Có người ví rằng “sầu riêng không mùi thì chẳng khác gì con người không có linh hồn”, vậy nguồn gốc “hồn của sầu riêng” đến từ đâu? Cuối cùng các nhà khoa học cũng đưa ra được câu trả lời.
Nếu được hỏi trên Trái đất này loại trái cây nào có mùi khói ngửi nhất, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến quả sầu riêng. Không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ ngoài đầy gai kỳ dị, sầu riêng còn khiến người ta “chỉ một lần ngửi thôi là nhớ nhau cả đời”. Cái mùi nồng nồng như là sự kết hợp của nhiều mùi trái cây, hành tây thối, thịt thối… khiến nhiều người muốn bỏ chạy mà lại khiến nhiều người cảm thấy thơm lạ thường. Vậy nguồn gốc của mùi hương khó tả ấy là từ đâu?
Giờ đây, các nhà khoa học đã có thể trả lời được một trong những câu hỏi bí ẩn nhất thế giới.
Các nhà khoa học Singapore mới đây đã công bố bộ gen được coi là nguyên nhân khiến sầu riêng phát ra mùi hương cực kỳ khó chịu.
Các nhà khoa học đã tìm ra bộ gene của sầu riêng chính là nguyên nhân “gây mùi” của loại quả này.
Patrick Tan, giáo sư trường Y khoa Duke -NUS, trưởng nhóm nghiên cứu về sầu riêng, cho biết: “Trong thành phần mùi của sầu riêng có chứa hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi (VSC), mùi trứng thối, hành đang phân hủy”.
Nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore (NCC) và trường y khoa Duke -NUS đã so sánh ADN của sầu riêng và vài loài thực vật nặng mùi khác như cacao.
Họ phát hiện ra rằng, trong khi thực vật chỉ có 1 – 2 đoạn sao chép gene sản sinh VSC, thì sầu riêng sở hữu tới 4 đoạn sao chép, khiến VSC nhiều hơn hẳn. Bên cạnh đó, khi sắp xếp gene của sầu riêng Musang King, nhóm chuyên gia phát hiện loại quả này có tới 46.000 gen, gần gấp đôi số lượng gene của con người.
Bằng cách so sánh hoạt động của gen ở các bộ phận khác nhau của cây, họ cũng xác định được một loạt các gen, methionine gamma lyases (MGLs) kiểm soát việc tạo ra các hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi, tạo cho sầu riêng mùi hương đặc trưng của nó.
Liệu phát hiện này sẽ khiến sầu riêng tương lai không còn khó ngửi?
Các nhà nghiên cứu cho rằng mùi của sầu riêng còn có tác dụng thu hút động vật hoang dã để phân tán hạt cây.
Nghiên cứu trên được tiến hành từ 3 năm về trước và mới được công bố trên tạp chí Nature Genetics. Công bố này đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học và đặc biệt là với cư dân mạng, những tín đồ sầu riêng.
Phát hiện này bên cạnh việc chỉ ra nguồn gốc mùi lạ lùng mà còn là tiền đề để tạo ra sầu riêng “không mùi” hoặc có vị nhẹ nhàng hơn trong tương lai.
“Sầu riêng mà không có mùi thì khác gì lớp vỏ rỗng“, Richie Liang, một Facebooker người Singapore bình luận. Anh còn khẳng định: “Sầu riêng không mùi thì chẳng khác gì con người không có linh hồn”.
Sầu riêng được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á nhiệt đới. Chúng nổi tiếng với mùi nồng nặc đặc trưng. Có hàng triệu người thích sầu riêng và từng đấy người ghét chúng vì mùi hương khó chịu. Tại Singapore, sầu riêng còn bị cấm ở nơi công cộng vì mùi quá nồng nặc.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều “fan của sầu riêng” sẵn sàng sống chết để bảo vệ “mùi hương thơm” đó. Một Facebooker là Jason Lim còn khuyến khích phát triển mùi sầu riêng: “Tôi hy vọng sẽ có ngày được ăn quả bơ với mùi sầu riêng”.
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: ĐKN
Chưa có bình luận.