Thứ Năm, 26/11/2015 | 16:12

Bé một tuổi mắt trái đỏ có đốm vàng trong con ngươi, bác sĩ Bệnh viện mắt Trung ương chẩn đoán viêm giác mạc, đến ngày thứ 5 xác định viêm nội nhãn thì đã muộn.

Bố mẹ bé cho biết con trai khóc nhiều, dụi mắt liên tục, mắt trái đỏ, có đốm vàng trong con ngươi nên đưa đến Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) khám ngày 12/10. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm giác mạc và kê đơn thuốc nhỏ mắt, hẹn tái khám sau 5 ngày. Về nhà nhỏ thuốc theo đúng hướng dẫn nhưng mắt của bé không đỡ, đến ngày thứ 4 mắt sưng. Đến Bệnh viện mắt Trung ương khám lại, bé được xác định bị viêm nội nhãn, một bệnh lý rất nguy hiểm, trong mắt toàn mủ. Trải qua 3 lần phẫu thuật, bố mẹ bé bàng hoàng khi bác sĩ thông báo mắt trái của con đã hỏng hoàn toàn, không thể giữ được.

“Tôi thực sự không hiểu chuyện gì xảy ra bởi đã cho con đi khám sớm nhưng vẫn không cứu được mất của con”, ông bố bức xúc. Gia đình cho rằng có thể ban đầu bác sĩ đã khám qua loa tình trạng mắt của cháu nên không phát hiện được bệnh. 

Bé trai hỏng một mắt do viêm nội nhãn

Mắt trái của trẻ sưng to do bị viêm nội nhãn. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Bác sĩ Minh Anh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Mắt Trung ương, Hà Nội khẳng định, viêm giác mạc và viêm nội nhãn là hai bệnh khác nhau, một là tổn thương ở bên ngoài còn trường hợp kia tổn thương đi từ trong mắt ra ngoài. Vì thế bác sĩ không thể chẩn đoán sai trong trường hợp bệnh nhi này. 

Theo giải trình của bác sĩ thăm khám ban đầu cho bé, thời điểm này không thấy tổn thương ở nội nhãn mắt của bệnh nhi mà chỉ phát hiện tổn thương ở giác mạc. Theo bác sĩ Minh Anh, trong trường hợp cháu bé có thể 2 bệnh cùng diễn ra nhưng ở 2 thời điểm khác nhau và bệnh viêm nội nhãn đến sau. Những biểu hiện bệnh theo gia đình mô tả là triệu chứng bên ngoài giác mạc, vì thế người nhà mới có thể thấy được. Trường hợp viêm nội nhãn thì phải bác sĩ chuyên khoa mắt mới phát hiện được.

Viêm nội nhãn nội sinh là tình trạng viêm bên trong nhãn cầu gây hoại tử các tổ chức này dẫn đến hình thành mủ trong nội nhãn. Đây là bệnh lý hết sức nặng nề và nguy kịch, được xem là “thảm họa” trong chuyên ngành nhãn khoa. Bệnh có thể gây mất thị lực trầm trọng cho 20% bệnh nhân, khoảng 55% bệnh nhân có thị lực 1/10 hoặc kém hơn với điều kiện điều trị kịp thời, toàn diện.

Triệu chứng của bệnh gồm đau nhức mắt, đỏ mắt, nhìn mờ tùy mức độ và theo giai đoạn của bệnh, phù mi, mắt kích thích nhiều, phù giác mạc, có tổ chức viêm nhiễm trong nhãn cầu, thể thủy tinh có thể đục hóa hoặc hóa mủ. Trường hợp này bác sĩ thường không soi được đáy mắt do mủ trong dịch kính che lấp.

Nam Phương

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook