Thứ Ba, 26/01/2016 | 21:30

Xuýt xoa vì cái rét, chị Liên ở Hải Dương vừa sinh bé gái nặng 2,8 kg ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nằm co ro, tím tái mặt mày vì đau quá không chịu được.

Bế con trên tay, cố gắng mớm cho con ăn miếng sữa đầu tiên, chị Liên vẫn không giấu nổi nỗi đau. Mẹ đẻ chị Liên mong muốn nhanh chóng đưa hai mẹ con về nhà sớm để có thể ủ ấm, tiện chăm sóc. Thấy con gái đau đớn không đi lại nổi vì phải rạch tầng sinh môn lúc vượt cạn, bà vô cùng xót xa.

Nhiệt độ ngoài trời xuống đến 5, 6 độ C, thêm những cơn mưa khiến cái lạnh càng thêm buốt giá. Hành lang khu vực nhà D, nhà G của Bệnh viện Phụ sản Trung ương trở nên bề bộn với những mớ chăn màn của bệnh nhân và người nhà. Sản phụ nằm co ro trong phòng còn người nhà ngồi vạ vật dưới tiết trời lạnh như cắt da thịt.

Cuộc vượt cạn đau đớn gấp bội của sản phụ trong giá lạnh

Sản phụ vất vả sinh trong mùa lạnh. Ảnh: Lê Nga.

Bà Hạnh ở Thanh Trì, Hà Nội, ngồi ủ rũ trước cửa Khoa Đẻ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, lo lắng chờ tin con gái từ trong phòng mổ sinh. “Con gái bác phải mổ do lần đầu cũng sinh mổ. Đứa trước sinh vào mùa hè nó đã kêu đau rồi, lần này sinh đúng hôm rét kỷ lục không biết mẹ con cháu có chịu được không. Trời rét va chạm nhẹ vào cái gì cũng đau nói chi đến mổ…”, bà Hạnh tâm sự.

Tại khoa Sản 1 của bệnh viện, ngay đầu hành lang, các cặp vợ chồng đi đi lại lại, trong đó có nhiều đôi đang nằm ấm ổ bên nhau dưới chiếc chăn. Vợ anh Hải đang mang bầu cháu thứ hai, có biểu hiện ra máu nên vào bệnh viện nằm dưỡng. Anh phải tăng cường thêm chăn, chiếu để cùng vợ túc trực tại bệnh viện.

Cuộc vượt cạn đau đớn gấp bội của sản phụ trong giá lạnh

Chị Liên cố gắng cho con miếng sữa đầu tiên dù vượt cạn trong đau đớn. Ảnh: Lê Nga

Chị Phạm Thị Thoa cũng nhập viện Phụ sản Hà Nội đúng ngày lạnh kỷ lục. Chị mang thai lần thứ hai, 39 tuần và có biểu hiện chuyển dạ từ hôm qua. Trưa nay chị nhập viện và chuẩn bị vào phòng mổ. “Lần trước tôi cũng sinh mổ vào mùa đông nhưng thời tiết không khắc nghiệt như bây giờ. Ngày ấy lạnh giá mà trong phòng mổ tôi vẫn toát mồ hôi vì đau. Lần này cái đau như gấp đôi gấp ba bởi trời rét khủng khiếp, hy vọng mẹ tròn con vuông…”, chị Thoa chia sẻ trước khi lên bàn mổ.

Xoa tay như cố làm ấm đôi tay trong cái lạnh thấu xương, với hy vọng có thể chạm vào con một chút, anh Bình tâm sự, hai vợ chồng lấy nhau đã 3 năm, chật vật chữa hiếm muộn, may mắn vợ anh mang bầu và an toàn cho đến ngày sinh. Trong khi vợ đang vật lộn với vết đau sau mổ, anh Bình cố gắng sưởi ấm đôi tay để vào thăm hai mẹ con. Anh thương con bao nhiêu thì thương vợ bấy nhiêu, những người mổ đẻ ngày thường đã đau, vào ngày giá rét này càng đau hơn. Anh Bình cũng cho biết, trước khi biết vợ vượt cạn vào ngày đông, anh cũng đã tranh thủ sắm quạt sưởi đầy đủ để tránh rét cho hai mẹ con.

Cuộc vượt cạn đau đớn gấp bội của sản phụ trong giá lạnh

Người nhà co ro dọc hành lang bệnh viện chờ sản phụ sinh. Ảnh: Lê Nga.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các y tá, bác sĩ trở nên bận rộn hơn khi thường xuyên phải đi kiểm tra và nhắc nhở các sản phụ chuẩn bị sinh và sau sinh. Chị Phạm Tuyết Chinh, y tá Trưởng khoa Đẻ A2 cho biết, theo quy định, thai phụ trực sinh cần phải mặc váy, song do trời quá lạnh giá, hầu hết mọi người phải mặc thêm quần, khoác thêm áo để giữ gìn sức khỏe. Bệnh viện cũng tăng cường thêm chăn đệm, điều hòa, quạt sưởi an toàn, nước nóng để hỗ trợ các sản phụ, bà mẹ sau sinh.

Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, mùa lạnh sản phụ vượt cạn vất vả hơn. Trẻ sinh ra cũng dễ bị hạ nhiệt, suy hô hấp, viêm phổi… Do vậy các bác sĩ, y tá hết sức cẩn trọng trong công việc hỗ trợ sinh, đảm bảo nhanh gọn để giữ ấm cho người mẹ và trẻ. Gia đình nên chủ động trong công tác giữ ấm cho trẻ và cần chú ý đến các biểu hiện của trẻ, nếu bé có bất kỳ dấu hiệu nào khác thường cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức.

Lê Nga

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook