Thứ Tư, 23/09/2015 | 05:03

Cùng với hàng ngàn tỷ đồng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA, những năm qua, Bộ Y tế, địa phương và nhiều bệnh viện đã huy động thêm các nguồn vốn khác để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, thực tế cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống y tế vẫn rất lớn… Đây là những vấn đề được đặt ra tại hội nghị đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám chữa bệnh theo Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ, do Bộ Y tế tổ chức ngày 16-9 tại Hà Nội.

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ (TPCP) và vốn vay ODA cho y tế lên tới 354.207 tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư phát triển này, đến nay có nhiều bệnh viện từ trung ương tới tuyến huyện được xây mới, mở rộng, cải tạo khang trang hơn và lắp đặt nhiều thiết bị y tế hiện đại phục vụ người bệnh. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đến nay đã có 610/760 bệnh viện từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn TPCP và từng bước hoàn thành đưa vào sử dụng để phục vụ bệnh nhân. Đối với tuyến trung ương, rất nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh.

Nhu cầu đầu tư thiết bị y tế hiện đại tại các bệnh viện công rất cao

Ngoài nguồn vốn đầu tư của nhà nước, nhiều bệnh viện cũng chủ động thực hiện các cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đến nay đã có 9 đơn vị bệnh viện: Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Nội tiết, Chợ Rẫy… vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với số tiền khoảng 1.450 tỷ đồng. Cùng với đó, đã có 31 Sở Y tế và 16 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế triển khai nhiều đề án liên doanh liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế tại bệnh viện công với số vốn hơn 2.796 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tỉnh đã triển khai và hoàn thành việc đầu tư theo hình thức đối tác công – tư như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.

Đối với đầu tư của khu vực y tế tư nhân, cả nước hiện có 35.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và 171 bệnh viện tư nhân hoạt động với khoảng 10.960 giường bệnh, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% tổng số dịch vụ nội trú cho người dân nhưng trong đó chỉ có 37 bệnh viện tư có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên. Hơn nữa, đầu tư trong lĩnh vực này còn khó khăn về nhân lực chất lượng cao, về thương hiệu và thanh toán BHYT nên nhiều bệnh viện tư nhà cửa khang trang, có trang thiết bị tốt nhưng công suất chưa cao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, bằng các nguồn vốn đầu tư thời gian qua, bộ mặt ngành y tế, nhất là trong lĩnh vực khám chữa bệnh đã có sự phát triển và thay đổi đáng kể. Số giường bệnh trên 1 vạn dân đã đạt 24 giường. Tuy nhiên thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng của ngành y tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Tỷ lệ giường bệnh mới đạt 24 giường bệnh/1 vạn dân mà theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế chỉ tiêu này cần đạt là 39/1 vạn dân. Hầu hết các bệnh viện đều có công suất sử dụng giường bệnh cao, người bệnh phải nằm ghép tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội và TPHCM. Đáng chú ý, cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế.

Tìm vốn cho bệnh viện

Bộ Y tế cũng khẳng định, nhu cầu đầu tư cho hệ thống y tế giai đoạn 2016 – 2020 còn rất lớn. Chỉ riêng với tuyến cơ sở, nhu cầu đầu tư cho y tế xã là khoảng 17.688 tỷ đồng nhằm xây dựng mới xây 1.192 trạm y tế xã và sửa chữa nâng cấp nhiều trạm khác. Đối với tuyến huyện cũng cần tới 9.130 tỷ đồng để tập trung đầu tư cho các huyện chưa có bệnh viện/trung tâm y tế huyện. Ngoài ra, nhu cầu đầu tư đối với tuyến tỉnh và trung ương cũng rất lớn, với hàng chục bệnh viện cần mở rộng nâng cấp, xây mới, lắp đặt trang thiết bị (ước tính cần khoảng 22 – 23 bệnh viện có quy mô 1.000 giường, 44 – 46 bệnh viện 500 giường).

Mặc dù nhu cầu đầu tư cho hệ thống y tế trong giai đoạn 2016 – 2020 là rất lớn nhưng nguồn vốn lại rất khiêm tốn. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế cho biết, tổng mức vốn 5 năm tới cho y tế của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 bằng khoảng 6,7 lần năm 2015. Tuy nhiên vốn TPCP giai đoạn 2017 – 2020 sẽ thấp hơn nhiều giai đoạn 2011 – 2015 nên chủ yếu tập trung cho các bệnh viện tuyến trung ương, đa khoa tỉnh chưa được đầu tư bằng TPCP giai đoạn 2011 – 2015, nhưng cũng chủ yếu để xây lắp, chưa có trang thiết bị chuyên môn. Trước thực trạng trên, để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, thúc đẩy hợp tác phát triển của cơ sở khám chữa bệnh, nhằm mục tiêu năm 2020 đạt 26 giường bệnh/1 vạn dân, Bộ Y tế sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp, cơ chế để huy động tăng thêm các nguồn vốn cho phát triển y tế. “Trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách hạn chế, nợ công tăng cao, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế sẽ mang lại những hiệu quả khả quan…” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ.

Theo đó, để có vốn đầu tư, thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người dân, các bệnh viện được phép liên doanh, liên kết dưới hình thức góp vốn (bằng tiền, cơ sở vật chất năng lực, chất lượng, uy tín của đơn vị) với các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở khám chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hoặc vay vốn của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, trả lãi suất cố định, mức lãi suất tối đa bằng 1,5 lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Đồng thời cho phép cơ sở khám chữa bệnh công cử công chức, viên chức làm việc tại các bệnh viện tư theo nguyên tắc công khai, dân chủ, tự nguyện. Đáng chú ý, cùng với việc các bệnh viện vay vốn ngân hàng, liên doanh liên kết với doanh nghiệp, Bộ Y tế cũng đề nghị được vay Quỹ BHXH khoảng 2.000 – 3.000 tỷ đồng, được cấp bù lãi suất hoặc không phải trả lãi, thời gian trả từ 10 – 20 năm để xây dựng một số bệnh viện trung ương. Đối với việc phát triển y tế tư nhân, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương tháo gỡ những khó khăn về đất đai, nguồn vốn, nhân lực. Đồng thời xây dựng cơ chế kết hợp công tư (PPP) trong đầu tư xây dựng bệnh viện mới theo hướng nhà đầu tư (kể cả các ngân hàng, các tổ chức tín dụng) bỏ vốn xây dựng bệnh viện mới, cho các bệnh viện công thuê để hoạt động, bệnh viện công được thu theo giá dịch vụ tính đủ chi phí, cả khấu hao để có nguồn chi trả cho các nhà đầu tư.

QUỐC KHÁNH

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook