Thứ Tư, 01/08/2018 | 21:28

Hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng, tiêm chủng, vô trùng, hô hấp, nhiệt độ cho trẻ sinh non (đẻ non) tại nhà

Chăm sóc trẻ sinh non chưa bao giờ là một công việc dễ dàng ngay cả đối với nhân viên y tế được đào tạo một cách bài bản bởi nơi sống tốt nhất và phù hợp nhất cho trẻ lúc này là trong bụng mẹ. Trẻ dường như chưa sẵn sàng cho một môi trường mới. Do vậy trẻ sinh non sẽ gặp nhiều nguy cơ như:

+ Bị ngạt,

+ Suy hô hấp,

+ Hạ thân nhiệt,

+ Rối loạn chuyển  hóa như hạ đường máu,

+ Rối loạn điện giải, canxi, nước, hoặc

+ Trẻ sẽ bị nhiễm trùng, xuất huyết (đặc biệt nguy hiểm là xuất huyết não và màng não), hoặc

+ Trẻ bị tan máu, vàng da, hay bị viêm ruột hoại tử…

+ Các nguy cơ mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) cũng rất cần được lưu ý, có thể dẫn tới mù lòa,

+ Điếc,

+ Bại não,

+ Thiểu năng vận động trí tuệ, béo phì, cao huyết áp, thậm chí cả đái tháo đường.

+ Bệnh phổi mạn tính

Chăm sóc trẻ tại cơ sở y tế:

Đảm bảo vô trùng tuyệt đối

Trẻ sinh non phải được cấp cứu ngay,  trẻ được giữ ấm, ổn định thân nhiệt, chống suy hô hấp, chống ngạt cho trẻ. Việc kiểm soát nhiễm khuẩn được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế. Mỗi bệnh viện đều có một nơi đặc biệt chuyên chăm sóc trẻ sinh non, các nhân viên y tế khi vào khu vực này đều phải đeo găng tay, bịt khẩu trang, quần áo toàn bộ đều tiệt trùng tuyệt đối. Khu vực chăm bé có hệ thống lọc không khí và khử khuẩn để đảm bảo vô trùng.

Người nhà bệnh nhân chỉ được thăm bé theo giờ quy định, nhưng cũng tùy tình trạng bệnh, nếu trẻ ổn định 01 người nhà được vào thăm theo giờ, đúng theo quy định của bệnh viện, tuy nhiên phải tuân thủ quy trình mặc áo, đeo khẩu trang, đi giày dép để tránh nhiễm khuẩn cho người bệnh.

+ Khi bạn chăm sóc trẻ tại nhà, luôn lưu ý vấn đề vô trùng. Nên trang bị các bình xịt sát khuẩn để có thói quen rửa tay bằng nước diệt khuẩn thường xuyên.

+ Cần cách ly trẻ với các nguồn lây nhiễm bệnh, hạn chế tối đa việc thăm nom trẻ, vì đây là nguồn bệnh khó kiểm soát.

+ Tuyệt đối hạn chế người không có nhiệm vụ chăm sóc trẻ lại gần trẻ.

+ Khu vực chăm sóc trẻ sinh non luôn yêu cầu vô trùng cao, yên tĩnh, ít người tiếp cận

+ Các đồ dùng, dụng cụ pha sữa luôn được tiệt trùng bằng nước sôi.

+ Các đồ dùng tã, áo quấn, chăn của bé phải được thay giặt thường xuyên, luôn ở tình trạng khô, sạch.

+ Các đồ bẩn phải được thay và mang ra khỏi khu vực chăm sóc trẻ sớm.

+ Trẻ cần được tắm rửa sạch sẽ hàng ngày vì lớp biểu bì ngoài da của trẻ nhanh bị chết đi và làm bẩn da bé. Nguyên tắc là nước ấm, tắm nhanh, lau khô trong phòng ấm kín khí. Vào mùa đông, sau khi tắm bé nên thoa một lớp dầu chuyên dụng để giữ nhiệt cho bé.

+ Nên là những người có kinh nghiệm thực hiện việc tắm bé. Nếu bạn ở Hà nội hay các thành phố lớn nên thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện tắm bé cho đến khi bé trên 3kg.

+ Trẻ sinh non nhẹ cân dưới lớp da không có hoặc có rất ít lớp mỡ giúp giữ ấm và ổn đinh nhiệt độ cho các cơ quan nội tạng, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh hay bị viêm phổi.

Trẻ cần được giữ ấm đầy đủ chân tay cổ và bụng, mặc vớ chân tay

+ Khi dùng điều hòa nên dùng loại tốt, diện tích phòng nên lớn hơn 20 m2, tránh phòng bé, đầu xả của điều hòa cách chỗ trẻ nằm trên 3m, luôn theo dõi nhiệt độ và độ ẩm hợp lý.

+ Khi trẻ được chăm sóc tại nhà, cần phải duy trì cho trẻ một môi trường nhiệt độ ổn định và ấm áp. Nhiệt độ phòng nên là từ 25-29 độ C, tùy từng vùng và tùy từng mùa, kín gió. Thân nhiệt của trẻ nên duy trì lý tưởng ở 37 độ C, nên có một nhiệt kế đo tai hoặc trán loại nhạy để theo dõi thường xuyên.

+ Điều này khác hoàn toàn so với việc nhiệt độ phòng là 17 hay 18 độ và bạn cho bé mặc nhiều lớp quấn. Như vậy có thể giúp cho bé ấm thân nhiệt, nhưng không đảm bảo không khí bé hít thở là không khí ấm, bé thở không khí lạnh rất dễ gặp vấn đề về đường hô hấp

+ Thường thì ở khí hậu miền bắc rất ít khi có thời tiết tự nhiên đáp ứng được điều kiện nuôi trẻ nhiệt độ lý tưởng 25-29 độ C, khi đó phải có trang bị điều hòa, nên là điều hòa 2 chiều loại tốt. Khi dùng điều hòa thì ngoài vấn đề nhiệt độ, cần lưu ý vấn đề độ ẩm, không khí quá khô sẽ làm cho trẻ hô hấp không tốt.

+ Trẻ phải thường xuyên được đi vớ, tất, quấn khăn giữ ấm cổ, gan bàn chân, gan bàn tay, bụng …

+ Một trong những phương pháp giữ thân nhiệt và chăm sóc trẻ sinh non hiệu quả, rẻ tiền được áp dụng trên toàn thế giới và cứu sống rất nhiều trường hợp sinh non là phương pháp Kangaroo: Mẹ ôm bé sát ngực mình, để da bé tiếp xúc hoàn toàn da mẹ, nhờ đó thân nhiệt của mẹ sẽ bảo vệ thân nhiệt của bé ở mức độ lý tưởng nhất, nhịp tim và nhịp thở của mẹ sẽ kích thích trẻ tránh những cơn ngưng tim bất chợt và nó giúp trẻ dễ ngủ hơn.

+ Để áp dụng phương pháp này người mẹ rất tốn sức, vì vậy nên bố trí số lượng người chăm trẻ nhiều hơn 1 chút, bao gồm cả người chăm bé và người chăm mẹ. Để mẹ có điều kiện nghỉ ngơi, có sức khỏe qua đó chăm bé được tốt nhất.

Dinh dưỡng cho trẻ sinh non

+ Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời giúp trẻ sinh non tăng cường các yếu tốt miễn dịch, nó còn giúp bé dễ tiêu hóa, đặc biệt phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ.

+ Luôn ưu tiên sữa mẹ hàng đầu trong dinh dưỡng cho trẻ sinh non khi chăm sóc bé. Hãy giữ cho mẹ khỏe, nhanh phục hồi sức sau sinh, có dinh dưỡng tốt và nghỉ ngơi đầy đủ để có sữa cho trẻ bú.

+ Trong những trường hợp đặc biệt, khi mẹ không thể có sữa cho trẻ bú, việc lựa chọn sữa ngoài cho trẻ cần phải hết sữc cẩn thận và kỹ lưỡng, nên có sự tư vấn của các bác sỹ chuyên khoa nhi.

+ Hiện tại, các loại sữa tốt nhất cho chăm sóc trẻ sinh non trong các bệnh viện chuyên dụng là Sữa similac special care 24 được sản xuất tại Ohio Mỹ bởi tập đoàn dinh dưỡng Abbott Nutrision.

Tiêm phòng cho trẻ sinh non

+ Trẻ sinh non tiêm phòng như trẻ sơ sinh bình thường nếu bé đủ cân nặng. Ngay sau khi sinh ở bệnh viện bé được tiêm mũi viêm gan B.

+ Khi thực hiện chăm sóc tại nhà, bé tiêm phòng ở y tế phường xã theo lịch tiêm hàng tháng, tại đơn vị y tế cơ sở nhân viên y tế sẽ căn cứ vào tình trạng sức khỏe và cân nặng của bé để quyết định tiêm các mũi tiêm phòng.

+ Thường thì nhân viên y tế sẽ cân nhắc theo hướng thiên về giữ an toàn cho trẻ nên bố mẹ hoàn toàn yên tâm.

+ Bố mẹ rất chú ý các mũi tiêm ở tháng thứ nhất và tháng thứ 2 còn các tháng tiếp theo, cân nặng của bé thường đã tốt rồi nên sẽ không có vấn đề gì nguy hiểm.

+ Theo kinh nghiệm thì ở tháng thứ 2 có mũi 5 trong 1 nên đặc biệt chú ý, nếu trẻ ở các thành phố lớn, gia đình nên sử dụng mũi tiêm 6 trong 1 từ Pháp thì ít ảnh hưởng đến trẻ hơn.

Lưu ý:

Việc đưa trẻ đi tiêm phòng và thăm khám sau khi xuất viện là rất cần thiết để theo dõi sự phát triển nói chung của trẻ, hoặc để kiểm tra thính lực cho trẻ, việc này rất cần bởi nếu có vấn đề cần can thiệp sớm. Trẻ sinh non thường hay mắc các bệnh về mắt đặc biệt là võng mạc, cần được phát hiện điều trị sớm tránh mù lòa cho trẻ. Ngoài ra  việc thăm khám định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh do dinh dưỡng của trẻ, để bổ sung và điều chỉnh kịp thời cho trẻ.

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook