Thứ Tư, 26/10/2016 | 14:01

Nước ta nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ lụt lớn làm tăng nguy cơ lây lan các dịch bệnh…

Nước ta nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ lụt lớn làm tăng nguy cơ lây lan các dịch bệnh, PV báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe môi trường cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) để hướng dẫn cho các địa phương trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lụt, đảm bảo sức khỏe nhân dân.Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế): Đảm bảo sức khỏe cho nhân dân sau lũ lụt

TS. Đỗ Mạnh Cường.

PV: Thưa ông, cơn bão lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, Cục QLMT Y tế (Bộ Y tế) đã làm gì để chỉ đạo các địa phương trong công tác khắc phục bão lụt và phòng chống dịch bệnh?

TS. Đỗ Mạnh Cường: Trước, trong và sau bão, Cục QLMT Y tế luôn chủ động và kịp thời có văn bản về việc tăng cường công tác đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường vùng bị bão lụt để chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân trong công tác phòng chống bão lụt và phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, cùng các doanh nghiệp, các nhà tài trợ vận động ủng hộ nhân dân vùng bão lụt cơ số thuốc thiết yếu để xử lý nguồn nước… Chính vì vậy, công tác VSMT luôn được đảm bảo trong vùng bão lụt không có tình trạng bùng phát dịch bệnh.

PV: Là đơn vị thường trực trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, Cục QLMT Y tế có hướng dẫn gì đối với người dân khi có bão lũ xảy ra?

TS. Đỗ Mạnh Cường: Hàng năm, Cục QLMT Y tế thường xuyên phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng ở các địa phương, nhất là các tỉnh thường xuyên bị bão lụt cần phải tích cực chuẩn bị, luôn ở tư thế sẵn sàng đối phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra. Nhân viên y tế phối hợp với cán bộ địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sẵn sàng thực hiện tốt công tác kiểm tra nhà cửa, gia cố, chằng chéo những nơi có thể bị bão lụt làm hỏng; Dự trữ lương thực, thực phẩm, chuẩn bị một số thuốc thông thường như: thuốc tiêu chảy, cảm sốt, dầu gió, thuốc ngoài da…; Cất giữ các loại hóa chất bảo vệ thực vật (nếu có) ở nơi cao, không có nguy cơ bị ngập nước, cuốn trôi.

Với các nguồn nước, chuẩn bị nắp và ni lông để bịt kín miệng giếng khơi, bể nước mưa, lu, khạp hoặc nút, bịt miệng giếng khoan khi thấy có nguy cơ bị ngập.

Trong khi ngập lụt, các loại lương thực, thực phẩm rất dễ bị hư hỏng hoặc ô nhiễm bởi hóa chất, vi sinh vật gây bệnh, vì vậy, công tác VSATTP cần được đặc biệt chú trọng. Các loại thực phẩm phải được nấu chín trước khi ăn, không sử dụng thực phẩm ôi thiu, nên ăn ngay sau khi nấu. Không ăn rau sống lấy từ vùng ngập lụt. Trong trường hợp không có điều kiện để đun nấu, tốt nhất là sử dụng các loại mì ăn liền đóng gói, thức ăn đóng hộp, nước đóng chai còn nguyên vẹn. Nước dùng cho ăn uống phải được khử trùng và đun sôi. Các nguồn thực phẩm cứu trợ phải có nguồn gốc và còn hạn sử dụng.Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế): Đảm bảo sức khỏe cho nhân dân sau lũ lụt

Vệ sinh môi trường sau bão lũ. Ảnh: TM

PV: Để người dân phòng tránh các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau mưa lũ, Cục QLMT Y tế có khuyến cáo gì để người dân biết và thực hiện?

TS. Đỗ Mạnh Cường: Sau bão lũ, vấn đề trọng tâm trước mắt đối với y tế là xử lý môi trường, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nước ăn uống sinh hoạt, phát hiện sớm và ngăn ngừa không để dịch bệnh xảy ra. Chủ động bao vây và dập tắt dịch kịp thời. Để làm tốt công tác khắc phục hậu quả bão lũ, Cục đã khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, VSMT, ATTP sau những ngày mưa lũ. Cần thiết phải thực hiện các hoạt động VSMT sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm VSMT đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Ngành y tế các địa phương chủ động giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…

Đối với người dân, cần chủ động đảm bảo VSMT quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.

Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế về cách xử lý nước và VSMT.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Lâm (thực hiện)

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook