Thứ Sáu, 27/04/2018 | 14:47

Bộ Y tế dự kiến bỏ gần 70% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm… đồng thời tăng xử lý vi phạm.

Ngày 26/4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực y tế. Nghị định nhằm cắt bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, việc cắt giảm này dựa trên nguyên tắc các điều kiện không cần thiết, không ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn hoặc đã quy định ở điều luật khác. Dự thảo cũng bỏ các điều kiện định tính, cảm quan, không có tính đo lường cụ thể, gây khó hiểu sinh ra nhiễu nhương doanh nghiệp như “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải có đủ sức khỏe”, “phải có trình độ”… Các ngành chức năng sẽ chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…

Hiện có 6 luật, 13 nghị định, 7 thông tư đang điều chỉnh các môi trường kinh doanh. Bộ Y tế dự kiến cắt 1.151 trong số 1.680 điều kiện đầu tư kinh doanh (gần 70%) và 168 trong số 338 thủ tục hành chính. Đối với nhóm điều kiện kinh doanh đề nghị bãi bỏ đang được quy định tại Luật hay Pháp lệnh, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội đẩy nhanh tiến độ xem xét sửa đổi các văn bản này.

Dự thảo nghị định đề cập 9 lĩnh vực có quy định điều kiện kinh doanh gồm khám chữa bệnh, dược phẩm, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế, y dược cổ truyền, y tế dự phòng, xét nghiệm HIV. Ngoài ra còn có điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ, xác định lại giới tính…

Dự thảo đang được lấy ý kiến, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, diện tác động của nghị định này rất lớn, bao gồm tất cả lĩnh vực trong y tế.  

Việt Nam chưa có tiền lệ một nghị định sửa 13 nghị định như lần này. Dù vậy, bỏ điều kiện không cần thiết nhưng xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng không nghĩa là bỏ qua chất lượng dịch vụ”, thứ trưởng Long khẳng định.

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook