Sang nhà bà nội đúng lúc tổ ong rơi xuống, bé Minh, ở Phú Bình, Thái Nguyên bị cả đàn ong tấn công, rơi vào tình trạng nguy kịch. Đây là trường hợp bị ong đốt nặng nhất từ trước đến nay điều trị khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo lời chị Khuê, mẹ bé thì hôm đó, mấy anh chị họ lớn hơn lấy đá ném, chọc gậy vào tổ ong ở nhà bà nội. Không may bé Minh sang chơi đúng lúc tổ ong rơi xuống. Những cháu khác lớn hơn chạy được, còn bé nhỏ quá nên bị cả đàn ong xông vào đốt. Người chú nhìn thấy liền chạy vào nhà lấy chăn chùm lên đầu, xoa xoa để giết lũ ong, sau đó chuyển cháu đến bệnh viện huyện cấp cứu.
Sau đó, bé được chuyển tiếp lên bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên điều trị được 2 ngày thì trẻ bị biến chứng nặng nên được chuyển xuống khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào ngày 20/7.
Cháu Minh đã hồi phục sau cơn nguy kịch vì ong đốt. Ảnh: Nam Phương. |
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng bán hôn mê, suy thở, suy hô hấp, thở rất nhanh, da vàng toàn thân, lờ đờ… Xét nghiệm, bác sĩ thấy giật mình khi thấy men gan tăng cao gấp 800 lần so với bình thường. Khoa chưa gặp trường hợp nào có chỉ số men gan cao đến thế.
“Bé bị khoảng 60 vết đốt, trong đó tập trung chủ yếu vào đầu. Ngoài tổn thương gan, bệnh nhi còn bị tổn thương rất nặng cùng lúc nhiều cơ quan nội tạng khác như: thận, phổi, tắc mật, hủy hoại cơ vân, tan máu, tim yếu… Tất cả các chức năng cùng bị ảnh hưởng nên khó chữa, lại trên cơ thể một bé gày yếu, nặng 10 kg”, giáo sư Dũng nói.
Các bác sĩ xác định đây là một trường hợp nhiễm độc rất nặng. Việc đưa ra phác đồ điều trị cho trẻ là vô cùng khó khăn, không dùng kháng sinh thì sợ nhiễm trùng, dùng thì khó, phải tính toán dùng loại gì, liều lượng bao nhiêu vì gan đang tổn thương rất nặng.
Rất may sau 10 ngày điều trị thì bệnh có chiều hướng tốt lên, men gan hạ xuống. Tuy nhiên, ngay sau đó trẻ lại bị nhiễm trùng phổi, sốt cao, suy hô hấp, lại phải tập trung dùng kháng sinh. Cuối cùng sau hơn một tháng, đến nay sức khỏe của bé đã ổn định và sau 2-3 ngày nữa có thể xuất viện.
“Đây là ca bị ong đốt khó nhất từ trước đến nay, bình thường 1 tuần là trẻ đã có thể xuất viện, trường hợp này hơn 1 tháng”, phó giáo sư Dũng chia sẻ.
“Gia đình cũng biết có tổ ong này nhưng không nghĩ các cháu lại nghịch thế. Lúc đầu chuyển xuống viện, các bác sĩ còn bảo là quá nặng, 99% không cứu được, lúc đấy mình đã nghĩ không còn hy vọng. Thế nhưng đến khi bác sĩ trưởng khoa nói là cứu được thì tôi như bừng tỉnh. Đến giờ cháu sống được quả là một điều may mắn”, chị Khuê cười nói.
Nam Phương
Nguồn: vnexpress
Chưa có bình luận.