Thứ Năm, 22/09/2016 | 00:02

Phát biểu tại cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy ngày 21/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu phải khẩn trương đổi mới hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.

Bí thư Hà Nội: Đổi mới hoạt động cấp cứu, cứu thương là cấp bách

Ảnh minh họa.

Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải chỉ đạo Sở Y tế xây dựng ngay Quy chế hoạt động Trung tâm cấp cứu 115 Thành phố theo hướng điều hành được tất cả các bệnh viện trên địa bàn, gồm cả các bệnh viện tư nhân, các bệnh viện của Trung ương. Khi quy chế này đi vào vận hành sẽ khắc phục được đáng kể vấn đề chậm trễ cấp cứu bệnh nhân do tắc đường; để khi bệnh nhân có yêu cầu, có thể điều xe cấp cứu ở nơi gần nhất.

Nhấn mạnh đổi mới hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 phải đặt mục tiêu an toàn người bệnh lên trên hết, Bí thư Thành uỷ chỉ đạo Sở Y tế tập trung nâng cao chất lượng tổng đài 115, chất lượng con người… Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo UBND TP Hà Nội làm việc với các bộ, ký cam kết với các bệnh viện để thực hiện quy chế nêu trên.

Lâu nay, hoạt động cấp cứu, cứu thương của Hà Nội tồn tại nhiều vấn đề. Hồi đầu tháng 7/2016, tại Bệnh viện Nhi T.Ư đóng trên địa bàn Hà Nội xảy ra vụ bảo vệ ngăn cản xe cứu thương chở bệnh nhân nhi xin về khiến bệnh nhi tử vong.

Liên quan đến thông tin này, theo tìm hiểu của Tiền Phong, có những luật ngầm trong giới chạy xe cứu thương ở nhiều bệnh viện và có nhiều trường hợp tương tự xảy ra tại các bệnh viện. Theo “luật ngầm” này, những xe cứu thương ở ngoài sẽ không có cơ hội đón bệnh nhân từ trong viện ra, thay vào đó phải sử dụng dịch vụ xe cứu thương của bệnh viện hoặc đơn vị liên kết với bệnh viện. Chính điều này tạo ra những vụ việc thương tâm như ở bệnh viện Nhi.

Thông tin từ Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, tài xế xe cấp cứu nhiều lần bị “hỏi thăm”, dọa dẫm khi đưa bệnh nhân ra viện. Trong đó, Bệnh viện 103 có 2-3 trường hợp bị chặn xe, ném đá không cho xuất viện.

Theo lãnh đạo Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội, để vụ việc xảy ra là do hoạt động quản lý xe cứu thương hiện nay còn hạn chế. Nhiều “xe dù” không đáp ứng được điều kiện về phương tiện sơ cứu thiết yếu, không có cán bộ y bác sĩ đủ trình độ… vẫn thường xuyên hoạt động tại địa bàn Thủ đô.

Những xe này móc ngoặc với các “cò xe” tại các bệnh viện để đón trả bệnh nhân. Bệnh nhân nếu gặp phải những xe này sẽ bị “thiệt đơn, thiệt kép” do chịu mức phí cao, nếu có phát sinh vấn đề trên đường thì rất khó xử lý. “Cần áp dụng những chế tài xử phạt mạnh, quyết liệt với xe “dù”, như vậy vấn nạn móc ngoặc, chặn xe mới có thể giải quyết tận gốc rễ được”, lãnh đạo 115 Hà Nội cho hay.

Sau vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng, nên xóa bỏ độc quyền, luật ngầm vận chuyển bệnh nhân trong các bệnh viện để tạo thuận lợi cho người nhà bệnh nhân.

Theo Tiền Phong

Nguồn: Đại đoàn kết

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook