Năm 2017, y học đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Bên cạnh sự nỗ lực của đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia y tế, công nghệ là một tác nhân lớn đem lại những giá trị vượt trội trong công tác khám, chữa, điều trị bệnh. Đầu năm 2018, Mỹ thử nghiệm cấy robot vào thực quản lợn thành công. Mở ra cơ hội điều trị nhiều căn bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ.
Biến ý tưởng từ thế kỷ trước trở thành hiện thực
Cách đây gần một thế kỷ, Pierre Dupont, kỹ sư y sinh tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) từng tự hỏi liệu con người có khả năng chế tạo những con robot sống và làm việc bên trong cơ thể hay không. Ngày nay, với công trình mang tính đột phá, ông biết chắc câu trả lời là “có”.
Thiết bị robot được gắn vào một đoạn thực quản lợn. Ảnh: Damian et al.
Theo Futurism, trên tờ Science Robotics, nhóm tác giả từ Bệnh viện Nhi Boston đã thử gắn thiết bị robot vào thực quản lợn và nhận thấy sau một thời gian, bộ phận này của con vật dài hơn 77% trong khi nó vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường và không hề khó chịu.
Đặc biệt, ông Dupont cho biết thực quản lợn không chỉ đơn thuần được kéo giãn mà thực sự dài lên nhờ tế bào tăng trưởng. Điều này cho thấy, robot cấy ghép có thể đem tới hy vọng cho các bệnh nhân mắc chứng teo thực quản.
Dùng robot điều trị bệnh teo thực quản ở trẻ sơ sinh
Ảnh hưởng đến một trên 4.000 trẻ sơ sinh, chứng teo thực quản khiến một phần thực quản bị mất đi. Do đó, trẻ khó bú, hay sặc và nôn, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Đối với những ca nhẹ, bác sĩ có thể phẫu thuật khâu hai đầu thực quản lại với nhau. Trong y khoa, những trường hợp này phải dùng đến kỹ thuật Foker để khâu hai đầu bị đứt của thực quản thành hai nút thắt ở lưng. Sau đó vài tuần, hai nút này được thắt chặt hơn để từ từ kéo giãn thực quản. Dần dần, đoạn thực quản bị đứt sẽ được nối liền.
Đến thời điểm hiện tại dù đạt hiệu quả cao nhưng kỹ thuật Foker còn nhiều nhược điểm. Suốt quá trình điều trị, trẻ phải tiêm thuốc mê và thở máy để đảm bảo không di chuyển. Đặc biệt, thời gian nằm viện có thể lên tới ba tháng và chi phí rơi vào khoảng một triệu USD.
Mô tả kỹ thuật Foker. Ảnh: SlidePlayer.
Đối với phương pháp mới nếu áp dụng thành công, robot cấy ghép trên người sẽ khắc phục mọi vấn đề của kỹ thuật Foker. Hơn thế nữa, nhóm tác giả kỳ vọng sẽ không dừng lại điều trị chứng teo thực quản mà tiếp tục thử nghiệm lên động vật mắc hội chứng ruột ngắn sau đó điều trị trên cơ thể người.
Theo Vnexpress.net
Chưa có bình luận.