Thứ Bảy, 22/10/2016 | 21:00

“Châu Âu bối rối trước Putin” trong vấn đề Syria là tựa một bài phân tích trên Le Figaro trước thềm thượng đỉnh của Liên Hiệp Châu Âu tối 20/10/2016, tại Brussels. Bài cho rằng rất ít khả năng khối 28 nước đạt đồng thuận gia tăng trừng phạt Nga, do các cuộc tấn công nhắm vào thường dân tại Syria, ngoài các biện pháp đã có do việc Moscow can thiệp vào Ukraine.

“Châu Âu bối rối trước ông Putin” trong chiến trường Syria

Thủ tướng Đức Angela Merkel (T) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/10/2016 tại Berlin – Reuters

Bài phân tích của Le Figaro mở đầu với một nhận xét về chiến thuật ngoại giao lựa theo chiều gió của tổng thống Nga, khi áp lực dâng lên, Vladimir Putin chấp nhận nhân nhượng vừa đủ mức .

Trước sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, trong năm ngày gần đây, tổng thống Nga liên tục tỏ ra hòa hoãn: nối lại đối thoại với Hoa Kỳ tại Lausanne – Thụy Sĩ, nối lại đối thoại với Pháp – Đức về Ukraine – sau một năm đình chỉ, ngừng bắn tại Aleppo.   Bài phân tích của Le Figaro nhấn mạnh đến tình thế bối rối của châu Âu hiện nay.

Chính bản thân các đợt trừng phạt nhắm vào Moscow trong vụ Ukraine cũng chỉ là kết quả của một thời điểm hiếm hoi, khi toàn bộ các thành viên châu Âu đạt đồng thuận sau một loạt biến cố lớn.   Đó là vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, hỗ trợ các hoạt động ly khai tại miền đông Ukraine và chuyến bay MH17 của hàng không Malaysia bị  tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn hạ, khiến 298 người chết, trong đó đa số là dân Hà Lan.  

Khó khăn của châu Âu là bất cứ việc điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ hay tăng nặng nào cũng cần phải đạt được đồng thuận tuyệt đối. Đây là một quá trình lâu dài và khó khăn, trong lúc tổng thống Nga lại có toàn quyền thay đổi cách chơi. Các trừng phạt hiện có đối với Nga sẽ có hiệu lực đến tháng 1/2017. Việc Moscow gia tăng oanh kích tại Syria đẩy lùi triển vọng giảm nhẹ các trừng phạt kinh tế đã có, cho dù nhiều nước – như Ý, Hungary, Hy Lạp hay Slovakia – muốn nối lại làm ăn với Nga như trước.  

Trong bối cảnh châu Âu rất bị phân hóa trong thái độ với Nga, riêng việc duy trì các biện pháp trừng phạt đang có cũng có thể coi như là một đồng thuận có ý nghĩa tích cực tối thiểu. Le Figaro khép lại bài viết bằng nhận định mỉa mai của nhân vật số hai NATO Alexander Vershbow, cho rằng châu Âu kiên định hướng đi ngược lại điều mà ông Putin mong đợi, và đó là một sự ca ngợi kín đáo của một nhà ngoại giao về sự trì trệ của châu Âu.   Syria lấn át thượng đỉnh Ukraine  

Vẫn liên quan đến quan hệ châu Âu – Nga, bên cạnh Syria, vấn đề Ukraine là một điểm nóng khác. Tuy nhiên, cuộc gặp bốn bên – Đức, Pháp, Nga, Ukraine – hôm 19/10 tại Berlin về “khủng hoảng Ukraine đã bị vấn đề Syria lấn át”.  

Theo Le Figaro, tổ chức được cuộc họp này là một thành công của ngoại giao Pháp và Đức, bởi cần phải duy trì đối thoại với nước Nga, một đối tác không thể bỏ qua trong việc giải quyết các khủng hoảng Ukraine và Syria, trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ở mức thậm chí còn nguy hiểm hơn thời Chiến tranh Lạnh, theo nhận định của ngoại trưởng Đức. Cuộc gặp của bộ Tứ nói trên nhiều lần có nguy cơ bị hủy bỏ.   Nhân thượng đỉnh này, các lãnh đạo Pháp, Đức một lần nữa nhấn mạnh đến đòi hỏi ngừng bắn tại Aleppo.  

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook