Lợn truyền thuốc ngủ, hóa chất độc, cafe độc, ruốc độc, rau độc,… Như một loại đại dịch, thực phẩm bẩn đem theo các chất độc gây ung thư len lỏi đến từng khu chợ, hàng quán rồi xâm nhập vào cơ thể nhiều người tiêu dùng một cách tự nhiên nhất.
Từ năm 2015 đến nay, căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi của Việt Nam nhiều nhân vật nổi tiếng, để lại sự nuối tiếc, xót xa vô hạn trong lòng công chúng mến mộ.
Mới đây nhất, ngày 17/3, ca sĩ – nhạc sĩ Trần Lập đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào lúc 12 giờ 45 phút, sau gần 5 tháng chống chọi với bệnh ung thư đại trực tràng.Nghệ sĩ Tuấn Dương qua đời ở tuổi 61 vì căn bệnh ung thư vòm họng
“Bác trưởng thôn” Văn Hiệp qua đời năm 2013 khi phải đối mặt với căn bệnh ung thư phổi, để lại sự mất mát và tiếc thương trong làng điện ảnh và khán giả Việt Nam.
Từ những người nổi tiếng cho đến những người bình thường, đều đang phải đối mặt với nỗi đau thương mà ung thư gây ra.
Trần Văn Trung (SN 1994), sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Một tương lai tươi sáng của chàng sinh viên nghèo học giỏi, bỗng chốc sụp đổ trước căn bệnh ung thư máu quái ác. Chỉ còn lại những giọt nước mắt khổ tâm, thương con nhưng bất lực của người mẹ khốn khổ.
Cháu Nguyễn Tiến Đạt (bên phải ảnh), 8 tuổi, sống tại TP Nam Định. Bố mất từ khi Đạt mới 2 tuổi, mẹ Đạt sau đó bỏ đi, để lại cháu và anh trai cho bà nội chăm sóc. Một mình bà nội đã yếu, không có lương, cố gắng chăm sóc cho 2 anh em được đi học. Nhưng thật éo le, Đạt không may mắc bệnh bạch cầu cấp, liên tục phải vào viện điều trị. Hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Ảnh: Báo Lao động
Đó chỉ là số ít, trong rất nhiều những người Việt Nam đã và đang phải gánh chịu đau thương vì đại dịch ung thư. Những câu chuyện về bao mảnh đời bất hạnh, bao số phận ngắn ngủi đầy thương đau, nuối tiếc cứ thế mỗi ngày phủ dày đặc hơn trên các mặt báo, trên các diễn đàn, mạng xã hội, và trong cả cuộc sống thường nhật của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Theo số liệu từ Hiệp hội Ung thư Việt Nam công bố năm 2012: Mỗi năm, cả nước ta có thêm khoảng 150.000 ca mắc bệnh và 75.000 ca tử vong do ung thư.
Đáng chú ý hơn, trong một công bố mới đây hồi tháng 4/2014 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tỷ lệ chết do bệnh ung thư, nhiều người Việt Nam không khỏi giật mình khi biết, trong tổng số 172 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 78 với tỷ lệ chết vì ung thư là 110 ca/100.000 người.
Đại dịch ung thư sẽ ngày càng bùng phát
Tại Việt Nam hiện nay, ung thư ở nam giới tăng nhanh nhất là phổi, dạ dày, đại trực tràng, thực quản; ở nữ tăng nhanh nhất là ung thư vú, đại trực tràng, dạ dày, tuyến giáp.
Trăn trở về điều này trên trang facebook cá nhân, TS Lương Hoài Nam chia sẻ: “Bà con, bạn bè, đồng nghiệp của tôi bị chết vì ung thư nhiều vô kể. Việt Nam là nước có tỷ lệ ung thư cao bậc nhất thế giới. Con số ngày sẽ còn tăng mạnh, vì nói chung đã bị ung thư thì chỉ có chết, sớm hay muộn thôi, y học chưa chữa được”.
Hình ảnh về ung thư đại trực tràng
Quả vậy. Cũng theo công bố của Hiệp hội Ung thư Việt Nam, nếu như năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 69.000 ca mắc ung thư thì tới năm 2010, con số này đã tăng gần gấp đôi lên 126.000 ca. Ước tính vào năm 2020, số mắc ung thư sẽ là gần 200.000 ca.
200.000 người mắc bệnh. Nghĩa là 200.000 trái tim có thể sẽ ngừng đập vào một ngày nào đó. Cũng là ngần ấy ước mơ có thể bị dang dở, ngần ấy hạnh phúc có thể phải đứt gánh giữa đường. Và ngần ấy nỗi tiếc thương, mất mát sẽ phải nhân lên cho rất nhiều bạn bè, người thân của bệnh nhân. Đó là nỗi bất hạnh quá lớn!
Thực phẩm bẩn là tác nhân hàng đầu gây ung thư
Trả lời báo chí ngày 20-3-2016, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, sở dĩ số ca mắc ung thư tăng nhanh do 3 nguyên nhân chính là: Thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, do tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân từ thực phẩm đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá chiếm 30%, di truyền chỉ chiếm 5-10%.
Hình ảnh ngư dân Phú Yên nhuộm đỏ con ruốc bằng hóa chất gây hoang mang và bức xúc trong dư luận vài ngày qua. Ảnh: Lê My
Thật nực cười khi giờ đây, con người bất lực đón nhận một cái chết dần mòn và đau đớn trong tương lai, để đổi lấy việc được ăn, uống, hít thở, được sống một cuộc sống tạm thời ở hiện tại. Cứ phải mỉm cười chua chát chấp nhận một hiện thực phản quy luật tự nhiên là chúng ta đang “ăn để chết”, đang tự tử từ từ trong cái gọi là “thực phẩm bẩn” tiếp tay cho đại dịch ung thư.
Nhưng liệu có đúng là thực phẩm bẩn không, hay chính sự tham lam, ích kỷ, nhẫn tâm đến bẩn thỉu của con người mới là liều thuốc mạnh nhất đang đầu độc chính giống nòi của chúng ta?
Theo anninhthudo.vn
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.