Thứ Sáu, 27/04/2018 | 13:38

Suckhoedoisong.vn – Chữa bệnh không dùng thuốc xuất hiện từ rất sớm và cho đến nay vẫn là một phần tất yếu trong quá trình điều trị bệnh, đặc biệt là các bệnh lý mạn tính.

Vậy phương pháp này có ưu, nhược điểm gì, có được áp dụng cho tất cả các trường hợp không hay ứng dụng đến đâu?… Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y về những vấn đề này.

Chữa bệnh không dùng thuốc là một phần tất yếu trong điều trị

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm


Phóng viên: Thưa PGS, các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc luôn tồn tại song hành cùng với các phương pháp chữa bệnh bằng thuốc. Vậy quan điểm của ông như thế nào về cách chữa bệnh không dùng thuốc này?Ưu, nhược điểm của các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc là gì?

PGS. TS. Hà Hoàng Kiệm: Chữa bệnh không dùng thuốc được hiểu là các phương pháp điều trị hoặc hỗ trợ điều trị bệnh mà không sử dụng bất kỳ loại hóa dược nào tác động lên cơ thể thông qua đường tiêm, uống, bôi ngoài da, hít thở qua đường mũi họng…

Có rất nhiều phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như vật lý trị liệu, y học cổ truyền, tâm lý trị liệu, dưỡng sinh, khí công, yoga, thiền, chiropractic (nắn chỉnh cột sống)…Có rất nhiều bằng chứng cho thấy các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc đã có từ thời cổ đại và được lưu truyền cho tới tận ngày nay. Chẳng hạn châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, chườm nóng, dùng viên đá nam châm… Để chữa các chứng đau, sưng nề, bại liệt đã rất phổ biến ở thời cổ đại. Thủy trị liệu có từ thời kỳ cổ Trung Hoa và Nhật Bản, đến thế kỷ XVIII-XIX phát triển rất mạnh ở Đức và các nước châu Âu do các bác sĩ thực hiện. Chỉ đến giữa thế kỷ XX, với sự phát triển nhanh chóng của nền y học hiện đại, đặc biệt là điều trị bằng thuốc mới làm giảm vị trí của thủy trị liệu trong y học.

Hiện nay, các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc vẫn được dùng song hành cùng với điều trị bằng thuốc. Khi phương pháp điều trị bằng thuốc phát triển mạnh đã bộc lộ những tác dụng không mong muốn của thuốc khiến người ta có xu hướng quay trở lại áp dụng rộng rãi hơn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, nhất là với các bệnh mạn tính.

Các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc rất phong phú, cách tác động lên cơ thể cũng rất khác nhau. Ngoài những cơ chế tác dụng riêng của từng phương pháp thì chúng có chung một số ưu điểm như:

Tăng cường khả năng miễn dịch: Hầu hết các phương pháp không dùng thuốc phát huy tác dụng thông qua phản xạ của hệ thần kinh và thể dịch để điều hòa lại sự cân bằng sinh lý vốn đã bị phá vỡ do bệnh lý gây ra. Như vậy liệu pháp này giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, chống đỡ và sửa chữa những rối loạn bệnh lý giúp chữa lành bệnh. Vì vậy các phương pháp này đem lại lợi ích toàn diện cho người bệnh, nhất là đối với những người mắc các căn bệnh mạn tính hoặc có tính chất đặc thù như bệnh thần kinh, xương khớp… giúp chữa bệnh hiệu quả lại rất an toàn, ít tác dụng không mong muốn.

Tăng cường hiệu quả điều trị: Rất nhiều phương pháp không dùng thuốc khi được phối hợp với dùng thuốc có tác dụng cộng hưởng làm tăng cường hiệu quả điều trị của nhau. Ví dụ, một ổ viêm cơ do vi khuẩn nếu phối hợp giữa sử dụng kháng sinh đường tiêm hoặc đường uống với điều trị tại chỗ bằng sóng ngắn và nhiệt nóng (tia hồng ngoại hoặc đắp nóng) thì kết quả sẽ nhanh hơn nhiều so với sử dụng kháng sinh đơn độc hoặc chỉ dùng sóng ngắn và nhiệt nóng đơn độc.

Hiệu quả chữa bệnh bền vững: Phản xạ thần kinh kích thích tạo ra các chất sinh học nội sinh, ví dụ như endorphin (được coi là morphin nội sinh), các kháng thể, kích thích hoặc ức chế hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh giao cảm… tương ứng với vị trí tác động và chuyển tới cơ quan mắc bệnh. Liệu pháp này còn đồng nhất điều khiển các cơ quan khác chuyển biến theo chiều hướng hỗ trợ công năng của chất kháng bệnh. Do vậy hiệu quả điều trị có thể chậm hơn nhưng bền vững hơn so với các phương pháp điều trị khác.


  • Chữa bệnh không dùng thuốc là một phần tất yếu trong điều trị

  • Chữa bệnh không dùng thuốc là một phần tất yếu trong điều trị

Không có phản ứng phụ: Hiệu quả điều trị của các phương pháp không dùng thuốc là tốt, là ưu việt bởi vì chất kháng bệnh được sản sinh ra là tự nhiên bởi chính cơ thể và hoàn toàn thích hợp với từng cá nhân. Do vậy, tính kích ứng và độc hại của liệu pháp này gần như không có.

Tỷ lệ tái phát thấp: Đối với các bệnh thần kinh và các bệnh mạn tính, sử dụng các phương pháp không dùng thuốc thường có tỉ lệ tái phát thấp và có thể kiểm soát được.

Dễ áp dụng: Các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc dễ áp dụng, không tốn kém, chi phí thấp, rẻ hơn rất nhiều và an toàn hơn nhiều so với điều trị bằng thuốc.

Tuy nhiên các phương pháp không dùng thuốc cũng có một số nhược điểm như phát huy tác dụng thường chậm, đòi hỏi thời gian điều trị dài ngày hơn, thường không áp dụng được trong các trường hợp cấp cứu, hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, kinh nghiệm của người thầy thuốc.

Chữa bệnh không dùng thuốc là một phần tất yếu trong điều trịXoa bóp giảm đau nửa đầu, vai gáy.

Phóng viên: Phạm vi ứng dụng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc này đến đâu? Các nhóm bệnh lý nào thì nên ứng dụng, nhóm bệnh lý nào không nên ứng dụng?Vì sao, thưa ông?

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm: Các phương pháp không dùng thuốc rất đa dạng, phong phú, có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với phương pháp điều trị bằng thuốc. Phạm vi áp dụng rất rộng, có thể áp dụng cho cả các bệnh cơ năng và các bệnh có tổn thương thực thể, cả các bệnh mạn tính và cấp tính. Tuy nhiên thường được áp dụng nhiều hơn cho các bệnh thần kinh và các bệnh mạn tính. Ngoài ra, được áp dụng rộng rãi trong phục hồi chức năng vì cơ chế chữa bệnh của các phương pháp này thường thông qua phản xạ thần kinh và thể dịch, khôi phục các hoạt động chức năng, do vậy tỏ ra có hiệu quả hơn và tác dụng bền vững hơn trên các nhóm bện h này.

Với một số bệnh lý, các phương pháp điều trị không dùng thuốc tỏ ra có hiệu quả hơn là dùng thuốc. Chẳng hạn để điều trị vàng da ở trẻ sơ sinh thì phương pháp dùng ánh sáng màu xanh dương (có bước sóng 400-500nm, tốt nhất là 450-460nm) thường được dùng, đây là biện pháp hiệu quả và an toàn hơn nhiều so với dùng thuốc. Để giải tỏa các stress tâm lý thì phương pháp thiền và tâm lý trị liệu tỏ ra có hiệu quả hơn là dùng thuốc. Liệu pháp oxy cao áp được điều trị đặc hiệu cho các bệnh ngộ độc khí cacbon monocid (CO), ngộ độc các chất tạo methemoglobin, tắc mạch do khí, bệnh giảm áp (bệnh thợ lặn), bệnh hoại thư sinh hơi…

Tuy nhiên các phương pháp không dùng thuốc không áp dụng được cho các trường hợp cấp cứu, ngoại trừ một số trường hợp có thể có tác dụng.Chẳng hạn như khi bệnh nhân bị rung thất, biện pháp đấm vào vùng xương ức 4-5 nhát ở khoảng cách nắm tay cách xương ức 30-40cm hoặc châm mạnh vào huyệt Trường cường có thể giúp tái lập nhịp xoang. Ngộ độc cacbon monocid, bệnh giảm áp thì điều trị bằng oxy cao áp là một biện pháp cấp cứu.

Chữa bệnh không dùng thuốc là một phần tất yếu trong điều trịMassage chữa đau đầu.

Phóng viên: Ông có lời khuyên gì cho độc giả trong việc ứng dụng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc để điều trị và phòng ngừa bệnh tật?

PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm: Các biện pháp không dùng thuốc tuy đơn giản, dễ áp dụng và rất an toàn, nhưng cũng có những chỉ định và chống chỉ định tùy theo từng phương pháp. Hiệu quả điều trị phụ thuộc nhiều vào kỹ năng và kinh nghiệm của người thực hiện kỹ thuật. Vì vậy, lời khuyên đối với người bệnh trong việc ứng dụng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc để điều trị và phòng ngừa bệnh là cần đi khám bệnh, thực hiện đúng theo chỉ dẫn của thầy thuốc, không nên thực hiện theo sự mách bảo hoặc làm theo các thông tin không có căn cứ khoa học lan truyền trên mạng xã hội để tránh các hậu quả và các trường hợp chống chỉ định. Chẳng hạn phương pháp kéo giãn cột sống là áp dụng lực thích ứng để kéo cột sống cổ và cột sống thắt lưng có tác dụng giảm đau khớp cột sống, giải phóng rễ thần kinh, đĩa đệm, tăng cường tuần hoàn ngoài màng cứng, giảm đau, giảm viêm chống co cứng cơ trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm có hoặc không có chèn ép thần kinh. Tuy nhiên, phương pháp này lại không được áp dụng cho người bệnh bị trượt cột sống, bán trật C1-C2, u ác tính, nhiễm trùng đốt sống, loãng xương nặng…

Phóng viên: Xin cảm ơn PGS!

Thu Lương (thực hiện)

Nguồn: SKDS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook