Thứ Hai, 27/11/2017 | 08:36

Bệnh quai bị thường gặp ở trẻ em lứa tuổi từ 5 đến 15 và dễ gây thành dịch bởi đường lây trực tiếp qua đường hô hấp. Tại Hà Nội, do chủ quan không đi khám, điều trị sau khi bị lây quai bị từ các thành viên trong gia đình, một phụ nữ đã bị viêm mang não.

Bệnh quai bị có gì đặc biệt

Bệnh quai bị (còn gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút quai bị gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp, xảy ra quanh năm nhưng thường gây dịch vào mùa Đông – Xuân.

Quai bị hay gặp ở lứa tuổi học trò và hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên tại các trường mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh….Biểu hiện chính của bệnh ban đầu là sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sau đó sốt tăng dần lên đến 39,5°C – 40°C, các tuyến mang tai gần tai bắt đầu sưng lên và đau, làm cho việc nhai và nuốt đau đớn…

Thời gian bệnh lý biểu hiện là khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân khi nhiễm virut quai bị mà không hề có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng (tỷ lệ này là khoảng 25%), những trượng hợp này có khả năng lây bệnh mà người xung quanh không hề biết, có nguy cơ lây sang rất nhiều người xung quanh và tạo thành ổ dịch.

Bệnh lây lan chủ yếu theo đường hô hấp, khi người bệnh nói chuyện, hắt hơi thì bụi nước bọt sẽ bay vào không khí và người xung quang nếu hít phải sẽ bị virut tấn công.  Bệnh quai bị còn có thể lây qua đường ăn uống hay qua những vật dụng mà người bệnh đã sử dụng qua như: bát đũa, cốc chén, khăn hay những đồ vật mà người bệnh đã từng tiếp xúc cũng có khả năng mang mầm bệnh.

Nét đặc biệt của bệnh quai bị là những bệnh nhân sau khi mắc bệnh có miễn dịch vững bền nhiều năm và rất hiếm khi tái phát.

Biến chứng viêm màng não do quai bị và cảnh báo của chuyên gia

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân P.T.H.H (35 tuổi, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt, đau đầu, sưng mang tai 1 tuần trước khi vào viện.

Trước đó con trai 5 tuổi và chồng chị H đều mắc quai bị và đều tự khỏi nên khi bị quai bị, chị H đã không đi khám tại cơ sở y tế mà tự mua thuốc về điều trị. Uống kháng sinh 5 ngày mà không đỡ, có biểu hiện đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn thì chị mới chịu vào viện. Tại Khoa Truyền nhiễm, xét nghiệm dịch màng não tủy, chị được xác định viêm màng não do virus.

TS. Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại Paramyxo-virus tấn công chủ yếu các tuyến ngoại tiết, thông thường là tuyến nước bọt mang tai.

TS Nguyễn Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân quai bị (Ảnh Mai Thanh)

Bệnh quai bị lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt, hoặc các giọt chất tiết mũi họng của người bệnh văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh nhân quai bị có khả năng lây truyền virus 3 ngày trước khi có biểu hiện lâm sàng (trước khi sưng tuyến nước bọt) cho đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh là 1-2 tuần. Các biến chứng của bệnh quai bị thường gặp là viêm tinh hoàn ở nam giới sau tuổi dậy thì, viêm tuỵ cấp, viêm buồng trứng (nữ giới sau tuổi dậy thì), nặng hơn có thể gây viêm não- màng não…

TS Cường chia sẻ “Teo tinh hoàn là nỗi lo lắng lớn nhất của nam giới trưởng thành khi mắc quai bị. Bởi khi vi-rút tấn công, tinh hoàn sưng to gấp 2 – 3 lần bình thường, người bệnh rất đau. Sau 7 ngày, dù không điều trị, phần lớn tinh hoàn cũng sẽ giảm sưng đau và trở về bình thường. Nếu được điều trị bằng các thuốc chống viêm, giảm đau tình trạng sưng đau sẽ giảm nhanh hơn. Tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi sát đề phòng biến chứng teo tinh hoàn sau này”.

Để bảo vệ gia đình, các chuyên gia khuyến cáo người dân khi xuất hiện các triệu chứng  khó chịu, sốt cao, đau họng , đau ở góc hàm, tuyến mang tai sưng…cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng có thể sẽ xảy ra.

Theo Dantri.com.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook