Thuốc ARV bị các nguồn tài trợ quốc tế cắt cấp phát miễn phí nên sẽ được thanh toán qua quỹ bảo hiểm y tế.
Thuốc kháng virus ARV ức chế sự nhân lên của HIV, do đó kìm hãm sự phát triển của virus trong cơ thể người bệnh, giảm nguy cơ chuyển sang AIDS dẫn đến tử vong. Theo ước tính của các chuyên gia, với việc mở rộng điều trị ARV, gần 150.000 người Việt Nam đã tránh được tử vong do AIDS trong giai đoạn 2001-2015. Ngoài ra, nó còn giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác.
Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người nhiễm HIV còn sống. Khoảng 40% trong số đó đang được điều trị HIV bằng thuốc ARV. Trong bối cảnh các nguồn tài trợ quốc tế cắt giảm mạnh, các thuốc này sẽ không còn được phát miễn phí.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã định hướng chi trả thuốc ARV thông qua quỹ bảo hiểm y tế thay thế cho nguồn viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế còn khá thấp. Số người có thẻ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế còn thấp hơn.
Hiện chưa có thống kê chính xác tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ. Một số khảo sát quy mô nhỏ gần đây cho thấy tỷ lệ này chỉ dao động từ 30% đến 50% tùy từng địa phương. Do nhiều lý do nên đây có thể chưa phải số liệu thực. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang tiến hành thống kê số người đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế.
Theo tiến sĩ Cảnh, có nhiều lý do khiến người nhiễm HIV chưa mua thẻ bảo hiểm y tế. Thứ nhất, nhiều người chưa hiểu hết được lợi ích thực tiễn của thẻ. Trên thực tế, không ai mong muốn mình có bệnh nhưng cũng không thể biết khi nào sẽ mắc bệnh. Tiền điều trị và viện phí cho một số bệnh có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Nếu có thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh có thể tiết kiệm được phần lớn chi phí này thay vì phải tự chi trả.
Ngoài các quyền lợi chung với người có thẻ, người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ chi trả tiền thuốc ARV, xét nghiệm HIV với phụ nữ mang thai và khi sinh con theo yêu cầu chuyên môn, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, điều trị nội trú…
Thứ hai, một số ý kiến cho rằng thuốc ARV vẫn đang cấp miễn phí nên không cần tham gia bảo hiểm y tế và sợ bị kỳ thị phân biệt đối xử. Thực tế, khi khám chữa bệnh, chỉ có người nhiễm HIV và bác sĩ mới biết được tình trạng nhiễm; bác sĩ phải tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin cá nhân của người bệnh. Thứ ba, có người cho rằng thuốc ARV bảo hiểm y tế cấp không tốt bằng thuốc được viện trợ. Điều này hoàn toàn sai. Bộ Y tế khẳng định dù thông qua chương trình viện trợ nước ngoài hay thông qua bảo hiểm y tế, chỉ có một nguồn thuốc ARV duy nhất do Bộ Y tế mua và điều phối, tiến sĩ Cảnh cho biết.
Bảo hiểm y tế là nguồn đảm bảo cho người nhiễm yên tâm điều trị HIV bằng thuốc ARV liên tục suốt đời, hỗ trợ họ tiết kiệm chi phí khi sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh liên quan, không bị rơi vào cảnh nghèo khó. Nhà nước đã có chính sách miễn phí hoặc hỗ trợ mua thẻ với nhiều nhóm đối tượng: người nghèo, cận nghèo, người sống ở vùng núi, dân tộc…
Các chuyên gia kỳ vọng, độ bao phủ của bảo hiểm y tế trong nhóm người nhiễm HIV sẽ tăng nhanh, giúp người nhiễm cùng gia đình yên tâm duy trì điều trị ARV lâu dài, góp phần xoá bỏ dịch HIV/AIDS. Mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 không còn xa vời nếu việc điều trị ARV được đảm bảo liên tục và bền vững trong cộng đồng người nhiễm.
Hà Phương
Nguồn: VnExpress
Chưa có bình luận.