Thứ Ba, 15/05/2018 | 08:27

Loãng xương là một bệnh gặp ở người tuổi trung niên, đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh và người cao tuổi (NCT). Có nhiều loại thuốc dùng trong điều trị loãng xương ở NCT nhưng phải điều trị đúng mới đem lại hiệu quả.

Loãng xương(osteoporosis) hay còn gọi là thưa xương là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích, giảm mật độ xương, tức là tỉ trọng chất khoáng trong xương bị giảm (BMD: bone meterial density).  Đến giai đoạn này các kết cấu xương giảm độ đặc, độ dày và tăng phần xốp, thưa hơn, khi kiểm tra trên máy đo, sẽ thấy mật độ xương giảm rõ rệt.

Bệnh loãng xương điều trị đúng mới có hiệu quảQuá trình loãng xương xảy ra một cách từ từ có diễn biến âm thầm

Nguyên nhân

Nguyên nhân của loãng xương ở NCT chủ yếu do tuổi tác. NCT do ít hoạt động ngoài trời, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D, đồng thời bị lão hóa chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận, suy giảm miễn dịch và tạo xương suy yếu dẫn đến xương bị thoái hóa. Bệnh loãng xương ở NCT cũng có thể do mắc một số bệnh như: suy thận, tuyến thượng thận, cường giáp trạng, bệnh yếu liệt chi, chấn thương, hoặc do lạm dụng thuốc corticoid trong một thời gian dài, hoặc bệnh mạn tính phải nằm dài ngày… Đặc biệt, phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh chiếm tỉ lệ loãng xương tương đương với loãng xương do tuổi già. Bởi vì, sau tuổi mãn kinh hoạt động của buồng trứng ngưng lại gây thiếu hụt nội tiết tố estrogen, làm cho các tế bào hủy xương gia tăng hoạt tính, trong khi chức năng điều hòa và hấp thụ can xi bị suy giảm. Khi hoóc-môn sinh dục nữ giảm làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển canxi từ xương vào máu, vì vậy, tỉ lệ loãng xương ở phụ nữ thường cao hơn nam giới. Bên cạnh đó có thể NCT, trong đó có phụ nữ do canxi trong thức ăn không đủ để duy trì nồng độ canxi cần thiết trong máu, khi đó hoóc-môn cận giáp trạng tiết ra để điều canxi trong xương chuyển ra bổ sung cho máu nhằm duy trì sự ổn định nồng độ canxi trong máu, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho kết cấu xương bị thưa gây loãng xương. Ngoài ra, suy giảm miễn dịch cũng góp phần gây chứng loãng xương.

Biểu hiện của bệnh

Quá trình loãng xương xảy ra một cách từ từ có diễn biến âm thầm, kéo dài trong nhiều năm, sau 30 tuổi đã bắt đầu xuất hiện quá trình mất chất xương, mất khá nhiều (trên 50%). Vì vậy, thời gian đầu chưa có biểu hiện gì rõ rệt, có thể có đau, nhức xương, mỏi không cố định, hay gặp ở cột sống lưng, dọc các chi, các đầu xương thể hiện rõ nhất vào ban đêm. Càng về sau, hiện tượng loãng xương không được chữa trị, khối lượng khoáng chất bị mất ngày càng nhiều, các triệu chứng đau, nhức xương, khớp sẽ rõ ràng dần lên, tập trung nhiều hơn ở các vùng xương chịu lực của cơ thể như hông, thắt lưng, khớp gối không chỉ xảy ra ban đêm mà gần như cả ban ngày làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.

Biến chứng

Loãng xương làm ảnh hưởng ngày càng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh, đặc biệt gây thoái hóa xương khớp ở NCT. Triệu chứng đau nhức xương, khớp, đặc biệt một số NCT bị còng lưng làm cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc và thậm chí gây nứt xương, gãy xương, nguy hiểm nhất là gãy cổ xương đùi, dễ dàng biến người bệnh trở thành tàn phế.

Bệnh loãng xương điều trị đúng mới có hiệu quả

Điều trị phải đúng

Nguyên tắc điều trị loãng xương ở người NCT bằng thuốc tây y, chủ yếu được điều trị các loại thuốc chống hủy xương và thuốc tái tạo xương nhằm kìm hãm quá trình xương phân hủy, thúc đẩy quá trình tái tạo xương, hấp thụ canxi tốt hơn như nên dùng thuốc chống hủy xương, tăng khối lượng và tăng độ cứng cáp của xương, giảm thiểu nguy cơ gãy xương bằng Bisphosphonates, gồm nhiều loại (Etidronate, Clodronate, Risedronate, Alendronate, Tiludronate,Pyrophosphate…). Hoặc dùng thuốc tái tạo xương như calcium vitamin D3 và MK7 (MK7: menaquinone-7, chính là vitamin K2) giúp hoạt hóa protein tạo xương osteocalcin. MK7 không chỉ cùng vitamin D3 vận chuyển vào tận xương mà còn kéo giúp canxi từ những chỗ thừa để đưa tới khung xương, tránh được nguy cơ sỏi thận, táo bón, các bệnh xơ vữa động mạch, vôi hóa mô mềm. Không những vậy, MK7 còn có khả năng tăng lượng collagen trong xương, giúp xương dẻo dai, làm chậm quá trình mất xương do sinh lý, tăng cường tuổi thọ ở NCT, nhằm cung cấp dưỡng chất cho quá trình tái tạo xương mới, kích thích tế bào xương hoạt động hiệu quả hơn. Vai trò của vitamin D còn giúp quá trình hấp thu canxi được tốt hơn, bởi vì, nguyên tắc bổ sung canxi cần có dẫn chất vitamin D3 giúp hấp thụ canxi từ ruột vào máu. Tuy vậy, dùng loại thuốc nào cho phù hợp với từng bệnh nhân là do bác sĩ khám bệnh cho mình chỉ định, điều trị. Người bệnh tuyệt đối không tự mua thuốc để tự điều trị cho mình hoặc người nhà khi không có chuyên môn về y học.

 

Lời khuyên của thầy thuốc
Khi nghi ngờ bị loãng xương, NCT nên đi khám bệnh, tốt nhất là khám chuyên khoa xương khớp hoặc lão khoa hoặc khám nội tổng hợp. Ngoài điều trị theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh cho mình, NCT cần tăng cường vận động, tập thể dục hàng ngày bằng những bài tập hợp lý với NCT như bài tập thể dục buổi sáng, yoga, aerobics, tốt nhất, phù hợp nhất là đi bộ. Đi bộ mỗi ngày khoảng 60 phút chia làm 2 – 3 lần là vừa phải, không nên đi bộ một lúc 60 phút. Đi bộ là cách tăng độ dẻo dai xương khớp và hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số NCT mắc một số bệnh như gai cột sống, lồi đĩa đệm cột sống, gai khớp gối… nên nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
NCT nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tốt nhất là dùng các loại thực phẩm giàu canxi (tôm, cá …), tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

 

TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG


Nguồn: SKĐS

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook