Chủ Nhật, 06/09/2015 | 12:12

Chuột rút gây co cứng cơ, đau đớn, hạn chế khả năng vận động tại thời điểm xảy ra. Chuột rút do nóng là tình trạng co thắt cơ không tự chủ gây đau, thường xảy ra khi tập nặng trong môi trường nóng bức. Uống không đủ nước thường góp phần gây ra chuột rút do nóng.

Co thắt có thể mạnh và kéo dài hơn so với chuột rút thông thường lúc nửa đêm.

Những cơ hay bị nhất gồm cơ ở bắp chân, cánh tay, bụng và lưng, mặc dù chuột rút do nóng có thể xảy ra ở bất cứ nhóm cơ nào có liên quan trong bài tập.

Nếu bạn nghi ngờ chuột rút do nóng:

– Nghỉ ngơi và thư giãn.

– Uống nước hoặc nước dùng trong thể thao chứa chất điện giải.

– Tập kéo giãn nhẹ nhàng hết tầm cử động và xoa bóp nhẹ nhàng nhóm cơ bị ảnh hưởng.

– Nếu chuột rút không hết sau một giờ, hãy gọi bác sĩ.

Nguyên nhân bị chuột rút

Mặc dù chứng chuột rút thường gặp nhưng nguyên nhân chính xác gây ra chưa biết rõ. Đa số trường hợp không phải do bệnh. Các nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này có thể là:

– Tập luyện hoặc lao động chân tay quá mức

– Đứng hoặc ngồi quá lâu, ngủ nằm tư thế chân không đúng

– Thiếu chất khoáng trong máu như kali, canxi, magne

– Uống nước không đủ dẫn đến cơ thể bị thiếu nước

– Có thai

– Ngộ độc chì

– Do thuốc như: ngừa thai, lợi tiểu, hạ mỡ máu nhóm statin và clofibrate, chống trầm cảm, hạ huyết áp nifedipine, chống viêm dạ dày cimetidine, giãn phế quản salbutamol, terbutaline…

– Do bệnh lý tuyến giáp, thiếu máu, đái tháo đường, Parkinson, bệnh mạch máu hai chân, xơ gan, bệnh thần kinh, người có bàn chân phẳng…

Mỗi khi chuột rút xảy ra thường có đặc điểm:

– Chân bị chuột rút rất đau, kéo dài từ vài giây đến vài phút.

– Sờ chỗ đau thấy cơ bị co cứng thành một cục.

– Chân bị đau không thể cử động được trong khoảng thời gian này.

Trong đa số trường hợp chuột rút là lành tính và là triệu chứng đơn độc. Nếu chuột rút đi kèm các triệu chứng khác như uống nhiều tiểu nhiều, mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da xanh xao, nhợt nhạt, đau chân khi đi bộ đoạn ngắn… là dấu hiệu của một bệnh nào đó cần đi khám.

Làm gì khi bị cơn chuột rút?

Khi bị chuột rút, thực hiện một hoặc nhiều cách sau đây để cắt đứt cơn đau:

– Cố gắng đứng dậy đi hoặc lắc lư chân.

– Kéo căng cơ bắp chân: ngồi thẳng chân và cố gắng gập bàn chân về phía đầu gối.

– Xoa bóp, chườm lạnh bằng túi đá hoặc tắm nước ấm.

Phòng ngừa cơn chuột rút như thế nào?

Các hướng dẫn sau đây giúp giảm chứng chuột rút vào ban đêm:

– Uống đủ nước trong ngày.

– Giới hạn hoặc tránh uống nhiều rượu bia và cà phê vì có tác dụng lợi niệu làm cơ thể mất nhiều nước.

– Ăn uống cân bằng, bảo đảm đầy đủ canxi, kali, magne.

– Tập xe đạp tại chỗ hoặc tập kéo căng cơ bắp chân vài phút trước khi ngủ.

– Nếu bạn đang dùng thuốc để chữa bệnh và bị chuột rút, hãy thông báo với bác sĩ điều trị xem có phải nguyên nhân do thuốc.

– Khi thực hiện các hướng dẫn trên mà chuột rút vẫn xảy ra, bạn cần được kê toa thuốc để điều trị chứng bệnh này.

Khi nào nên đi khám bệnh để tìm nguyên nhân?

Đi khám bệnh ngay nếu:

– Chuột rút nặng và kéo dài.

– Bị chuột rút sau khi tiếp xúc nguồn độc, ví dụ chì.

– Mất ngủ làm ảnh hưởng công việc hằng ngày.

– Thấy cơ teo hoặc yếu.

Bài tập phòng, giảm triệu chứng của chuột rút

– Chân trái giữ thẳng, ấn lực xương gót trái lên nền nhà nhưng lòng bàn chân vẫn giữ áp sát sàn.

– Hướng xương chậu về phía trước, chân phải co nhẹ. Khi đó bạn sẽ có cảm giác bắp chân của mình bị kéo căng.

– Giữ tư thế kéo căng bắp chân như vậy trong 15-30 giây. Lặp lại động tác này 3-4 lần cho mỗi chân.

Ngày tập ba lần sáng, chiều và tối. Lần tập buổi tối ngay trước khi ngủ chừng vài phút.

Hiệu quả của bài tập này chỉ đạt được khi tập thường xuyên, tối thiểu 3-4 tuần. Nếu không dứt hẳn thì ít ra nó cũng giúp làm giảm số cơn và cường độ đau của chuột rút.

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook