PGS Tạ Mạnh Cường cho biết, ngày 9/8, lần đầu tiên các bác sĩ 2 BV lớn tập trung cấp cứu 1 sản phụ bị suy tim nặng, ngưng tuần hoàn và phải mổ bắt con chỉ trong vài chục giây.
Bệnh nhân là Nguyễn Thị Thiệp sinh năm 1991, quê ở Cao Bằng. Thiệp mang thai tuần thứ 32 và đã nhập viện đa khoa Lục Ngạn, Bắc Giang khi có dấu hiệu khó thở. Sau đó Thiệp được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang và các bác sĩ của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã chuyển thẳng bệnh nhân lên Viện tim mạch Quốc gia vào lúc 21h 30 phút tối ngày 8/8.
Bệnh nhân Thiệp có tiền sử bị tim bẩm sinh năm 2007, lúc đó bệnh nhân đã bị Bệnh viện Việt Đức trả về, không can thiệp được nữa. Bệnh nhân bị thông tim thất rộng đường kính 20 mm, đây là một lỗ thông tim thất rất rộng – PGS Tạ Mạnh Cường – Phó viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia cho biết.
Bệnh nhân sau đó về quê và lập gia đình có con bình thường nhưng không theo dõi và có sự tư vấn của các bác sĩ. Mẹ của bệnh nhân Thiệp cho biết Thiệp mong muốn có con để về già có người chăm sóc. Chồng của Thiệp cũng không biết vợ bị tim bẩm sinh nên không theo dõi vợ sát sao.
PGS Tạ Mạnh Cường – Phó viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia.Khi đến Viện Tim mạch, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng khó thở, viêm phổi nặng, không sốt. Bác sĩ theo dõi liên tục và đã tính đến phương án đình chỉ thai kỳ. PGS Cường cho biết nếu mổ bắt con thai nhi được gần 2 kg vẫn nuôi được. Tuy nhiên diễn biến của bệnh nhân quá xấu. Chỉ trong vòng vài giờ bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, ngưng tuần hoàn.
Ngay lúc đó, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định đưa ra phương án mổ cứu con đồng thời các bác sĩ cũng hi vọng có thể sau khi lấy thai sẽ giảm áp lực của thai vào phổi giúp tim của mẹ có thể đập lại được.
Chỉ trong vòng 20 phút các bác sĩ của khoa C5 viện Tim Mạch Quốc gia đã lên kế hoạch phẫu thuật mổ bắt con. Song song với việc hồi sức ngưng tuần hoàn của bệnh nhân, các bác sĩ của khoa sản Bệnh viện Bạch Mai và Hồi sức Sơ sinh của khoa Nhi cũng có mặt tại phòng cấp cứu của viện Tim mạch để bắt đầu cuộc mổ. Tất cả dụng cụ được chuẩn bị trong vài phút.
Ca mổ thực hiện ngay tại khoa cấp cứu, PGS Cường cho biết không kịp chuyển vào phòng mổ, ê kíp chia làm các nhóm ê kíp phẫu thuật mổ bắt con, 1 ê kíp bóp bóng và sốc tim, 1 ê kíp sẵn sàng hồi sức sơ sinh.
Chỉ trong vòng vài chục giây, các bác sĩ đã đưa được em bé ra ngoài tử cung của mẹ. Tuy nhiên em bé đã ngưng tuần hoàn. Các bác sĩ nhi lại tiếp tục sốc tim cho em bé đến khi tuần hoàn của em bé trở lại bình thường rồi đưa luôn em bé về khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Sau gần 1 tuần, sức khoẻ của em bé tiến triển tốt.
Ca mổ tính từng giây
PGS Cường cho biết với ca mổ của sản phụ Thiệp chỉ cần chậm 1-2 giây nữa là không cứu được em bé. Dù mục tiêu ban đầu là mổ bắt thai cứu con và hi vọng tim mẹ đập trở lại nhưng chị Thiệp đã không qua khỏi dù sau ca mổ các bác sĩ liên tục cấp cứu.
Ở những bệnh nhân bị suy tim giai đoạn muộn như bệnh nhân Thiệp thì ôxy trong máu rất thấp nên ôxy truyền cho con cũng ít. Khi bệnh nhân ngưng tuần hoàn thì máu tưới cho thai nhi cũng rất ít nên các bác sĩ phải tính toán từng giây, từng phút. Nếu chậm chạp, thai nhi thiếu ôxy sẽ ngưng tuần hoàn sâu, không cấp cứu được.
PGS Cường cho biết tại Viện Tim mạch có tư vấn cho nhiều bệnh nhân bị suy tim, mổ tim nên có thai hay không tuy nhiên do tâm lý muốn có con nhiều người vẫn sinh con nhưng họ được theo dõi từng tuần, từng ngày. Còn với bệnh nhân Thiệp do không được theo dõi tim mạch và nhập viện khi tình trạng đã quá muộn, mức độ thông tim thất quá lớn lên đến 2cm.
Đây là ca mổ cứu sản phụ trong từng giây đầu tiên được thực hiện tại Viện Tim mạch Quốc gia. Từ trước đến nay những ca mổ bắt con như thế này chỉ thực hiện ở sản phụ cấp cứu do tai nạn. Tuy nhiên, trường hợp ngưng tim do suy tim thì cơ hội phục hồi tim rất khó so với trường hợp bị ngưng tuần hoàn do tai nạn.
Theo P.Thúy/Báo Infonet
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.