Thứ Sáu, 01/07/2016 | 22:31

Cyanua là một trong ba chất độc có trong nước xả thải gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam. 50-200 mg chất này xâm nhập qua đường miệng có thể giết chết người.

Trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu và xác định trong nguồn nước thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS) có chứa các độc tố Phenol, Cyanua, Hydroxit Sắt vượt quá mức cho phép. Đây là những chất độc gây ra tình trạng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, Việt Nam.

Các hóa chất trong nước thải của Formosa độc hại ra sao? Cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam do nhiễm độc. Ảnh: Điền Quang.

Phenol

Theo Cơ quan Nghiên cứu hóa chất Australia (NPI), phenol là một chất hữu cơ khá rẻ tiền, thông dụng trong ngành công nghiệp như sản xuất nhựa dẻo, sản phẩm cao su, hóa dược, sơn…

Nó được sản xuất với khối lượng lớn, chủ yếu là chất trung gian trong việc sản xuất các hóa chất khác như caprolactam, sử dụng làm nylon, sợi tổng hợp, và bisphenol A, sử dụng làm epoxy và nhựa.

Phenol có thể gây độc cho cá, chim, động vật, giảm tuổi thọ, khả năng sinh sản. Khác với một số độc chất khác do công nghiệp thải ra như kim loại nặng, phenol không tích lũy được trong cơ thể người mà bị phân hủy tương đối nhanh. Có số liệu cho thấy công nhân các ngành công nghiệp tiếp xúc với phenol như sản xuất lốp xe và sản phẩm cao su có nhiều khả năng mắc bệnh bệnh tim mạch hơn bình thường.

Phenol gây độc hại tới cơ thể con người thông qua tiêu hóa, hấp thụ da. Triệu chứng nhiễm độc phenol là thở nhanh, nhiệt độ cơ thể giảm, tím tái, yếu cơ, mạch đập nhanh, hôn mê. Khi bị suy hô hấp có thể dẫn đến tử vong.

Theo Quy chuẩn Quốc gia Australia, hàm lượng phenol cho phép tối đa trong môi trường nước biển là 5 mg/lít nước.

Cyanua

Cũng giống như phenol, cyanua là hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp như sản xuất sắt, thép, công nghiệp hóa chất hay xử lý nước thải. cyanua và các hợp chất cyanua là một trong những thành phần của thuốc trừ sâu, nhựa, mạ điện và khai thác mỏ.

Theo Viện Quản lý Cyanua Quốc tế (ICMI), cá và các loài động vật dưới nước đặc biệt nhạy cảm với cyanua. Nồng độ các chất cyanua tự do trong môi trường nước khác nhau, 5-7,2 mg/mỗi lít nước, làm giảm hiệu suất bơi và ức chế sinh sản ở nhiều loài cá. Từ 20-76 mg/lít nước, chất này có thể khiến nhiều loài cá chết, nồng độ vượt quá 200 mg mỗi lít gây độc với tất cả các loài cá.

Con người có thể tiếp xúc với nồng độ thấp cyanua trong cuộc sống hàng ngày từ thực phẩm, thuốc… Ăn hoặc uống những thực phẩm chứa cyanua có thể gây ảnh hưởng sức khỏe. Với liều lượng lớn, cyanua có thể gây nhiễm độc.

Triệu chứng ban đầu thường là đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mạch yếu, thở nhanh, mặt đỏ, buồn nôn và nôn mửa. Nặng hơn có thể xảy ra co giật, giãn đồng tử, nhịp tim chậm, nhiệt độ cơ thể giảm xuống, hôm mê và tử vong.

PGS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết cyanua là chất cực độc, nguy hiểm và khó xử lý nhất. Thậm chí chỉ cần khoảng 50-200 mg cyanua xâm nhập qua đường miệng có thể đầu độc chết một người khỏe mạnh.

“Cyanua là độc chất cấp tính, đồng thời cũng là độc trường diễn. Tùy theo hàm lượng, chúng có thể gây phản ứng tức thời hoặc tích tụ bên trong cơ thể con người khi buộc phải tiếp xúc với chúng. Thực tế, người ta hay dùng hóa chất này để đầu độc bởi tác dụng thức thời”, PGS Thịnh cho hay.

Hydroxit sắt

Theo PGS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa học Đại học Tự nhiên Hà Nội, đây là hậu quả của quá trình xả sắt II ra nước biển. Chất này lấy oxy từ nước biến, oxy hóa thành sắt III, sau đó thủy phần thành huyền phù oxit sắt. Chúng có thể hấp thu được một số chất độc hại có trong nước thải, mang đi các nơi xa hơn, sau đó lắng xuống đáy biển gây ra các tác động độc hại thứ cấp.

Tuy nhiên, sắt không phải chất độc nên không ảnh hưởng đến việc tắm hay bất kỳ hoạt động trên biển nào của con người.

Theo các chuyên gia, ngoài 3 hóa chất này, trong quá trình sản xuất, nhà máy Formosa chắc chắn có thải ra các kim loại nặng khác. Do đó, cần minh bạch về hàm lượng, mức độ để có thể đánh giá thiệt hại và đưa ra các giải pháp khắc phục.

Phương Mai – Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook