Ho là một chứng bệnh thường xuất hiện khi giao mùa, đó là một cơ chế sinh lý để bảo vệ cơ thể, đồng thời có thể là triệu chứng của nhiều bệnh.
Ở một chừng mực nào đó ho có thể có lợi cho sức khỏe khi tống các chất nhầy, đờm, mủ, có khi là dị vật từ đường hô hấp ra ngoài. Ho có nhiều biểu hiện như ho cấp tính, ho kéo dài mạn tính, ho khan, ho có đờm, ho kèm theo khàn tiếng, ho cơn hoặc ho khúc khắc thỉnh thoảng xuất hiện một vài tiếng.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là nhóm bệnh phổ biến nhất, bao gồm cả nhiễm khuẩn hô hấp trên và hô hấp dưới.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên
Các nhiễm khuẩn hô hấp trên như viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm VA, viêm xoang, cảm cúm. Đặc điểm của ho trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên là xuất hiện khá nhanh, ho có đờm do niêm mạc mũi họng tăng tiết dịch, ho thường kèm theo các triệu chứng khác như ngạt mũi, chảy mũi, sốt, đau họng, ù tai. Sau điều trị hết viêm, triệu chứng ho còn kéo dài thêm một thời gian mới hết hẳn và sẽ lại xuất hiện khi có đợt viêm mới.
Giữ ấm cho cơ thể khi thời giá lạnh để tránh bị nhiễm lạnh gây ho. |
Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới
Viêm phế quản: là tình trạng tổn thương viêm cấp hoặc mạn tính của phế quản, tổn thương thường xảy ra nhất là ở phế quản lớn và trung bình. Ho là dấu hiệu chủ yếu, lúc đầu ho khan, sau đó ho khạc đờm, nếu viêm cấp thường có kèm theo sốt. Ho kéo dài thường mỗi đợt trên 3 tháng là viêm phế quản mạn tính.
Giãn phế quản: có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Biểu hiện chủ yếu là ho cơn, xuất hiện nhiều về sáng sớm, đặc biệt khạc rất nhiều đờm trắng.
Hen và dị ứng là một bệnh mạn tính của phế quản phổi: các phế quản viêm, nề và co thắt gây tắc nghẽn đường thở. Ngoài triệu chứng đau tức ngực, khó thở, thở khò khè, ho là triệu chứng đặc thù và rất thường gặp, ho thường xuất hiện ban đêm hoặc sáng sớm. Các yếu tố thuận lợi là khi thay đổi thời tiết, trời giá lạnh, khi hít khói bụi, hút thuốc lá. Vấn đề nhiễm khuẩn và dị ứng thường phối hợp với nhau, làm cho quá trình điều trị càng trở nên khó khăn.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): do tình trạng tắc nghẽn đường lưu thông không khí dẫn tới khó thở. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất nguy hiểm vì nó phát triển từ từ, âm thầm, không có dấu hiệu nhận biết cho đến khi nó chuyển sang giai đoạn nặng với triệu chứng khó thở, ho khạc đờm kéo dài. Bệnh thường gặp ở những người trên 45 tuổi và có hút thuốc lá.
Viêm phổi: bệnh thường xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt rét rồi sốt nóng, đau tức ngực, ho khan, sau đó ho có đờm màu gỉ sắt, đờm đặc quánh, màu xanh hoặc vàng.
Lao phổi: Bệnh nhân gày sút, sốt âm ỉ kéo dài, ho húng hắng, khạc đờm trắng, nặng có thể ho ra máu.
Các bệnh lý khác của phổi, phế quản như: áp xe phổi, bụi phổi, ung thư phổi phế quản, dị vật đường hô hấp, khối u trung thất đều biểu hiện chủ yếu bằng triệu chứng ho.
Các nguyên nhân khác có thể gây ho
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) do dịch dạ dày trào ngược lên thực quản, axit của dịch vị làm tổn thương niêm mạc thực quản và gây viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp trên, trong đó có viêm họng. Ngoài triệu chứng điển hình của tình trạng trào ngược là ợ chua, ợ nóng, đau tức sau xương ức, bệnh nhân thường có ho kéo dài, thỉnh thoảng ho một vài tiếng, dễ nhầm với các bệnh tai mũi họng. Có khi dùng kháng sinh, chống viêm, ho lại càng tăng. Bệnh thường gặp ở những người hút thuốc lá, mắc bệnh dạ dày tá tràng, béo phì, tiểu đường, phụ nữ có thai.
Ho do các bệnh tim mạch: Do tăng áp lực tiểu tuần hoàn, ứ trệ tuần hoàn dẫn tới khó thở và ho khan hoặc ho ra máu. Thuốc điều trị tăng huyết áp, có một số loại thuốc ức chế men angiotensin có phản ứng phụ là ho khan, có thể ho kéo dài nhiều tuần sau khi dừng thuốc.
Ho do ô nhiễm môi trường: Trong sinh hoạt, hít thở không khí rất quan trọng, mỗi ngày có khoảng 9.000 lít không khí được hít thở qua mũi, nếu không khí bị ô nhiễm, chứa nhiều bụi, các chất kích thích niêm mạc đường hô hấp gây ho như bụi do các phương tiện giao thông tạo ra, khí diesel, khói thuốc lá. Khói bụi làm nặng thêm các bệnh đường hô hấp, hen và dị ứng. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng kéo theo bệnh hô hấp cũng ngày càng phổ biến.
Tìm đúng nguyên nhân để điều trị “trúng”
Ho là triệu chứng của rất nhiều bệnh. Có khi điều trị đơn giản chỉ cần vệ sinh mũi họng, uống một số thuốc giảm ho hoặc loại trừ các yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân tại chỗ như khói, bụi, nhiễm lạnh,… nhưng cũng có khi rất khó khăn điều trị kéo dài. Khi bị ho, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám, điều trị và tư vấn kịp thời, càng sớm sàng tốt, không nên quá thờ ơ vì có thể đó là triệu chứng của một bệnh nguy hiểm.
Điều quan trọng nhất là tìm nguyên nhân để giải quyết, đó là biện pháp tích cực nhất. Đồng thời với việc giải quyết nguyên nhân cần kết hợp điều trị triệu chứng ho vì ho làm cho người bệnh mệt mỏi, lo lắng, nhất là ho kéo dài làm cho người bệnh mệt mỏi, hoang mang.
Tuy nhiên, việc lựa chọn thuốc ho là bài toán khó cho thầy thuốc. Không phải một loại thuốc ho tốt có thể điều trị mọi trường hợp. Có khi chỉ cần dùng thuốc ho long đờm, loãng đờm, tăng thể tích các chất tiết ra khí quản, vẫn cần duy trì phản xạ ho để tống đờm, nhày ra khỏi đường hô hấp dễ dàng hơn; có khi lại dùng các thuốc ho tiêu đờm trong trường hợp ho có nhiều đờm hoặc các thuốc có kháng histamin trong các trường hợp ho kích ứng, ho do dị ứng; có khi lựa chọn các thuốc ho và làm giãn phế quản trong trường hợp hen phế quản hoặc viêm phế quản co thắt. Mong rằng mỗi người bệnh, ngay cả các thầy thuốc hãy là người thông thái khi lựa chọn thuốc ho.
Theo PGS.TS. Trần Công Hòa/Báo Sức Khỏe Đời Sống
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.