Nỗ lực của Nga và Châu Âu nhằm tìm kiếm dấu vết sự sống ngoài trái đất.
Vào ngày 16 tháng 3 vừa rồi, giai đoạn đầu tiên của nhiệm vụ ExoMars đã may mắn thành công nhờ công sức của các nhà nghiên cứu của cả Châu Âu và Nga: Tàu vũ trụ Trace Gas Orbiter (TGO) của Cơ Quan Vũ Trụ Châu Âu đã cất cánh và rời khỏi trái đất thành công. Nhiệm vụ liên kết này đặt mục tiêu vào việc tìm kiếm dấu hiệu sự sống trong khí quyển của “hành tinh đỏ”, và quan trọng hơn nữa, mở đường cho giai đoạn hai: đưa robot thăm dò ExoMars Rover lên Sao Hỏa để giúp các nhà khoa học nghiên cứu kỹ hơn mặt sao Hỏa với mục đích chính lần này là săn tìm sự sống.
Liệu cuộc sống trên Sao Hỏa có tồn tại không?
Câu hỏi này đã được nhân loại đặt ra từ lâu và đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp. Tuy vậy có một điều chúng ta hiểu rất rõ, Sao Hỏa dù có khí hậu sa mạc lạnh lẽo, vẫn là hành tinh giống trái đất nhất trong hệ mặt trời. Và trước đây, trong vòng một triệu năm sau sự hình thành của hành tinh, khí hậu trên Sao Hỏa nóng và ẩm hơn hiện giờ rất nhiều. Những dấu hiệu nguyên thủy của dòng nước chảy và thậm chí là biển cả khẳng định sự tồn tại của nước trên Sao Hỏa, và như chúng ta đã biết, nước là một yếu tố quan trọng để hình thành sự sống. Hơn thế nữa, gần đây các nhà nghiên cứu khoa học đã tìm thấy những bằng chứng thuyết phục về một lớp băng đá dưới bề mặt Sao Hỏa.
Nhiệm vụ lần này đánh dấu nỗ lực đầu tiên sau chương trình Viking của những năm 1970 nhằm thực sự tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa thay vì chỉ tìm dấu hiệu của những “điều kiện cần” có khả năng sản sinh ra sự sống.
Kế hoạch trong tương lai của Trace Gas Orbiter
Như cái tên gợi ý, Trace Gas Orbiter là tàu vũ trụ có nhiệm vụ bay xung quanh sao Hỏa như một vệ tinh và thăm dò các dạng khí trong bầu khí quyển Sao Hỏa. Đặc biệt trước đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện được một lượng nhỏ Metan trong khí quyển, Trace Gas Orbiter với trang bị hiện đại của mình có khả năng xác định nguôn gốc của khí gas này. Trên trái đất, một lượng lớn khí Metan được thải ra trong quá trình trao đổi chất của sinh vật, tuy thực tế nhiều quá trình địa lý tự nhiên cũng có tác động tương tự. Ngoài khí Metan, con tàu cũng có nhiệm vụ xác định sự tồn tại của hơi nước, oxy ni-tơ và a-xê-ti-len trong khí quyển Sao Hỏa, so với những chuyến bay trước đây đến sao Hỏa, Trace Gas Orbiter có độ chính xác cao hơn đến hàng bội số lần.
3 Ngày trước khi tới Sao Hỏa, dự tính là vào ngày 19 tháng 10 năm nay, TGO sẽ phóng thiết bị Schiaparelli lên bề mặt Sao Hỏa. Schiaparelli là một mô hình thực hiện quá trình hạ cánh thử nghiệm, giúp các nhà nghiên cứu trên trái đất giảm nguy cơ hạ cánh thất bại của những chuyến bay sau này.
Sự hợp tác lần này của ESA và Nga là kết quả của một quá trình kéo dài từ những đàm phán thất bại với NASA Hoa Kỳ vì những cắt giảm chi phí của Obama cho đến những lần tái cơ cấu thiết kế chương trình nhằm tạo cơ sở vững chắc nhất cho những nghiên cứu thực nghiệm tương lai. Đóng góp của Nga trong nhiệm vụ liên kết lần này gồm 2 tên lửa phản lực và một số thiết bị vũ trụ khác của mình.
ESA giải thích “Xác định sự tồn tại của sự sống trong lịch sử phát triển của Sao Hỏa là một trong những nhiệm vụ khoa học lớn nhất của thời đại chúng ta. Để giải quyết việc này, ESA đã thành lập chương trình ExoMars nhằm thăm dò môi trường Sao Hỏa cũng như thử nghiệm những công nghệ mới nhằm mở đường cho sự trở lại của những phi thuyền từ Sao Hỏa cùng với những mẫu vật thu thập được”.
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.