Chủ Nhật, 20/09/2015 | 08:52

1421039312-be

Các bé học tiểu học thường thiếu ý thức sắp xếp ngay ngắn gian phòng của mình, hay quên sửa soạn sách vở cho vào cặp, quên làm bài tập về nhà. Những khi bị thất lạc đồ đạc tìm không thấy chỉ biết la hét gọi mẹ, quên đồ dùng học tập cũng lại gọi bố mẹ mang giúp đến trường…

Do luôn dựa dẫm ỷ lại vào cha mẹ, cha mẹ cũng luôn sẵn lòng chiều chuộng đáp ứng, vì vậy mỗi lần gặp rắc rối bé lại trách do cha mẹ không giúp bé chuẩn bị đầy đủ. Với tính cách thiếu ý thức tự chịu trách nhiệm như thế, cha mẹ phải làm thế nào?

Nhắc nhở về thái độ, yêu cầu bé tự chịu trách nhiệm

Tục ngữ có câu: “Mẹ đảm con gái vụng”. Câu này có ý nói nếu cha mẹ làm thay con cái quá nhiều việc thì con cái sẽ trở thành người thiếu tinh thần trách nhiệm, việc gì cũng ỷ lại vào cha mẹ. Các bậc cha mẹ đương nhiên không muốn con mình là người như thế, vậy tại sao lại “cam chịu” làm mọi việc thay cho con cái?! Lý do cơ bản là do quá “thương yêu” con, không muốn con phải chịu cực khổ.

Đây vốn là thói quen hình thành từ thời kỳ bé còn quấn tã lót, cha mẹ luôn dành mọi thời gian để săn sóc giúp đỡ bé, quên mất bé mỗi ngày mỗi lớn, cần cha mẹ giảm dần mức độ làm thay cho bé để bé “cắt đứt dây rốn thành người lớn”.

Vì thế, cứ khi đến ngày sinh nhật của trẻ, cha mẹ thường có thừa hăng hái thay trẻ làm lễ sinh nhật, phải chăng nên nghĩ kỹ lại xem: việc nào là việc của trẻ, cha mẹ nên tránh sang một bên để cho trẻ tự làm lấy? Thay vì mua cho con trẻ những món quà sinh nhật thời thượng nhất, đắt tiền nhất, sẽ có ý nghĩa hơn khi nói với con: con lại lớn thêm một tuổi rồi, vì thế việc con phải tự mình làm lấy sẽ càng nhiều hơn. Cha mẹ sẽ giúp đỡ con chứ không thể làm thay con, hay chịu trách nhiệm thay con… Bởi vì “trao cho con trẻ ý thức tự lập” mới là món quà đẹp nhất, có ý nghĩa nhất.

5 lời khuyên khi dạy trẻ

1. Nhận rõ mục đích hành vi của trẻ

Cha mẹ hay giúp đỡ con trẻ tìm những thứ chúng quên do thiếu ý thức ngăn nắp, mang giúp trẻ tới trường bài vở do trẻ bỏ quên ở nhà… Tinh thần “phục vụ quá định mức” kiểu này là không nên, trẻ không những không biết cảm ơn cha mẹ mà còn trách cha mẹ không chuẩn bị đầy đủ cho chúng, thế là công cha mẹ thành “công dã tràng”, khó tránh khỏi cảm giác khó chịu, giận dữ. Ở đây, mục đích hành vi của trẻ chính là tranh giành quyền lợi.

2. Điều chỉnh cảm xúc của cha mẹ

Khi chỉ dạy con trẻ, nhiều khi cha mẹ hay có thái độ nóng giận, như thế sẽ kích thích sự phát triển cái tôi cá nhân của trẻ ngày càng mạnh mẽ hơn, khiến thái độ và hành vi của trẻ ngày càng trở nên tồi tệ. Vì thế, với những vấn đề trẻ thường xuyên tái phạm, cha mẹ cần uốn nắn với thái độ điềm tĩnh.

3. Làm rõ trách nhiệm của ai

Nhiều khi trẻ không hiểu phải tự quản vật dụng cá nhân, dẫn đến hay để thất lạc, không tìm thấy… Vậy nhưng khi mất, trẻ lại hay đổ trách nhiệm cho cha mẹ, hoặc cảm thấy cha mẹ có trách nhiệm phải giúp chúng tìm, lúc này cha mẹ cần làm rõ quan điểm của mình, uốn nắn thái độ sai lầm của trẻ. Cha mẹ có thể làm rõ trách nhiệm:

– Con không để đồ đạc lại đúng vị trí cũ, giờ lại nhốn nhác muốn mẹ tìm cho con, không tìm thấy lại đòi mẹ mua cho cái mới, việc không do mẹ gây ra lại bắt mẹ chịu trách nhiệm?… Thế là không hợp lý.

– Hôm qua, con không sửa soạn cặp sách, giờ bị thiếu lại bắt mẹ mang sách lên trường cho con. Đây rõ ràng là việc của con, con phải chịu trách nhiệm đúng không? Tại sao sai lầm của con lại bắt mẹ chịu?

Cha mẹ cần cương quyết làm rõ trách nhiệm của trẻ để trẻ tự mình chịu và xử lý, trẻ đương nhiên sẽ có tâm trạng tiêu cực. Lúc này cha mẹ cần chú ý phản ứng của trẻ và giúp trẻ giải tỏa bức xúc:

– Tìm đồ không thấy nên con lo lắng, không trách con muốn bố mẹ mua cho con đồ mới, giúp con giải quyết ngay vấn đề.

– Vì sợ thầy cô phạt con mới vội vàng bắt mẹ mang đồ cho con.

– Mẹ biết con không vừa ý vì mẹ không giúp con, làm con bị thầy cô phạt.

Nhiều bậc cha mẹ vừa la mắng con trẻ lại vừa giúp con trẻ giải quyết vấn đề. Nhưng với việc của con trẻ, cha mẹ chỉ nên lắng nghe chúng giãi bày tâm tư chứ tuyệt đối không nên trực tiếp giúp chúng giải quyết, vì làm thế trẻ sẽ không bao giờ biết tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

4. Chọn cách phù hợp nhất

Sau khi cha mẹ dùng cách lắng nghe và giúp trẻ giải tỏa bức xúc, có thể giúp trẻ nhận ra vấn đề và để cho trẻ tự mình giải quyết:

– Con nhớ lại xem lần trước con dùng đến đồ này vào lúc nào? Dùng ở đâu? Dùng xong con xử lý thế nào? Con lấy ở đâu sau đó để vào đâu? (con trẻ theo những manh mối logic đó để tự tìm đồ của chúng).

– Xem ra giờ tìm không thấy nữa, hơn nữa giờ cũng không có thời gian để tiếp tục tìm kiếm, vậy thì phải giải quyết thế nào đây? Mượn của người khác hay mua cái mới? Chi phí thế nào do con chịu? (trẻ phải dùng tiền tiêu vặt mua cái mới).

– Làm sao để chuyện này không lặp lại? Theo con phải làm thế nào? (trẻ sẽ mang đồ của mình phân loại cẩn thận, sau khi dùng xong cũng nên nhắc nhở trẻ để ngay lại chỗ cũ).

Cũng có nhiều khi cha mẹ nên giữ im lặng (đặc biệt khi cha mẹ “làm ngơ” với vấn đề của trẻ khiến chúng cáu gắt), cho trẻ tự đối diện với hậu quả không mong muốn do chúng gây ra. Ví dụ, không mang theo tập vở bị thầy cô phạt. Trải qua vài lần như thế trẻ sẽ tự rút kinh nghiệm, dần dần sẽ biết chủ động điều chỉnh hành vi của chúng, tránh tái phạm để rơi vào hoàn cảnh mình làm mình chịu.

5. Khích lệ biểu hiện tích cực của trẻ

Khi trẻ biết tự điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực thì nên khen thưởng trẻ. Với trẻ thiếu ý thức tự quản lý bản thân, cha mẹ cần liên tục giúp trẻ xây dựng hình ảnh cái tôi tích cực, cha mẹ không nên xen vào làm giúp trẻ mọi thứ mà nên để trẻ tích lũy kinh nghiệm từ những sai phạm do bản thân gây ra. Khi trẻ tự biết điều chỉnh hành vi của chúng một cách tiến bộ, cha mẹ nên khen thưởng động viên kịp thời:

– Hôm nay trước khi đi ngủ, mẹ thấy con đã sửa soạn sách vở theo thời khóa biểu cho vào cặp ngay ngắn, đã chuẩn bị sẵn đồ đồng phục, con giỏi quá!

– Kể từ sau lần con sắp xếp gian phòng gọn gàng, cho đến tận hôm nay mọi thứ vẫn duy trì như vậy, con của mẹ thật tuyệt vời!

– Gần đây con không còn bị thầy cô ghi sổ liên lạc rằng con quên mang đồ dùng học tập, con đã tiến bộ rất nhiều.

Giúp trẻ gạt bỏ cảm giác về cái tôi tiêu cực vốn có của chúng (tôi là người người kém cỏi hay quên, sống thiếu ngăn nắp), không ngừng giúp trẻ xây dựng hình ảnh cái tôi tích cực, tốt đẹp.

Đoàn Thanh tổng hợp

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook