Tay-chân-miệng là một bệnh truyền nhiễm do các loại virus đường ruột gây nên, lây từ người sang người, dễ gây thành dịch.
Dịch tễ học bệnh tay-chân-miệng
Tay-chân-miệng là một bệnh truyền nhiễm do các loại virus đường ruột gây nên, lây từ người sang người, dễ gây thành dịch. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính của bệnh là các nốt phỏng – loét trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh thường diễn biến lành tính nhưng cũng có thể gây các biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Nhiễm tay – chân – miệng có phân bố toàn cầu nhưng phổ biến hơn ở những nơi điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, nhất là ở các vùng nhiệt đới có dân số đông và điều kiện vệ sinh kém. Nguồn lây chính của bệnh tay – chân – miệng là người nhiễm virus, thường là trẻ dưới 5 tuổi. Người mắc tay – chân – miệng có khả năng lây truyền virus khi có biểu hiện triệu chứng, lây mạnh nhất là trong tuần đầu của bệnh, thấp hơn trong các tuần tiếp theo. Virus thải ra môi trường theo phân của trẻ, dịch nốt phỏng, dịch hầu họng, tồn tại . Bệnh lây theo đường tiêu hoá, chủ yếu qua tay hoặc các đồ vật bị nhiễm phân (đồ chơi, đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày). Uống nước hoặc ăn thức ăn có nhiễm virus cũng có khả năng gây bệnh. Trẻ có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao khi tham gia các sinh hoạt tập thể như đi nhà trẻ, mẫu giáo, tới các nơi vui chơi tập trung, đặc biệt là trong thời gian có dịch. Bệnh tay-chân-miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Lâm sàng bệnh tay-chân-miệng
Giai đoạn ủ bệnh (từ khi nhiễm virus cho đến khi xuất hiện triệu chứng của bệnh) kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Các nốt phỏng xuất hiện ở niêm mạc lợi, lưỡi, má, kích thước 2-3 mm, tiến triển thành vết loét đỏ, gây đau miệng; trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt. Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông xuất hiện các nốt phỏng kích thước nhỏ, nông, không đau, tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày), ít khi vỡ loét. Trẻ thường sốt nhẹ; trường hợp nặng có sốt cao, nôn. Các biến chứng thần kinh, tim mạch và hô hấp thường xuất hiện sớm, từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh. Giai đoạn toàn phát của bệnh có thể kéo dài 3-10 ngày.
Biểu hiện và mức độ nặng của tay – chân – miệng rất đa dạng, phụ thuộc vào nhiều yếu tố (lứa tuổi khi mắc bệnh, tình trạng miễn dịch, v.v..), trong đó chủng virus có vai trò quan trọng nhất. Các trường hợp tay – chân – miệng nặng có biến chứng thường liên quan tới virus EV71. Các biến chứng của bệnh tay – chân – miệng bao gồm biến chứng thần kinh (viêm não, viêm tuỷ, viêm màng não), biến chứng tim mạch và hô hấp. Trẻ bị biến chứng thần kinh có thể có các biểu hiện ngủ gà, rung giật cơ, rung giật nhãn cầu, yếu hoặc liệt chân tay, co giật, hôn mê. Trẻ có biến chứng tim mạch biểu hiện là mạch nhanh và nhịp tim nhanh, da nổi vân tím, vã mồ hôi, chân tay lạnh; trẻ thở nhanh, ngực rút lõm, tiếng thở khò khè, rít; trẻ phù phổi có tím tái, sùi bọt hồng.
Chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh tay-chân-miệng
Bệnh tay – chân – miệng có thể chẩn đoán trên cơ sở ban điển hình ở miệng và ngoài da, đặc biệt là ban ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Bệnh hay xảy ra thành dịch, trong cùng một cơ sở tập trung trẻ (nhà trẻ, trường học), và yếu tố này giúp nhận biết được bệnh. Xét nghiệm phát hiện virus trong dịch hầu họng, phân, dịch não tuỷ, v.v.. được sử dụng để xác định dịch tay – chân – miệng và chẩn đoán các ca bệnh nặng, có biến chứng.
Trẻ em và người lớn nghi nhiễm tay – chân – miệng cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi, điều trị phù hợp. Tuỳ theo các biểu hiện của bệnh và mức độ biến chứng, người bệnh được phân theo độ lâm sàng để chỉ định nhập viện và điều trị phù hợp. Trẻ mắc bệnh nhẹ có thể điều trị tại cộng đồng, chủ yếu là nghỉ ngơi, tránh kích thích, dùng thuốc hỗ trợ (hạ nhiệt, giảm đau), dinh dưỡng phù hợp (cho ăn mềm, chia thành nhiều bữa nhỏ), vệ sinh răng miệng; trẻ cần được đưa đến thăm khám 1-2 ngày một lần để sớm phát hiện biến chứng nếu có. Trẻ có các dấu hiệu nặng như sốt cao, giật mình, rối loạn ý thức, khó thở, v.v.., phải được đưa ngay đến cơ sở y tế. Các trường hợp bệnh nặng, có biến chứng sẽ được điều trị bằng globulin miễn dịch và điều trị tích cực (thở oxy, thở máy, chống phù não, hỗ trợ tim mạch, v.v..) để cứu sống người bệnh.
Bệnh tay – chân – miệng hiện chưa có vaccine để dự phòng. Biện pháp dự phòng có hiệu quả để dự phòng lây nhiễm virus là vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Các cá nhân trong cộng đồng cần thực hiện các biện pháp vệ sinh như rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); đồ chơi và các vật dụng, sàn nhà phải được rửa sạch bằng nước và xà phòng, xử lý bằng dung dịch khử khuẩn khi cần. Khi xảy ra dịch tay – chân – miệng, trẻ mắc bệnh phải được cách ly tại nhà cho đến 10-14 ngày; cơ sở giữ trẻ phải thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn các dụng cụ, đồ dùng chung. Tại các cơ sở y tế, người mắc tay – chân – miệng phải được cách ly theo nhóm bệnh; phòng bệnh và các đồ dùng của người bệnh phải được khử khuẩn bề mặt bằng các thuốc sát khuẩn; các chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại cũng được xử lý để tránh lây truyền cho người khác.
CNTTCBTG – BV Bạch Mai
Chưa có bình luận.