Người hiến tặng chết não, khối tim phổi đã khẩn cấp được đưa bằng máy bay vượt hơn 1.000 km từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM ra Bệnh viện Trung ương Huế để kịp thời ghép cho một bệnh nhân suy tim phổi.
Nửa đêm 20/7, đoàn bác sĩ phẫu thuật từ Bệnh viện Trung ương Huế có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi nhận được tin có người chết não đồng ý hiến khối tim phổi. Một bệnh nhân tại Huế có nhóm máu phù hợp với nhưng vẫn chưa có kết quả xét nghiệm cụ thể để đối chứng với người cho tạng. Trước tình hình đó, các bác sĩ Huế đã mang theo mẫu máu bệnh nhân vào Chợ Rẫy, nhờ Trung tâm Truyền máu huyết học thực hiện xét nghiệm khẩn cấp.
Trong thời gian chờ đợi đến 7h sáng để có kết quả xét nghiệm, các bác sĩ hai miền tính toán phương án lấy và di chuyển tạng. Trên nguyên tắc, thận sau khi lấy ra khỏi cơ thể có thể bảo quản 24 giờ nhưng tim chỉ “sống” trong vòng 3 giờ, phổi 4 tiếng. Khối tim phổi muốn vượt hơn 1.000 km về Huế kịp thời phải được tính toán kỹ lưỡng từng giây phút. Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên hệ với ngành hàng không để được sắp xếp đặc cách các thủ tục, giúp đỡ một cách nhanh nhất để bảo quản cũng như di chuyển thuận lợi.
“Ai cũng hồi hộp chờ kết quả vì nếu kết quả xét nghiệm không hòa hợp thì coi như là khối tim phổi không sử dụng được. May mắn 6h30 đoàn điều chuyển khối tim phổi đi về Huế thì 7h có kết quả xét nghiệm âm tính, có thể đảm bảo điều kiện nhận”, tiến sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối Ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy nhớ lại.
Ghép thận tại TP HCM. Ảnh minh họa: TP |
Phó giáo sư Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong khi khối tim phổi được chuyển ra Huế thì mô tạng của người hiến tặng này đã được ghép thành công cho một bệnh nhân ung thư gan và 2 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối. Giác mạc của người hiến tặng này cũng được ngân hàng mắt của đơn vị quản lý chuyên phục vụ bệnh nhân nghèo nhận để ghép cho 2 người, theo kế hoạch sẽ ghép vào ngày 22/7.
Người hiến tạng là bệnh nhân bị tai nạn lao động, chấn thương sọ não đã được phẫu thuật ở tuyến trước nhưng tình hình chuyển biến nặng nên chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù được hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân chết não, không thể phục hồi về trí não. Được sự vận động của các y bác sĩ, người nhà đã đồng ý tiến hành các thủ tục pháp lý để hiến tạng bệnh nhân cứu 6 người khác. Tại Việt Nam, kỹ thuật ghép tim được thực hiện nổi tiếng tại Bệnh viện Trung ương Huế với nhóm giáo sư Bùi Đức Phú nên Bệnh viện Chợ Rẫy đã chọn liên lạc với Huế để chuyển khối tim phổi cứu người.
Tiến sĩ Thu cho biết danh sách chờ được ghép tạng của bệnh viện được lưu trữ các thông tin cơ bản về nhóm máu, HgA, tình hình nhiễm trùng kháng thể… Khi người hiến có kết quả xét nghiệm đảm bảo đủ điều kiện hiến thì sẽ chọn lựa trong danh sách người chờ nhận một cách công khai, minh bạch để có được kết quả tốt nhất. Đối với trường hợp này, người hiến tạng nhóm máu AB, chỉ có thể hiến tặng cho người cùng nhóm máu AB nên số người nhận được sẽ hạn chế hơn.
Theo tiến sĩ Thu, ca hiến tạng lần này gặp nhiều “may mắn thần kỳ”. Ví dụ, trong danh sách chờ ghép thận chỉ có 2 người có nhóm máu AB, danh sách chờ ghép gan chỉ có một người có nhóm máu AB, nhóm tim phổi cũng chỉ có một người đang chờ, nên không phải xét chọn gì nữa. Tất cả xét nghiệm giữa người cho và người nhận đều hòa hợp nên quá trình ghép diễn ra thuận lợi.
Đây là lần đầu tiên trường hợp hiến đa tạng và mô được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bệnh viện vận động chi phí hỗ trợ phẫu thuật lấy mô tạng ở người hiến, chi phí an táng. Người cho và người nhận được giữ kín thông tin để không biết nhau, theo nguyên tắc.
Lê Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.