Thứ Ba, 01/03/2016 | 10:30

Hôm nay (1-3), các bệnh viện trên cả nước chính thức tăng viện phí hướng đến mức tính đúng, tính đủ theo lộ trình đã được Bộ Y tế và Bộ Tài chính thống nhất. Để kịp áp giá mới, đến chiều tối qua (29-2), nhiều bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng còn tất bật với các khâu chuẩn bị.

Chính thức tăng viện phí
Viện phí mới kể từ ngày 1-3 tăng tối thiểu gấp 2 lần so với mức giá cũ. Trong ảnh: Một ca phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Vừa tính giá mới, vừa tính giá cũ

Giá mới được áp dụng thống nhất ở tất cả các bệnh viện đồng hạng, từ hạng đặc biệt đến hạng 4 trên toàn quốc. Viện phí mới kể từ hôm nay tăng tối thiểu gấp 2 lần so với mức giá cũ ở cả 3 nhóm: tiền khám, ngày giường bệnh và tất cả dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm.

Tuy nhiên, viện phí mới chỉ áp dụng đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Người khám chữa bệnh dịch vụ không thẻ BHYT vẫn tính theo giá cũ. Đặc biệt, đối với bệnh nhân nhập viện trước 0 giờ ngày 1-3-2016 vẫn được tính giá cũ cho đến hết liệu trình, dù liệu trình đó kéo dài đến tháng sau.

Bên cạnh đó, đối tượng bệnh nhân ngoại tỉnh chuyển viện đúng tuyến đến các bệnh viện trên địa bàn thành phố cũng được áp dụng cách tính giá như bệnh nhân người Đà Nẵng.

Việc tăng viện phí đợt này nhằm dùng để trả cho các khoản phụ cấp đặc thù, gồm phụ cấp thường trực và phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, thay vì ngân sách phải chi trả như trước đây.

Điều đáng nói là cho đến trước “giờ G” chính thức thực thi quy định tăng viện phí, vẫn còn một số dịch vụ, kỹ thuật, thủ thuật chưa rõ được tính mức giá nào. Ngoài danh mục 1.887 dịch vụ kỹ thuật đã được liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính ban hành, các bệnh viện còn triển khai hàng ngàn dịch vụ khác và còn đang chờ mức giá mới được thống nhất từ các bộ cấp trên.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, trong tháng đầu triển khai giá mới, bệnh viện xác định có thể chịu lỗ trong một số hạng mục chưa được quy định rõ ràng. “Bệnh viện sẽ dùng tiền từ nguồn quỹ đầu tư phát triển để bù vào khoản lỗ này nếu có, miễn sao bệnh nhân không thiệt thòi”, bác sĩ Thạnh nói.

Tất bật chuẩn bị tăng giá

Từ hôm nay, ở mỗi bệnh viện đều tồn tại đến 2 bảng giá: giá cho đối tượng có thẻ BHYT (giá mới) và giá cho đối tượng không có thẻ BHYT (giá cũ). Bên cạnh đó, các bệnh viện còn phải tính giá cho bệnh nhân dựa vào thời điểm khám chữa bệnh trước hoặc sau 0 giờ ngày 1-3. Do đó, rất nhiều việc từ nhân lực, thiết bị phải được rốt ráo chuẩn bị khi áp giá mới.

Trong hôm qua, các bệnh viện tại Đà Nẵng đã đồng loạt tập huấn cho toàn bộ lực lượng điều dưỡng và những bộ phận liên quan về việc áp dụng giá mới cũng như cách tiếp nhận, tư vấn cho bệnh nhân về viện phí.

Ngay cả việc niêm yết giá công khai đặt ở nơi dễ quan sát, đến nay, các bệnh viện còn chưa có bảng chính thức. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hải Châu cho biết, là bệnh viện hạng 2, Bệnh viện Hải Châu phải lọc ra những danh mục nào thuộc hạng của mình; hơn nữa, còn đợi một vài ngày sau khi triển khai giá mới, những bất cập, vướng mắc về giá cả được giải quyết thống nhất xuyên suốt từ Bộ, ngành đến bảo hiểm xã hội thành phố, lúc đó bệnh viện sẽ có bảng giá hoàn chỉnh công bố cho bệnh nhân.

Tuy vậy, theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, quan điểm của lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn Đà Nẵng là dù tính theo giá nào cũng không để người bệnh lo lắng tiền viện phí có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. Trong khi chờ bảng giá hoàn chỉnh thống nhất trên toàn quốc, vài ngày đầu, các bệnh viện áp dụng cách thu viện phí tạm ứng và tránh tối đa việc bệnh nhân đáng ra chỉ đóng tiền ít lại phải đóng tiền nhiều.

Theo Báo Đà Nẵng

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook