Cô giáo yêu cầu kể về một người lao động trí thức, bé Tí tự hào chia sẻ về người bố là bác sĩ gây mê “làm cho mọi người không đau đớn khi mổ xẻ”.
Bài văn được cậu bé Nguyễn Hoài Bắc, tên ở nhà là Tí thể hiện khi đang học lớp 3 tại quận 2, TP HCM. Hiện cậu bé đã vào lớp 6. Bài viết được bố là bác sĩ gây mê Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Đại học Y dược vừa chia sẻ trên trang cá nhân trong Ngày gây mê thế giới vừa qua.
Trong bài văn, bé Tí chia sẻ công việc của bố là phải “tiêm đúng liều, đúng mức độ” để “làm cho mọi người không đau đớn khi mổ xẻ”. Mặc dù rất “quý nghề này”, “muốn trở thành một nhà trí thức lao động đầu óc” nhưng ở nhà, cậu bé đắn đo trước ước muốn trở thành bác sĩ vì “thấy bố làm việc vất vả quá”.
Bé Tí tự hào về công việc của bố là bác sĩ gây mê. Ảnh: FB Nguyen Tuan Anh. |
“Tình cờ tôi đọc báo nước ngoài thấy nhắc đến ngày gây mê thế giới, họ chia sẻ về bài viết của cậu bé 8 tuổi bên Trung Quốc nói về người bố bác sĩ nên chợt nhớ đến bài văn của con mình”, vị bác sĩ gây mê hơn 20 năm kinh nghiệm chia sẻ.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết lúc đọc được bài viết của con, anh khá bất ngờ vì các cháu thường biết đến hình tượng bác sĩ là phải cầm dao mổ hay ống nghe chứ ít khi biết bác sĩ gây mê là gì. Anh hạnh phúc vì con trai hiểu được nghề của bố.
Khá nhiều bạn bè của bác sĩ Tuấn Anh chia sẻ hạnh phúc khi có con hiểu được công việc của bố mẹ. Ảnh chụp màn hình Facebook. |
Ngày 16/10/1846 tại giảng đường Bệnh Viện Massachuset, thành phố Boston, Mỹ, bác sĩ Thomas Morton đã trình diễn trước công chúng ca gây mê bằng ether để phẫu thuật cho một bệnh nhân có u vùng cổ. Đây được coi là một sự kiện trọng đại trong lịch sử y khoa vì đã tạo ra cuộc cách mạng trong phẫu thuật không đau, đánh dấu sự ra đời của chuyên ngành gây mê trong lịch sử y học hiện đại. Về sau ngày 16/10 được chọn là Ngày gây mê thế giới. |
Lê Phương
Nguồn: vnexpress
Chưa có bình luận.