Thứ Bảy, 19/09/2015 | 03:40

Trong một nghiên cứu mới đây, Việt Nam trở thành nước đứng nhất Đông Nam Á và thứ 3 Châu Á về việc tiêu thụ bia rượu.

Người sử dụng rượu bia đang dần được trẻ hóa với 1/3 số người bắt đầu uống trước tuổi 20; tỉ lệ có uống rượu trong độ tuổi 14 – 17 là 34% và trong độ tuổi 18 – 21 là 57%. Đi kèm với “thành tích” này là những gánh nặng bệnh tật và hệ lụy xã hội đáng lo ngại. Vấn đề trên được nêu ra trong hội thảo “Thực trạng sử dụng rượu, bia trong thanh niên” diễn ra ngày 18.9 tại TPHCM.

Người sử dụng bia rượu tham gia giao thông là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông

ThS Mai Mỹ Hạnh, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, không dừng lại ở thói quen giao tiếp, giới trẻ đang có xu hướng lạm dụng và phụ thuộc quá nhiều vào rượu bia.

Nghiên cứu được thực hiện trên 670 sinh viên đến từ các nhiều trường Đại học – cao đẳng trên cả nước. Kết quả khảo sát cho thấy có hơn 50% số người khảo sát tập trung ở hai mức độ đầu tiên là “sử dụng rượu bia một cách bình thường” (37,9%) và “có xu hướng lạm dụng rượu bia” (21,3%). 20.2% “nghiện nhẹ”, 16.0% “nghiện vừa” và 4.6% rơi vào mức độ “nghiện nặng”.

Theo ThS Mai Mỹ Hạnh, bắt đầu ở mức độ “có xu hướng lạm dụng rượu bia” đến mức độ nghiện nặng , người sử dụng đã bắt đầu có sự lệ thuộc vào rượu bia, có sự gia tăng liều lượng sử dụng rượu bia và có những “cưỡng bức” về mặt tâm lý. 5% bạn trẻ ở mức độ nghiện nặng là con số đang lo ngại. Vì ở mức độ này, người nghiện sẽ có những biểu hiện hành vi lệch chuẩn và tìm mọi cách để thỏa mãn việc uống rượu bia, thậm chí là sẵn sàng dùng bạo lực khi đã sử dụng rượu bia.

Còn theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển – Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, nghiện rượu có thể làm tăng các chứng rối loạn tâm thần như: rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu (25-50%), trầm cảm (30-40%) nhân cách phi xã hội, tự sát có sự tác động bởi rượu chiếm 25%. Đặc biệt, nghiện rượu làm tăng 6 lần nguy cơ nghiện ma túy. Bác sĩ Hiển cho biết, hầu hết các trường hợp sử dụng ma túy đều là người nghiện rượu.

Trung úy Đỗ Quang Hưng – Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt, Công an TPHCM cho biết, 9 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông (TNGT) có nguyên nhân trực tiếp do người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Hậu quả là 42 người chết và 10 người bị thương. Trung bình những năm qua, số người chết vì TNGT là 12.000 người/năm, trong đó có 4.000 người chết do có liên quan đến rượu bia.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, uống rượu bia đã trở thành một trong những phong tục, thói quen giao tiếp của người Việt. Do đó, không nên hướng đến mục đích để loại bỏ hẳn việc sử dụng rượu bia. Thay vào đó, nên truyền thông để giới trẻ hiểu được những tác hại của rượu bia và sử dụng một cách chừng mực.

Bạch Dương

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook