Tập những bước đi đầu tiên với chiếc chân giả, cậu bé Nguyễn Quốc Huy khóc đau đớn không chịu hợp tác với bác sĩ. Cậu bé ngày nào chào đời “bằng cách” văng khỏi bụng mẹ trong tai nạn giao thông hiện đã hơn 11 tháng tuổi. Chiếc chân cụt của bé được lắp chân giả mới 10 ngày qua. Cháu đang trải qua những ngày tập làm quen với việc có đầy đủ hai chân mặc dù một chiếc không phải thật. Chiều 29/9, bé Huy được bố và người nhà đưa từ An Giang đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) để các bác sĩ giúp tập đi lần đầu. Tuy đã làm quen với chân giả, bò và đứng được bằng hai chân nhưng khi tập những bước đầu tiên, bé vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Mất hơn một tiếng đồng hồ cháu mới chịu đi lại với sự hỗ trợ của khung tập đi có bánh xe. Những giọt nước mắt liên tục rơi trên gương mặt bé nhỏ suốt buổi chiều tập luyện.
Bé Huy được bố đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) để lần đầu tập đi với chiếc chân giả. Ảnh: Lê Phương.Cô ruột bé là Nguyễn Thị Mén cho biết khi mới lắp chân giả bé khóc và không chịu mang, sau đó mới quen dần và có thể tự bò, tự đứng được, cử động lanh lẹ bình thường. Bé có thể vịn tay đứng lên bằng chân thật rồi kéo chân giả đứng lên và đứng được trên chân giả. Ở nhà khi được đặt trong chiếc xe đẩy, bé khá thích thú và tự vịn tay để đứng bằng cả hai chân. Bé vốn ăn ngủ ngoan nên rất săn chắc, hiện cân nặng hơn 9 kg. Cử nhân Lê Tường Giao, Trưởng Khoa Vật lý Trị liệu Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết nhờ được tập luyện đúng cách nên tình trạng mỏm cụt ở chân của bé rất tốt, thon chắc, không có biến dạng. Do đó khi lắp chân giả vào, bé có thể đứng thẳng được, hai chân bằng nhau. Nếu mỏm cụt biến dạng gập ra trước khi mang chân giả vào thì chân giả sẽ thò ra trước rất nhiều, gây cản trở vận động.
Bé Huy được hướng dẫn tập đi bằng khung tập đi có bánh xe trợ giúp. Ảnh: Lê Phương.“Theo lẽ thường khi mang chân giả vào bé sẽ rất vướng víu khó chịu, phải biết cách sử dụng chân giả thì bé mới đi được. Trẻ con khi tập đi thì trước tiên vịn bàn, đi ngang sang phải sang trái sau đó vài tháng mới chuyển sang đi thẳng. Bé Huy cũng được tập theo cách đi của trẻ thông thường“, ông Giao chia sẻ. Theo các bác sĩ, việc thay chân mới phụ thuộc vào sự tăng trưởng của bé. Bé Huy được khám 6 tháng một lần để đánh giá tình trạng phát triển. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người nhà cách giúp bé tập luyện, vận động khi về nhà để đạt được hiệu quả tốt nhất. Những bước đi đầu tiên với chân giả của bé Huy
Ngày 25/10/2014, anh Nguyễn Văn Nam ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn (An Giang) chở vợ Nguyễn Thị Kim Ngọc bằng xe máy đến bệnh viện sinh. Trên đường đi, xe của anh Nam va quẹt với ôtô đi cùng chiều, chị Ngọc tử vong tại chỗ, thai nhi văng ra ngoài. Bé được đưa đến bệnh viện địa phương sơ cứu trước khi chuyển về TP HCM. Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 phải chạy đua với tử thần giành mạng sống cho cháu bé. Sự bình phục của cậu bé sau hơn 2 tuần thập tử nhất sinh được các y bác sĩ xem như một phép màu. Bé Huy sống sót được nhiều người ví như chú lính chì dũng cảm với chân phải bị cắt cụt đến gối. Tai nạn cũng khiến bố bé bị thương phải tháo khớp gối chân phải và sau đó được lắp chân giả.Lê Phương
Chưa có bình luận.