Chủ Nhật, 25/06/2017 | 01:30

“Bố đưa tôi đi nhiều viện mà không nơi nào dám nhận. Có những ngày da co kéo, rỉ máu, dính cả vào quần áo khiến tôi đau lắm”, Lê Thị Hằng tâm sự.

Trên ga giường của cô gái trẻ rơi đầy những vẩy ra bong tróc, đầu trọc lóc không có một cọng tóc, Hằng co người, cố giấu đi đôi chân, bàn thay lộ ra khỏi lớp quần áo khi có người đến thăm.

“Bố đưa tôi đi nhiều viện mà không nơi nào dám nhận. Có những ngày da co kéo, rỉ máu, dính cả vào quần áo khiến tôi đau lắm. Trước khi mổ, mắt mình một bên mờ, một bên không nhìn được nữa, cảm giác như có ai bỏ muối vào mắt vậy”, Lê Thị Hằng (29 tuổi, Quảng Bình) nghẹn ngào sau ca phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội).

29 năm đau đớn

Hằng kể cách đây 5 năm cô cũng từng ra Hà Nội chữa mắt, khi đó còn không thể nhìn thấy, giờ bệnh lại tái phát. Toàn thân Hằng bị vảy nến, da xơ cứng, mi mắt không thể nhắm. Nếu không được chữa trị kịp thời, cô gái trẻ này sẽ bị mù.

Toàn thân Lê Thị Hằng bong tróc do bệnh vảy nến.

Chú Lê Ngọc Niềm – cha Hằng – mừng vì đã có bác sĩ đồng ý mổ mắt cho con, nhưng người cha già lại lo lắng, đứng ngồi không yên vì chưa biết ca phẫu thuật tốn kém thế nào. Hai cha con chỉ có 6 triệu đồng tiền bán thóc vừa gặt, vốn để giữ làm lương thực cho cả nhà năm nay. Số tiền này chú Niềm cũng đã nộp cho bệnh viện.

Trước đây, chú Niềm từng là một người lính dũng cảm, vào sinh ra tử nơi chiến trường Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Tây Ninh và nhiễm chất độc da cam. Thứ chất độc tàn ác đó đã lấy đi của chú 2 người con, 2 người khác phải tiếp tục chiến đấu với bệnh tật, trong đó có Hằng.

Chú Niềm nhớ lại khi vừa sinh Hằng chưa bao lâu thì rụng hết tóc, ngay mùa đông đầu tiên, lớp da toàn thân khô lại, bong tróc thành từng mảng không ngừng.

Lớp da cũ vừa rụng, lớp da non mới lại hình thành, đỏ hỏn bên trong, nhất là khi thời tiết hanh khô, chúng rỉ máu khiến Hằng đau đớn, khóc mãi không thôi. Có lần phải ra nắng, da cô phỏng lên, nhúng tay vào chậu nước mát liền sủi bọt, phát ra tiếng xèo xèo.

Những ngày thời tiết nắng nóng, da Hằng xơ cứng, nứt nẻ đến rỉ máu.

Gia đình đã đưa cô gái trẻ này đến nhiều bệnh viện nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu trước căn bệnh quái lạ này. Cứ thế, Hằng phải sống chung với chúng suốt 29 năm qua.

Đôi mắt người cha già hoen đỏ, nhìn con xót thương, trách mình không đủ điều kiện chăm sóc Hằng tốt hơn. “Có những ngày nhìn con đau đớn mà tôi không thể chịu thay, đưa con đến đâu cũng bị từ chối, hai cha con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Vợ tôi ở nhà cũng cạn nước mắt rồi. Bà ấy bị thoái hóa cột sống, không làm gì được, muốn theo chăm con nhưng điều kiện không cho phép”, chú Niềm tâm sự.

“Tôi chỉ muốn được về nhà”

Bệnh tật là thế nhưng Hằng rất chủ động trong sinh hoạt hàng ngày. Mắt vừa phẫu thuật, cô cũng tự bê cơm xúc ăn, không cần ai bón. Ngay cả việc vệ sinh cá nhân, cô cũng một mình làm hết.

“Tôi biết cha mẹ và mọi người thương em, anh chị có gia đình rồi cũng phải nghỉ việc để chăm sóc. Tôi thấy có lỗi lắm. Giờ tôi chỉ mong được về nhà, không muốn phiền thêm ai nữa. Sống với đau đớn, tôi chịu mãi cũng thành quen”, Hằng vừa nói vừa cúi mặt, dường như muốn tránh đi ánh mắt nhìn ngó của những người xung quanh.

Dù vừa hoàn thành ca mổ mắt nhưng cô gái trẻ tự chủ động trong sinh hoạt, không muốn phiền người thân.

Căn bệnh quái gở khiến ngoại hình của Hằng trở nên khó nhìn, trí não cũng ảnh hưởng nên cô không được đi học. Cô gái 29 tuổi chỉ được học chữ do cha mẹ dạy, kiến thức đủ để đọc được những dòng quảng cáo trên tivi. Cũng từ xem tivi Hằng nghe được tiếng nhạc và thích chơi đàn Organ.

“Lúc trước bố tôi đi lính, biết chút nhạc nên dạy lại cho mình. Cứ có tiếng nhạc là tôi vui, tâm trạng cũng khá hơn. Giờ đôi tay co rút lại không chơi đàn được nữa. Tôi vẫn nhớ và thích giai điệu bài Rừng xanh vang tiếng Ta-lư nhất”, Hằng kể với gương mặt hào hứng.

Những lần nhìn con chơi đàn say mê, người cha già lặng lẽ rơi nước mắt. Với chú, chỉ cần còn hy vọng, bằng cách nào cũng cố gắng hết sức lo cho con. Bệnh viện yêu cầu Hằng xuất viện một ngày sau ca mổ, hai cha con đất Quảng lại đưa nhau vượt 600 km tàu xe về quê, lòng âu lo còn bao nhiêu lần phải quay trở lại nơi này.

Phương Anh
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook