu thuật, chăm sóc cho Vũ cách đây 18 năm, đến dự lễ tân hôn của Vũ ngày 2/2.

Đám cưới của chàng trai từng mang bướu quái khổng lồ

“Thằng Thúng” trước và sau khi mổ cắt bướu năm 1995  – Ảnh tư liệu bệnh viện đa khoa Tây Ninh

Đám cưới của chàng trai từng mang bướu quái khổng lồ

Bài báo ngày 10/6/1997

Trưa 2/2, tại căn nhà nhỏ trong một xóm nghèo thuộc huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh diễn ra lễ thành hôn của “thằng Thúng”. “Thằng Thúng” của 18 năm về trước nay là chú rể Huỳnh Khắc Vũ đĩnh đạc trong bộ đồ vest mới tinh.

E ấp bên Thúng là cô dâu Nguyễn Thị Kim Ngân – nữ hộ sinh vừa ra trường.

Những ai đã đọc về cuộc đời của Thúng qua các bài viết “Chuyện về thằng Thúng” hẳn đều rất vui trước kết thúc có hậu như câu chuyện cổ tích này.

“Đi rước vợ cho thằng Thúng”

Náo nức, mừng vui không thua chú rể là các y, bác sĩ của bệnh viện đa khoa Tây Ninh và các bác sĩ đã tham gia chẩn đoán, phẫu thuật, chăm sóc cho “thằng Thúng” năm nào. Từ TP.HCM, bác sĩ Phan Thanh Hải – giám đốc trung tâm chẩn đoán y khoa Medic (trung tâm Medic) – gác hết mọi công việc chuyên môn, mọi lo toan cho gia đình khi tết cận kề, thuê hẳn một chiếc xe hơi lớn chở mọi người đi Tây Ninh “chung vui với thằng Thúng chứ”.

PGS.TS.BS Võ Văn Thành – chủ tịch Hội Cột sống TP.HCM – cũng tạm gác bài báo cáo khoa học còn dở dang chuẩn bị cho hội nghị về cột sống sắp tới ở nước ngoài để đi Tây Ninh. Ngay cả bác sĩ Nguyễn Quý Khoáng – nguyên chủ tịch Hội Siêu âm hình ảnh học TP.HCM – vì cảm cái tình, sự tận tâm của các y, bác sĩ bệnh viện đa khoa Tây Ninh mà theo về chung vui với các đồng nghiệp, nơi ông từng làm việc cách đây 30 năm. Đoạn đường dài hơn trăm cây số từ TP.HCM về huyện Hòa Thành không làm ba bác sĩ già mệt mỏi, niềm vui tràn ngập trên khuôn mặt họ.

Ở Tây Ninh, trước đó cả tháng, cô Ba Đào (Nguyễn Thị Xuân Đào, 68 tuổi – nguyên điều dưỡng trưởng phòng mổ bệnh viện đa khoa Tây Ninh) đã cùng gia đình “thằng Thúng” đi hỏi vợ cho Thúng. Ngày cưới của Thúng cũng là ngày thôi nôi của cháu nội cô Ba Đào nhưng cô “cũng bỏ luôn để đi rước dâu cho nó trọn vẹn”. Bác sĩ Lê Công Mạnh – phẫu thuật viên chính ca mổ cắt khối bướu khổng lồ cho Thúng cách đây 18 năm – năm nay đã 77 tuổi, đầu bạc trắng, dáng đi, giọng nói đã chậm chạp nhưng vẫn chạy xe máy “đi rước vợ cho thằng Thúng”.

Còn bác sĩ Lê Hồng Phước – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện đa khoa Tây Ninh, người góp phần viết nên giấc mơ cổ tích cho cuộc đời của “thằng Thúng” – chạy đi chạy lại như con thoi. Một mình ông lo toan bao nhiêu việc. Vừa đại diện gia đình chú rể vừa lo tiếp đón đồng nghiệp từ Sài Gòn đến, vừa tranh thủ trả lời những câu hỏi của nhà báo chúng tôi. Tóc ông đã điểm bạc, khuôn mặt hằn sâu nét khắc khổ, nhưng qua lời kể của bạn bè, đồng nghiệp, học trò của ông và đặc biệt là của Thúng, chúng tôi mới biết thật hiếm có những người như ông ở thời buổi kim tiền này.

Kỳ tích ở bệnh viện tỉnh

Huỳnh Khắc Vũ năm nay 26 tuổi. 18 năm trước hầu như không ai biết tên thật của Vũ là gì. Làng trên xóm dưới, người già trẻ con ai cũng gọi Vũ là “thằng Thúng” bởi em mang trong bụng cái bướu quái dạng thai khổng lồ. Cuộc đời bất hạnh, khốn cùng của “thằng Thúng” được bạn đọc cả nước biết đến qua bài viết “Chuyện về thằng Thúng” của tác giả Vũ Đoan Tiến. Tác giả của những bài viết này chính là bác sĩ Lê Hồng Phước, người cha tinh thần, ba nuôi của Thúng, đã luôn dõi theo cuộc đời của Thúng và luôn kịp chìa bàn tay kéo Thúng ra khỏi những lúc khốn cùng, bế tắc của cuộc đời.

Bác sĩ Phan Thanh Hải kể năm 1995 khi trung tâm Medic mới trang bị máy CT scanner đầu tiên của hệ thống y tế tư nhân thì bác sĩ Phước đang học lớp siêu âm tại Medic. Nghe tin Trung tâm Medic chụp CT scanner miễn phí cho bệnh nhân, “Phước đã tức tốc về Tây Ninh bưng thằng Thúng đến chụp”. Trước đó, Thúng đã được đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 1 khám và được chẩn đoán bị xơ gan cổ trướng. Coi như bí lối. Sau khi chụp CT scanner, Thúng được bác sĩ Phan Thanh Hải chẩn đoán bướu quái dạng thai. Tuy nhiên, khi hội chẩn lại với một số bác sĩ đầu ngành về nhi khoa vẫn không thống nhất được với kết quả chẩn đoán này. Thậm chí có bác sĩ đầu ngành ngoại nhi còn bảo “đụng vô là chết chắc”.

Qua siêu âm bụng cho Thúng, các bác sĩ bệnh viện đa khoa Tây Ninh tin vào chẩn đoán của trung tâm Medic nên quyết đưa Thúng về Tây Ninh phẫu thuật. “Ca mổ cắt bướu cho Thúng hồi ấy ở một bệnh viện tuyến tỉnh như một kỳ tích. Ở thời điểm đó không mấy ai dám nhúng tay vào ca bệnh này, nhưng bác sĩ Lê Công Mạnh và êkip mổ vẫn phẫu thuật và thành công” – bác sĩ Phan Thanh Hải nói. Theo bác sĩ Hải, ca mổ không chỉ thành công về mặt y khoa mà còn có ý nghĩa xã hội. Các y, bác sĩ của bệnh viện đa khoa Tây Ninh, đặc biệt là bác sĩ Phước, không chỉ cứu mạng “thằng Thúng” mà còn giúp em vượt qua nghịch cảnh bằng việc cưu mang, đùm bọc gần 20 năm qua.

Ngồi xe từ nhà của Thúng ra nhà hàng tiệc cưới, cô Ba Đào xúc động kể lại: Đầu năm 1995, Thúng được một phụ nữ chuyên đi mua, hái vú sữa phát hiện khi đến mua vú sữa ở xóm nhà Thúng. Lần đầu thấy Thúng, bà đã suýt té từ trên cây vú sữa xuống đất. Bà lại gần hỏi: “Thằng Thúng sao không đi chữa bệnh?” thì nó nói: “Mẹ con nghèo lắm, không có tiền đưa con đi”. Thương xót, bà đã về vận động được mấy triệu đồng mang đến bảo cho mẹ Thúng đưa nó đi bệnh viện. Nhờ tấm lòng của người phụ nữ này, các bác sĩ của bệnh viện đa khoa Tây Ninh mới biết và tiếp nhận, điều trị, phẫu thuật cho Thúng.

Nhớ về ca mổ ngày ấy, bác sĩ Lê Công Mạnh nói lúc đó dù bệnh viện còn nhiều khó khăn nhưng ông và các đồng nghiệp vẫn quyết tâm mổ cho Thúng. Ngoài tin tưởng vào khả năng chính mình và các đồng nghiệp, ông còn vững lòng vì ca mổ có sự chỉ đạo và quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở TP.HCM. “Mổ xong ai cũng lo không biết có hồi sức nổi không vì nó quá yếu. Trước mổ nó cân nặng 36kg, mổ xong còn 16kg. Các y, bác sĩ ngày đêm túc trực, tích cực hồi sức theo dõi từng hơi thở, nhịp tim yếu ớt của nó. 24 giờ trôi qua, thằng Thúng tỉnh lại, mở mắt nhìn quanh. Thấy đôi mắt long lanh của thằng bé 8 tuổi, nhiều y bác sĩ đã ứa nước mắt vì quá hạnh phúc” – bác sĩ Mạnh xúc động kể lại.

Tấm lòng cha đỡ đầu

Những tưởng sau ca mổ ấy và sau sự giúp đỡ, cưu mang của nhiều tấm lòng nhân hậu, cuộc đời “thằng Thúng” sẽ sang trang mới. Thế nhưng tai họa tiếp tục ập xuống. Một người anh của Thúng bị tai nạn giao thông, rồi một anh nữa bị bệnh tim bẩm sinh lần lượt qua đời. Rồi năm 2007, đang học lớp 10 thì bệnh của Thúng tái phát. Cái bụng lại to ra lần thứ hai do cuộc mổ lần trước không thể bóc tách hết khối u ở mặt sau cho Thúng. Bác sĩ Phước lại gọi bác sĩ Hải và Thúng được đưa về trung tâm Medic chụp CT scanner kiểm tra. Lần này, Thúng được bác sĩ Trương Tiếu Hùng – trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức bệnh viện đa khoa Tây Ninh – và bác sĩ Phước mổ thành công lần nữa.

Kể về đứa con nuôi của mình, bác sĩ Phước nói đối với ông, Vũ không chỉ là bệnh nhân bình thường mà là bệnh nhân đặc biệt vì có hoàn cảnh rất đặc biệt. Ngày đó, ông có thể giao Vũ cho bệnh viện Nhi Đồng 1 mổ rồi đi về, nhưng ông cứ thấy băn khoăn: để ở bệnh viện Nhi Đồng 1 thì yên tâm hơn về mặt chuyên môn, nhưng về mặt xã hội thì rất khó vì Vũ và gia đình không có tiền, bà ngoại và mẹ em cũng không biết gì và chưa từng đến Sài Gòn. Ông cảm nhận nếu chỉ điều trị cho Vũ như một bệnh nhân bình thường thì coi như cuộc mổ đó thất bại. Vì vậy, sau khi gặp biến cố lần thứ hai, gia đình Vũ rơi trở lại nghèo túng, Vũ phải nghỉ học vào núi làm thuê giữ vườn mãng cầu mất hai năm. “Thấy Vũ thông minh, lanh lợi mà không giúp cho cháu thì uổng phí bao công sức của rất nhiều người bỏ ra giúp cháu trở thành người bình thường, tôi quyết định đưa cháu về và cho đi học tiếp. Học khóa dược tá xong, về bệnh viện làm việc, Vũ có thái độ lao động rất tốt và được nhiều người thương yêu” – bác sĩ Phước kể.

Giải thích lý do vào núi đưa Vũ về nuôi dạy như con, lo tiền ăn học, tiền tiêu vặt hằng tuần, lo cả việc làm và hôn nhân cho Vũ, bác sĩ Phước nói hồi ông còn nhỏ gia đình cũng rất nghèo khổ và từng được nhiều người giúp đỡ. Giúp Vũ thành người lành lặn, hữu ích cho xã hội đối với ông là cách trả nghĩa tốt nhất cho cuộc đời, cho những người từng giúp đỡ ông.

Theo Tuổi Trẻ

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook