Cảnh báo nguy cơ ung thư vòm họng từ ‘bệnh nụ hôn’
Vừa ăn vừa nói, uống bia rượu, sử dụng chung nước chấm, nước canh…là những thói quen xấu của một bộ phận người Việt khi ăn uống. Dưới góc độ y khoa, các chuyên gia đánh giá đây là con đường lây nhiễm bệnh tật hết sức dễ dàng, đặc biệt là nguy cơ ung thư vòm họng từ căn bệnh mang tên “nụ hôn”.
Đánh giá thực trạng
Theo WHO, ung thư vòm họng là bệnh phổ biến xếp trong 10 loại UT thường gặp nhất. Tỷ lệ UT vòm họng trong vùng dịch tễ khoảng 20-50/100.000 dân. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong vùng dịch tễ này.
Nguyên nhân gây ung thư vòm họng rất nhiều. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng UT vòm họng có khả năng di truyền vì nhiều gia đình có đến 2-3 anh chị em cùng mắc bệnh. Đánh giá, khảo sát cây phả hệ của nhiều dòng họ, kết quả cho thấy có mối liên hệ mật thiết giữa người mắc bệnh ung thư vòm họng với những người thân trong gia đình như cha, mẹ, anh, chị em ruột hoặc con…
Đặc biệt, những người có mối liên hệ huyết thống với người bị UT vòm họng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với người không có mối liên hệ huyết thống. Chính vì vậy yếu tố di truyền hay gia đình được cho là nguyên nhân gây ung thư vòm họng.
Ngoài yếu tố trên còn nhiều yếu tố nguy cơ khác góp phần thúc đẩy sự phát triển của loại UT này.
Virus EBV có gì đặc biệt
EBV (Eptein Barr Virus) có trong nước bọt là một loại virus gây “bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn”, còn có tên gọi “bệnh nụ hôn”. Con đường lây bệnh từ người này qua người khác. Đặc biệt, EBV tìm thấy nhiều trong nước bọt, do đó đường lây nhiễm qua nụ hôn, dùng chung muỗng, chung dụng cụ vệ sinh cá nhân…
Theo đánh giá, EBV không phải là loại virus quen thuộc nhưng có tới 90% dân số trên thế giới có thể bị nhiễm EBV trong đời mà không hề biết, vì chúng không biểu hiện triệu chứng gì. Triệu chứng giống như cúm sau khi nhiễm EBV 4-6 tuần, thường ở người trẻ, nhẹ và thoáng qua. Triệu chứng như mệt mỏi, sốt, chán ăn, nổi mẩn, đau họng, đau cơ, nổi hạch cổ… thường tự hết sau 2-4 tuần hoặc kéo dài vài tháng.
Ngoài ra, EBV còn gây viêm tai, tiêu chảy; Hội chứng Guillain-Barre và đặc biệt là Lymphôm Burkitt và ung thư vòm họng.
Các yếu tố nguy cơ
Tập quán hay thói quen
Một số vùng người dân có thói quen dự trữ thực phẩm bằng cách muối hoặc xông khói như cá muối, thịt xông khói… sẽ sản sinh ra một chất sinh UT Nitrosamine gây ung thư vòm họng. Tương tự việc dùng quá nhiều nhang, trầm hương, vàng mã, tinh dầu thực vật… cũng góp phần tăng nguy cơ ung thư.
Môi trường
Môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với khói bụi, hóa chất công nghiệp…thường xuyên cũng dẫn đến nguy cơ ung thư vòm họng.
– Ô nhiễm môi trường, phơi nhiễm hóa chất.
– Tiếp xúc với khói (khói động cơ, củi đốt, đám cháy rừng…).
– Tiếp xúc với bụi (bụi than, đá, quặng, gỗ…).
Ý kiến của chuyên gia
Nhiều người cho rằng khi đã bị nhiễm EBV thì chắc chắn sau này sẽ bị ung thư vòm họng, nên phải phòng ngừa tận gốc “bệnh nụ hôn”. Tuy nhiên, không hẳn là như vậy. Các con số thống kê cho thấy tỷ lệ biến chứng thành UT vòm họng của “bệnh nụ hôn” là rất hiếm. Hơn nữa nguyên nhân UT vòm họng là một tổ hợp đa dạng các yếu tố nguy cơ như yếu tố di truyền, môi trường, thói quen và tập quán ăn uống sinh hoạt… EBV có thể chỉ là một yếu tố tác động trên cơ thể chủ đã bị suy yếu trước nên mới sinh ung thư vòm họng.
Nghiên cứu của tác giả Mc Aulay cho thấy gen di truyền HLA-I có liên quan đến tỷ lệ và độ nặng của “bệnh nụ hôn”. Gen HLA-I cũng là một trong các yếu tố nguy cơ của bệnh Lymphôm Hodgkin liên quan EBV và ung thư vòm họng.
Để giảm thiểu người mắc bệnh “bệnh nụ hôn” và các bệnh ác tính liên quan, các nghiên cứu gần đây đã tìm ra văcxin EBV. Tuy nhiên đến nay chúng vẫn chưa được công nhận sử dụng rộng rãi vì chi phí, hiệu quả không cao. Hiện chỉ có một số nơi trong vùng dịch tễ của UT vòm họng như Đài Loan, Hong Kong sử dụng, đặc biệt là những gia đình có nhiều người bị ung thư vòm họng.
Từ những kết quả khoa học trên, các chuyên gia khyến cáo người dân không nên quá lo lắng bởi không phải bất kỳ trường hợp nào bị “bệnh nụ hôn” do nhiễm EBV đều biến chuyển thành UT vòm họng. Tuy nhiên cần giữ vệ sinh cá nhân cẩn thận, súc miệng họng bằng nước muối ấm, tập thể dục đều đặn, ăn đa dạng các loại trái cây rau quả để nâng cao sức đề kháng và phòng ngừa tật bệnh.
Theo Bệnh viện Ung bướu TP HCM & Vnexpress.net
BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ:
+ Phát hiện sớm 5 bệnh ung thư qua phương pháp xét nghiệm máu mới
Chưa có bình luận.