Cánh tay trái bị liệt khi chào đời, trải qua ca mổ ghép thần kinh song bé trai 26 tháng tuổi ở Gia Lai phải đối mặt với nguy cơ không thể hồi phục bình thường.
Con trai chào đời vài ngày thì vợ chồng chị Hồng phát hiện cánh tay trái của con gần như không cử động được. Bệnh viện địa phương chẩn đoán bé bị liệt tay do đám rối thần kinh, bác sĩ bảo có thể sẽ hồi phục dần dần. Chờ đợi đến lúc con 26 tháng tuổi vẫn không có dấu hiệu cải thiện, gia đình đưa con đến TP HCM điều trị.
Bác sĩ Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết bệnh nhi đến viện trong tình trạng bàn tay trái vẫn cầm nắm bình thường nhưng cánh tay không nhấc lên được. Các bác sĩ đã tiến hành can thiệp thần kinh ở vai. So với những bé nhập viện đúng “thời điểm vàng” thì trường hợp này khả năng phục hồi bình thường của bệnh nhi thấp hơn hẳn. Nếu bé đến sớm hơn, cụ thể là trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến trước 12 tháng tuổi, thì khả năng phục hồi sau phẫu thuật có thể lên đến 80%.
Trẻ liệt tay do tổn thương đám rối thần kinh nếu phẫu thuật từ 3 tháng đến trước 12 tháng tuổi thì khả năng phục hồi sau phẫu thuật có thể lên đến 80%. Ảnh: L.P |
Theo bác sĩ Khải Minh, nguyên nhân của tổn thương đám rối thần kinh cánh tay trẻ sơ sinh là do sang chấn sản khoa trong khi người mẹ chuyển dạ sinh thường. Khi đó có nhiều tổn thương như thần kinh bị đứt, hoặc nặng hơn là thần kinh bị nhổ rễ, bứt ra khỏi tủy sống. Điều nay gây hậu quả là vùng tay bên phía tổn thương bị liệt một phần hoặc toàn bộ, trẻ không thể cử động được sau khi chào đời. Trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận từ 5 đến 6 ca bị liệt đám rối thần kinh cánh tay. Nhiều trường hợp người dân ở vùng sâu vùng xa không biết điều trị ở đâu nên dẫn đến tình trạng em bé bị liệt cánh tay vĩnh viễn, phải mang di chứng suốt đời.
“Một số phụ huynh nghĩ rằng nên để trẻ cứng cáp, lớn hơn mới tới bệnh viện nhờ can thiệp. Đây thật sự là sai lầm”, bác sĩ Minh nhấn mạnh. Về nguyên lý phục hồi của thần kinh thì thời gian tổn thương trong vòng khoảng một năm trở lại can thiệp là tốt nhất, để sau đó thì tiên lượng kém hơn. Thông thường trẻ sẽ được theo dõi từ khi chào đời để đánh giá mức độ phục hồi và quyết định có can thiệp hay không cũng như chọn thời điểm phẫu thuật hợp lý nhất. Những trường hợp đến viện trễ hơn cũng có thể phẫu thuật nhưng kết quả không cao.
Trước đây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay chưa có phẫu thuật, chỉ điều trị bảo tồn, tập vật lý trị liệu. Từ năm 2010 được sự hỗ trợ của các giáo sư đến từ Pháp, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành can thiệp phẫu thuật. Sau 5 năm, nơi đây đã mổ khoảng hơn 100 ca, cho kết quả rất khả quan. Sau mổ em bé sẽ được băng cố định trong 3 tuần, sau đó tập vật lý trị liệu, theo dõi 8-12 tháng để đánh giá mức độ phục hồi.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.