Sự ra đi của Thủ tướng David Cameron đã “bật đèn xanh” cho Boris Johnson – người bạn, đồng thời là “kỳ phùng địch thủ” của Cameron, nắm giữ chiếc ghế trống mà ông để lại.
Boris Johnson (ảnh: Getty Images)
Thời thơ ấu của cậu bé “mọt sách” Boris Johnson
Boris Johnson sinh ra trong một gia đình danh giá. Cha ông, Stanley Johnson, là một chính trị gia và nhà thơ từng đạt nhiều giải thưởng tại trường Đại học Oxford. Trong khi đó người mẹ Charlotte Johnson Wahl của Boris là một họa sĩ, chính trị gia xuất thân từ một gia đình ủng hộ đường lối cánh tả. Ở độ tuổi 25, Stanley nhận được học bổng và quyết định cùng với người vợ mới cưới chuyển tới bên kia bán cầu để theo học ngành Viết văn tại Đại học Iowa, Mỹ, trước khi chuyển sang ngành Kinh tế học thuộc Đại học Columbia danh tiếng. Vào ngày 19/6/1964, cậu bé Alexander Boris de Pfeffel Johnson được sinh ra tại một bệnh viện thuộc khu phía đông Thượng Manhattan sầm uất bậc nhất thành phố New York.
Mái tóc bạch kim của Boris được thừa hưởng từ tổ tiên là những người Thổ Nhĩ Kỳ thiểu số. Trong khi đó, ông Stanley đã truyền lại cho cậu con trai tính cách hài hước, sôi nổi của mình. Vào năm 1968, ông đã bị Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới (World Bank) lúc bấy giờ là Robert McNamara sa thải chỉ vì một trò đùa “Cá tháng Tư” không đúng nơi đúng chỗ. Theo đó, Stanley đã trình bản đề nghị World Bank trợ cấp 100 triệu USD nhằm xây dựng thêm 3 Kim Tự Tháp, giúp Ai Cập và Mỹ tăng doanh thu từ hoạt động thương mại du lịch.
Ngay từ khi còn nhỏ, Boris cùng với ba người em là Jo, Rachel và Leo luôn được cha mẹ khuyến khích đọc sách để trau dồi kiến thức. Bên cạnh đó, chứng điếc bẩm sinh đã đưa cậu bé Boris tìm đến sách vở làm bạn, và sau này ông thừa nhận, chính thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ đã giúp ích cho ông rất nhiều trong thời gian hoạt động trong ngành báo chí sau này. Sở hữu một bộ óc tư duy nhạy bén cùng lượng kiến thức khổng lồ so với những người bạn cùng trang lứa, Boris từng bày tỏ ước mơ được trở thành một “vị vua của thế giới”.
Năm 8 tuổi, Boris bắt đầu đến trường bởi thính giác của cậu đã được hồi phục phần nào sau khi trải qua cuộc phẫu thuật tai. Tại trường học, ấn tượng của mọi người về Boris là một cậu bé tóc bạch kim có tố chất thông minh và chăm học song lại khá trầm tính. Boris không có nhiều bạn bè, cậu thân thiết với các em của mình hơn, cho dù luôn tỏ ra ganh đua với cô em Rachel về khoản học tập. Những môn học mà Boris được đánh giá cao hơn cả là Lịch sử Hy Lạp cổ đại và tiếng Latin.
Cậu bé Boris Johnson (ảnh: Pinterest)
Vào tháng Tư năm 1973, gia đình Johnson chuyển tới thủ đô Brussels của Bỉ do ông Stanley được bổ nhiệm làm phó giám đốc dự án Bảo vệ môi trường của Ủy ban châu Âu (EC). Tại đây, ông theo học tại một trường học thuộc vùng Uccle thuộc Brussels và bắt đầu học tiếng Pháp. Tuy nhiên, trường học tại Bỉ lại là một kỷ niệm không lấy gì làm vui vẻ với Boris. Chứng kiến nhiều bạn cùng lớp bị thầy cô đánh đập, Boris đâm ra chán ghét trường học và nạn bạo lự học đường. Cuộc sống của Boris càng thêm buồn chán khi cha mẹ cậu ly hôn vào năm 1980. Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, bà Charlotte cùng các con quay trở lại Anh và sống trong một căn hộ nhỏ tại khu Notting Hill, London.
Theo cuốn hồi ký được chắp bút bởi Sonia Purnell, cậu bé 11 tuổi Boris cùng với cô em gái Rachel, đã phải tự bắt tàu từ Brussels để trở về Anh. Đứng bơ vơ tại nhà ga trung tâm Bruxelles – Nord với số tiền chỉ đủ để mua một gói khoai tây chiên, cả hai sau đó đã băng qua một chặng đường hàng trăm cây số, xuyên qua Eo biển Anh bằng đủ các loại phương tiện như tàu hỏa và phà. Theo lời kể của Rachel, hai anh em thậm chí còn bắt nhầm chuyến tàu tới Moskva.
Thời sinh viên sôi nổi
Boris Johnson trong ngày tốt nghiệp tại trường Eton (ảnh: Ian Sumner)
Năm 13 tuổi, Boris được trao học bổng nhà vua để theo học tại Eton College, một trường độc lập danh giá hàng đầu nước Anh. Trường Eton có một danh sách dài những cựu học sinh lỗi lạc, trong đó có tân Thủ tướng Anh và 18 cựu Thủ tướng Anh. Từ trước đến nay, Eton được xem là “cái nôi chính của những chính khách nước Anh” và được miêu tả là một trong những trường công lập nổi tiếng nhất thế giới. Mặc dù các hồ sơ trong trường ghi lại quá trình học tập của Boris đều cho thấy cậu là một người lười học, tự mãn và hay đi muộn, Boris vẫn là một trong những nam sinh nổi tiếng nhất trong trường. Cậu sớm thể hiện năng khiếu trong các bộ môn Ngôn ngữ Anh và Văn học, song khá tệ trong những môn khoa học và Toán học. Bạn bè của Boris phần lớn xuất thân từ những gia đình “trâm anh thế phiệt”, trong đó có Charles Spencer, em ruột của Công nương Diana quá cố.
Boris Johnson (ngồi ngoài cùng bên trái) thời còn theo học tại trường Eton (ảnh: News Syndication)
Trường Eton cũng là nơi khởi nguồn cho tình bạn giữa Boris Johnson và David Cameron, người sau này đã bước lên đỉnh cao danh vọng trên cương vị Thủ tướng nước Anh. Cả hai đều là những “cậu ấm” trong những gia đình giàu có. Theo phả hệ, cụ tổ của Johnson là người Anh gốc Thổ Nhĩ Kỳ thiểu số, trong khi gia đình bên ngoại của cậu có gốc gác hoàng gia quyền quý. Trong khi đó, tổ tiên của Cameron là Vua William Đệ tứ (1765-1837), chú ruột Nữ hoàng Anh Victoria Đệ nhất. Đặc biệt, Johnson và Cameron là anh em họ tám đời với nhau.
Tại Eton, Cameron luôn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đàn anh khóa trên Boris Johnson, một trong những chàng trai xuất chúng và lôi cuốn nhất trong trường. Là một thành viên trong hội “KS” tập hợp những nam sinh giành được học bổng Nhà vua (King’s Scholarship) – niềm mơ ước của mọi học sinh Anh, đã đem lại chút lợi thế cho Borish khi cậu không phải tự trang trải tiền học, đồng thời được vinh dự sống trong khu nội trú “đẳng cấp” nhất trong trường. Thậm chí, trong năm học cuối, Boris còn được thầy cô tin tưởng giao chức vụ “huynh trưởng” trường Eton, và đó cũng là thời điểm hun đúc tài lãnh đạo trong cậu nam sinh 17 tuổi.
Boris Johnson (đứng ngoài cùng bên phải) trong một ban nhạc tại trường Eton (ảnh: Ian Sumner)
Ngược lại, Cameron lại không hề nổi danh đến thế. “Mặc dù học cùng với David trong một số lớp học, tôi hoàn toàn không có bất kỳ ấn tượng nào với cậu ta,” một cựu học sinh của Eton kể lại. “Khi cậu ấy trở thành Nghị sĩ, tôi đã kể với một người bạn của mình, anh ấy cũng không hề nhớ David là ai. Thế nhưng khi nhắc đến Boris thì không ai quên được tên tuổi của cậu ta cả.”
Tuy nhiên số phận đã đưa đẩy Johnson và Cameron tái ngộ tại Đại học Oxford, niềm mơ ước của mọi cô cậu học sinh Eton. Tại đây, Johnson không mất nhiều thời gian để khẳng định mình, trong khi vị trí trong trường của cậu sinh viên khóa sau Cameron vẫn còn rất mờ nhạt. Vị thủ tướng tương lai của nước Anh tỏ ra bàng quan trước mọi các hội nhóm sinh viên hoạt động chính trị hay các tờ báo cấp trường. Đây đều là nơi khơi nguồn cho những chính trị gia hàng đầu của Anh trong lịch sử. Ngược lại với Cameron, Johnson luôn là người đi đầu phong trào chính trị trong sinh viên, đặc biệt, cậu còn giữ vai trò tổng biên tập một tạp chí châm biếm trong trường và trở thành Chủ tịch của Hội sinh viên Oxford Union có uy tín bậc nhất trong trường.
Cậu sinh viên Boris Johnson của trường Đại học Oxford danh tiếng (ảnh: Alex Spence)
Thế nhưng trải qua một vài năm đèn sách, Cameron đã chứng minh cậu mới là sinh viên xuất sắc hơn. Trong khi Johnson chỉ tốt nghiệp chuyên ngành Văn học kinh điển tại Oxford với tấm bằng Khá, thì Cameron dễ dàng giành được tấm bằng Giỏi và nhận được vô số lời khen ngợi từ các giáo viên trong trường. Điều này đã phần nào chứng minh rằng trí thông minh có thể khiến Johnson “xưng hùng xưng bá”, thế nhưng Cameron mới là người gặt hái được nhiều thành công hơn cả nhờ vào tính kỷ luật của mình.
Một trong những giai thoại được lưu truyền rộng rãi nhất về những trò nghịch ngợm “nhất quỷ nhì ma” của hai nhà lãnh đạo tương lai của nước Anh là câu chuyện về chiếc “thủ lợn”. Khi cùng theo học ở Oxford, cả hai là thành viên của nhiều câu lạc bộ bí mật, bao gồm toàn thanh niên giàu có. Một trong những câu lạc bộ đó là Bulingdon Club. Hội này thường xuyên ăn mặc rất đẹp, đến một nhà hàng đắt tiền để tiệc tùng, uống rượu, đập phá vì họ có đủ tiền để chi trả thiệt hại. Những cậu sinh viên trẻ đã từng đốt tờ 50 bảng Anh trước mặt một người vô gia cư. Trong cuốn sách “Call me Dave” của tỷ phú Michael Ashcroft, vốn là người đã quyên góp nhiều nhất cho đảng Bảo thủ của ông Cameron, đã tiết lộ rằng Cameron cùng Johnson từng hút ma túy, hay tham gia vào các màn “nhập môn” kỳ quái của hội Bulingdon Club như đưa “của quý” vào thủ lợn.
Hội nam sinh thượng lưu Bullingdon Club, hàng ngồi đầu tiên từ phải qua là Johnson, trong khi hàng đứng thứ hai từ trái qua là Cameron (ảnh: Gillman & Soame)
Còn 1 mục đích khác của hội Bullingdon Club là xây dựng một đội ngũ thuộc tầng lớp thượng lưu. Chính mỗi quan hệ bạn bè và liên minh này đã giúp cho những thanh niên giàu có đó kiếm được các vị trí cao chót vót trong xã hội Anh.
Sự nghiệp chính trị
Sau khi tốt nghiệp Oxford, Johnson và Cameron theo đuổi sự nghiệp theo hai ngã rẽ khác nhau. Nếu như Cameron trở thành chuyên gia nghiên cứu cho đảng Bảo thủ, thì Johnson thử sức mình tại lĩnh vực truyền thông nhờ vào tài ăn nói lưu loát và khả năng viết văn cừ khôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua những mối quan hệ gia đình, vào năm 1987, Johnson chính thức được tờ The Times nhận vào làm phóng viên tập sự, trước khi trở thành một tay viết cứng nhờ vào tài năng xuất chúng của mình. Thế nhưng không lâu sau đó, tai họa đã ập xuống Johnson khi ông đưa thông tin sai lệch về cung điện của Vua Edward Đệ nhị và đã phải trả giá bằng chính công việc của mình.
Không lâu sau đó, Johnson đã có công việc mới tại The Daily Telegraph, đối thủ của tờ The Times. Các bài viết của ông được biết đến với phong cách văn chương độc đáo, được tô điểm bởi lối diễn đạt tự nhiên, hài hước và gần gũi với độc giả. Ngoài nghề báo, Johnson còn là tác giả của vài quyển sách được độc giả hưởng ứng, và cả phim ảnh, trong đó có bộ phim tài liệu “The Dream of Rome” (Giấc mơ thành Rome) nói về tham vọng thống nhất của khối Liên minh châu Âu.
Boris Johnson trong thời gian làm việc cho tờ Daily Telegraph (ảnh: BBC/Youtube)
Năm 2001, Công đảng của Thủ tướng Tony Blair đã giành số ghế áp đảo trong Quốc hội. Một số người thậm chí đã dự đoán về sự thống trị của Công đảng trên chính trường nước Anh trong một thời gian dài nữa. Thế nhưng bằng nhạy bén chính trị của mình, Johnson không hề tin tưởng vào chính phủ do Công đảng chiếm ưu thế. Cùng trong năm 2001, Johnson giành một ghế trong Nghị viện, thế nhưng ông vẫn quyết định gắn bó với nghề báo, bao gồm cả vị trí biên tập viên của tờ The Spectator. Khi Johnson được bổ nhiệm vào The Spectator, một người bạn, đồng thời là nhà báo Andrew Gimson đã bày tỏ sự hoài nghi và gọi sự bổ nhiệm của Johnson vào The Spectator là “giao một chiếc bình cổ thời nhà Minh cho một con khỉ đột.”
Sự nghiệp chính trị của Johnson chỉ thực sự cất cánh khi ông trở thành Thị trưởng London sau một đánh bại đối thủ Ken Livingston trong cuộc bầu cử vào năm 2008. Bất chấp những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Johnson qua vẻ bề ngoài kỳ khôi và thân hình “mập ú” như một con gấu, chính trị gia mang hai quốc tịch Anh và Mỹ đã ngày càng chứng tỏ ông chính là nhà lãnh đạo xứng đáng của thủ đô nước Anh. Bằng chứng là 4 năm sau đó Johnson tái cử bằng số phiếu khá chênh lệch trước đối thủ Livingstone.
Thị trưởng Johnson đu dây…ăn mừng chiến thắng (ảnh: ITV/Youtube)
Một trong những dấu ấn của Johnson trong hai nhiệm kỳ trên cương vị Thị trưởng London chính là giúp thành phố này “ghi điểm” trong mắt bạn bè quốc tế bằng Thế vận hội London diễn ra vào năm 2012. Hình ảnh năng động, tràn đầy năng lượng của Johnson tại mọi sự kiện đã làm lu mờ các chính trị gia khác. Ông không ngàn ngại…đu dây tới lễ hội Olympic để ăn mừng tấm HCV đầu tiên của đoàn chủ nhà, thậm chí Johnson còn dám lên báo “thách đấu” võ Judo với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông đến dự khán Olympic.
Một trong những thành tựu trong suốt 8 năm nắm giữ chức vụ Thị trưởng chính là chương trình cho thuê xe đạp trên toàn thành phố. Những chiếc xe đạp có tên “Boris”, được đặt theo tên của ngài thị trưởng, đã xây dựng một hình ảnh London thân thiện và quan tâm tới môi trường. Ngoài ra, các đường hầm bỏ hoang tại London cũng đã được Johnson biến thành một mạng lưới ngầm phục vụ cho những người đi xe đạp và người đi bộ với mục đích giảm tải cho các đường phố thủ đô. Hình ảnh người đứng đầu thành phố ăn mặc giản dị, thường xuyên đạp xe băng băng tới nơi làm việc chắc chắn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân London.
Thị trưởng London thường xuyên đạp xe đi làm (ảnh: Tim Anderson)
Là một người hoạt ngôn và hài hước, Johnson không tránh khỏi những giây phút bị “vạ miệng”. Vào năm 2008, ông đã từng phải xin lỗi về những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc khi ám chỉ người da đen là “những đứa trẻ bé bỏng”. Hay gần đây nhất, Thị trưởng London đã gây ra một làn sóng tranh cãi sau khi nói rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bộc lộ gốc gác Kenya “không thích người Anh” khi tìm cách “xen” vào kế hoạch trưng cầu dân ý tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh. Nổi tiếng với biệt danh “BoJo”, thành viên lập dị của đảng Bảo thủ thường bị những người chỉ trích gọi là khẩu pháo lỏng lẻo liều lĩnh. Với ngoại hình như một con gấu với mái tóc xù vàng, nhiều tờ báo còn ví von Johnson là “chiếc giỏ đựng đồ giặt” hay “đống cỏ trên xe đạp”.
Cơ hội với Brexit
Ngày 24/6/2016 là một ngày lịch sử đối với nước Anh. Trong cuộc trưng cầu lấy ý kiến của người dân về tư cách thành viên của “quốc đảo sương mù” trong Liên minh châu Âu (EU), chiến thắng đã thuộc về phe “rời khỏi EU” do chính Boris Johnson dẫn đầu. Ngay sau khi kết quả được công bố, Brexit thực sự đã tạo ra “cơn địa chấn” khuynh đảo không những Anh và còn cả thế giới. Thủ tướng Cameron, một người bạn cũ của Johnson, đã phải từ nhiệm do không thể thuyết phục được người dân duy trì cuộc hôn phối với EU.
Boris Johnson là người dẫn đầu phong trào rời khỏi EU (ảnh: Reuters)
Ngay lập tức, những động thái mới nhất trên chính trường Anh đã đẩy Johnson vào tâm điểm chú ý toàn cầu, những người trông đợi ông sẽ làm gì cho nước Anh trong kỷ nguyên hậu Brexit cũng như việc ông Johnson có thể trở thành Thủ tướng sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Anh với thế giới như thế nào.
Trước khi cuộc trưng cầu dân ý diển ra, Johnson liên tục chỉ trích EU thiếu dân chủ khi muốn tạo ra một “siêu nhà nước” gồm nhiều thành viên. “Napoleon, Hitler, cùng với rất nhiều người khác đã cố gắng và đều phải nhận những kết cục bi thảm. EU đang nỗ lực làm điều này bằng nhiều biện pháp khác nhau nhưng không hề dựa trên ý kiến của người dân các quốc gia châu Âu. Không hề có thứ quyền hạn nào khiến người ta tôn trọng hay thấu hiểu, tất cả chỉ tạo ra khoảng trống của sự dân chủ”, cựu Thị trưởng London trả lời tờ Sunday Telegraph. Johnson khẳng định muốn đưa nước Anh trở lại làm “người hùng của châu Âu”, một cách nói có từ thời cựu thủ tướng Winston Churchill. Bên cạnh đó, ông Johnson cũng cáo buộc sự chia rẽ trong nội bộ EU đang góp phần khiến nước Đức gia tăng quyền lực trong khối, “chiếm lĩnh” nền kinh tế của Italia và “hủy hoại” Hy Lạp.
Boris Johnson được dự đoán sẽ thay thế người bạn David Cameron để trở thành Thủ tướng nước Anh (ảnh: Getty)
Mặc dù tên tuổi của vị Thủ tướng kế nhiệm ông Cameron chỉ được lộ diện sau tháng 9, Johnson hoàn toàn có thể tin tưởng vào triển vọng chính trị đầy sáng sủa của mình. Vào năm 2014, cuốn sách “The Churchill factor: How one man made history” (lược dịch: Nhân tố Churchill: Làm thế nào để một người đàn ông đã làm nên lịch sử) được chính Johnson chắp bút đã được xuất bản rộng rãi. Mặc dù được coi là một cuốn tiểu sử thu nhỏ về nhà lãnh đạo đầy cứng rắn của nước Anh Winston Churchill, các nhà phân tích cho rằng, cuốn sách thực chất là tấm gương phản chiếu sự tương đồng giữa Churchill và Johnson.
Cả hai đều bỏ qua những quyết sách trong nội bộ đảng và những phương cách đạt đến thành công thông thường. Trước khi trở thành Thủ tướng, Churchill từng là một nhà báo, và đây cũng chính là con đường mà Johnson đang hướng tới. Và cuối cùng, mọi người thường nhớ đến Churchill với những chính sách quyết đoán, không nhượng bộ, đó cũng chính là những phẩm chất được sở hữu bởi Johnson.
Nguồn: Báo Tầm Nhìn
Chưa có bình luận.