Thứ Tư, 17/02/2016 | 21:30

“Cải tạo” tế bào để chữa bệnh ung thư

Hiện liệu pháp mới mới chỉ được áp dụng
cho các bệnh nhân mắc các chứng ung thư máu. (Nguồn: BBC).

Hãng tin BBC của Anh dẫn một báo cáo cho thấy liệu pháp mới đã được thử nghiệm trên con người, và mang đến kết quả đáng mừng: 90% số bệnh nhân được thử nghiệm có tình trạng sức khỏe được phục hồi tốt, triệu chứng bệnh giảm.

Để thực hiện liệu pháp này, các nhà khoa học đã lấy mẫu bạch huyết cầu từ các bệnh nhân mắc ung thư bạch cầu, sau đó biến đổi chúng trong phòng thí nghiệm và tiêm nó trở lại cơ thể bệnh nhân. Đến nay, tuy dữ liệu chính thức chưa được công bố và đã có 2 bệnh nhân tham gia thử nghiệm qua đời do phản ứng đào thải từ hệ miễn dịch, nhưng giới chuyên gia vẫn coi liệu pháp mới như một bước đột phá, dù chỉ là một “bước tiến nhỏ” trong công cuộc chống lại căn bệnh ung thư.

Báo cáo trên được Hiệp hội vì sự phát triển khoa học Mỹ đưa ra trong cuộc họp thường niên tổ chức tại Washington DC mới đây. Nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu này, Giáo sư Stanley Riddell thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, cho hay tất cả các phương pháp điều trị khác được áp dụng cho các bệnh nhân kể trên đều thất bại và thời gian sống còn lại của họ chỉ còn từ 2 đến 5 tháng. Nhưng khi tham gia thử nghiệm liệu pháp mới, kết quả thu được rất đáng mừng.

Trong cuộc thử nghiệm liệu pháp mới, các tế bào lấy ra từ hệ miễn dịch – có tên T-cells – của một số bệnh nhân mắc ung thư. Các tế bào này được “cải tạo” lại trong phòng thí nghiệm, và sau đó đóng vai trò như những “quả bom” tiêu diệt các mô bị nhiễm bệnh.

Các nhà khoa học, sử dụng công nghệ gen, đã biến đổi các T-cell này để chúng có một cơ chế tìm và diệt một cách chính xác nguyên bào lympho ung thư bạch cầu. “Tiến trình này sẽ cài đặt chương trình cho các T-cell để chúng tự động tìm kiếm, phát hiện và tiêu diệt các tế bào ung thư của bệnh nhân”; Giáo sư Riddell nói.

“Các bệnh nhân tham gia thử nghiệm đều đã trải qua hàng loạt các biện pháp điều trị khác nhau nhưng không có kết quả, trong khi chỉ mới được điều trị theo liệu pháp mới đã có 90% số bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn, có nghĩa chúng tôi không thể phát hiện các tế bào ung thư bạch cầu trong cơ thể họ” – ông Riddell nói thêm.

Tuy nhiên, giới chuyên gia hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về liệu pháp này, một phần do thiếu các biên bản nghiên cứu, báo cáo và dữ liệu cụ thể. Ngoài ra, sau khi áp dụng liệu pháp mới cho số bệnh nhân trên, 7 người đã bị mắc hội chứng gây viêm về hệ miễn dịch rất nặng, trong khi 2 người khác qua đời.

Và trong khi có thể chấp nhận được đối với những bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối của ung thư, thì các phản ứng phụ của liệu pháp này đôi lúc còn nặng nề hơn các phương pháp điều trị ung thư bạch cầu hiện hành như hóa trị hay điều trị bằng phóng xạ – các phương pháp hiệu quả đối với phần lớn các bệnh nhân ung thư.

Ngoài ra, liệu pháp mới cũng chỉ mới được thử nghiệm đối với các bệnh nhân mắc chứng ung thư máu như ung thư bạch cầu, chứ chưa được thử nghiệm trên các bệnh ung thư tế bào “cứng” như ung thư vú.

Tiến sỹ Alan Worsley, thuộc Viện nghiên cứu Ung thư Anh, nhận định rằng đây chỉ mới là một bước tiến nhỏ trong quá tình điều trị ung thư, dù có kết quả đáng mừng.

“Chúng tôi đang tiếp tục thử nghiệm công nghệ mới này, trong đó biến đổi lại các tế bào. Đến nay, kết quả cho thấy thực sự hứa hẹn, tuy nhiên mới chỉ trong điều trị các loại ung thư máu” – ông Worsley nhận định.

Hiện tại, liệu pháp này chỉ được thử nghiệm trên một số bệnh nhân ung thư máu không có tiến triển gì khi được áp dụng các phương pháp điều trị truyền thống như hóa trị hay xạ trị. Các nhà khoa học cho hay, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu và cải thiện liệu pháp mới để nó phù hợp cho việc chữa trị tất cả các loại ung thư.

Ở Việt Nam, theo công bố của Bộ Y tế, hiện nay mỗi năm có trên 125.000 người mắc ung thư mới, với đủ các loại ung thư, trong đó trên 90.000 người đã chết vì căn bệnh nan y này. Dự kiến đến năm 2020, mỗi năm sẽ có trên 189.000 người mắc bệnh mới. Và con số tử vong chắc chắn cũng vì thế mà tăng thêm.

Linh Chi

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook