Thứ Ba, 31/07/2018 | 13:49

Triệu chứng của băng huyết sau sinh, cách phòng ngừa băng huyết sau sinh bà bầu cần nắm rõ.

Băng huyết sau sinh được xác định khi lượng máu chảy từ đường sinh dục của sản phụ >500 ml sau đẻ. Sản phụ cần được cấp cứu y tế ngay lập tức nếu có bất cứ dấu hiệu chảy máu thấm nhiều hơn một miếng băng vệ sinh trong một giờ, chảy máu đỏ tươi sau khi sinh từ bốn ngày trở lên, các cục máu đông lớn hơn một quả bóng golf. Băng huyết sau sinh xảy ra từ 5-10% các trường hợp sinh và có thể xảy ra trong 24 giờ sau sinh do đờ tử cung, sót nhau (rau), tổn thương đường sinh dục dưới, vỡ tử cung, lộn tử cung và bất thường bánh nhau hoặc muộn hơn là sau 24 giờ đến trước 12 tuần sau sanh do sót nhau, nhiễm trùng, bệnh lý huyết học.

Trong danh mục 5 tai biến sản khoa của toàn quốc, băng huyết sau sinh là tai biến thường gặp nhất (chiếm 50%) và cũng là nguyên nhân gây tử vong cao nhất (chiếm 78,8%). Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 2.000 bà mẹ tử vong bởi các tai biến đặc thù nhất và cũng nguy hiểm nhất (băng huyết, tiền sản giật, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn hậu sản, uốn ván rốn, phá thai không an toàn), trong đó cao nhất vẫn là do băng huyết.

Băng huyết sau sinh: 41%

Tiền sản giật – Sản giật: 21,3%

Nhiễm trùng hậu sản: 18,8%

Tử vong người mẹ do băng huyết sơ sinh thường xảy ra ở những những thời điểm như sau:

24% trong thời gian mang thai

16% trong lúc sanh

60% sau sanh

Tại Bệnh viện Từ Dũ tai biến băng huyết sau sinh chiếm khoảng 2%-10% tổng số ca.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trung bình mỗi tuần tại bệnh viện có khoảng 3 – 4 ca bị băng huyết sau sinh phải truyền máu.

Băng huyết sau sinh là một tai biến đáng sợ đối với các bác sĩ sản khoa dù trình độ kỹ khoa học kỹ thuật, chuyên môn và tay nghề của các bác sĩ hiện nay đã tiến bộ vượt bậc so với nhiều thập niên trước. Tuy nhiên, băng huyết sau sinh có thể ngăn ngừa và điều trị được

Triệu chứng băng huyết sau sinh

Chảy nhiều máu từ âm đạo và/hoặc cổ tử cung, da xanh nhợt, tay chân lạnh, khát nước, mạch nhanh, huyết áp giảm, tử cung mềm nhão, tăng thể tích.

Nguyên nhân bệnh Băng huyết sau sinh

– Đờ tử cung (tử cung không thể co hồi nhỏ lại sau khi thai nhi đã ra)

Là nguyên nhân thường gặp nhất. Các yếu tố có thể dẫn đến đờ tử cung gồm:

+ Chất lượng cơ tử cung kém: Do sinh nhiều lần, do tử cung có u xơ, tử cung dị dạng.

+ Tử cung quá căng: Do chửa sinh đôi, sinh ba…, nước ối quá nhiều, con to.

+ Chuyển dạ kéo dài hoặc chuyển dạ quá nhanh

+ Nhiễm trùng ối.

+ Thai phụ bị suy nhược, thiếu máu.

+ Gây mê sâu

+ Tiểu sử băng huyết sau sinh

+ Bóc nhau bằng tay

– Bất thường của bánh rau

+ Diện tích bánh rau lớn, khi bong ra gây chảy máu nhiều như trong phù nhau thai.

+ Rau bám bất thường: Rau tiền đạo, rau bám thấp… dẫn tới chảy máu nhiều.

+ Rau không bong được (rau cài răng lược)

– Tổn thương đường sinh dục

Vỡ tử cung, rách cổ tử cung và âm đạo có thể xảy ra trong các trường hợp đẻ thường. Tuy nhiên, các biến chứng này thường gặp hơn trong những trường hợp đẻ khó cần can thiệp thủ thuật. Những trường hợp đẻ quá nhanh, đẻ rơi cũng dễ dẫn tới tổn thương đường sinh dục.

– Rối loạn đông máu

+ Rối loạn đông máu thường xảy ra trong các trường hợp: Rau bong non, thai lưu, nhiễm trùng, tắc mạch ối…

+ Hội chứng HELLP

+ Phòng ngừa bệnh băng huyết sau sinh

+ Di truyền: bệnh Von Wilebrand’s

+ Điều trị thuốc chống đông máu: thay van tim

– Nhiễm trùng tử cung

– Sót rau

– Thu hồi tử cung bất thường liên quan đến nhau

Những yếu tố nguy cơ trước sanh

+ Băng huyết sau sinh ở phụ nữ > 35 tuổi cao gấp hai lần phụ nữ < 25 tuổi. Tỷ lệ cắt tử cung do thai sản cũng tăng so với tuổi của mẹ.

+ Béo phì có nguy cơ cao về biến chứng trong lúc sinh và sau khi sinh

+ Thiếu máu,

+ Sốt rét,

+ Nhiễm HIV/AIDS

+ Tiểu đường loại II

+ Bệnh di truyền về rối loạn đông máu

+ Thai quá ngày

+ Thai to

+ Đa thai

+ Sinh dày, sinh nhiều

+ Xơ tử cung

+ Chảy máu trước sanh

+ 10Tiền sử băng huyết sau sinh

+ Tiền sử mổ lấy thai

+ Suy nhược, suy dinh dưỡng

+ Tăng huyết áp trong thai kỳ

Chẩn đoán băng huyết sau sinh

Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC).

Điều trị băng huyết sau sinh

Hồi sức tích cực, truyền máu bồi hoàn máu mất.

Điều chỉnh các rối loạn đông máu nếu có.

Đảm bảo tử cung co hồi và gò tốt: lòng tử cung sạch (không còn nhau), xoa đáy tử cung, sử dụng các thuốc giúp tử cung gò tốt.

Kiểm tra tử cung, cổ tử cung, âm đạo, phát hiện các vị trí tổn thương và khâu cầm máu.

Nếu các bước điều trị nội khoa thất bại, cần can thiệp bằng phẫu thuật.

Để cứu người mẹ, thậm chí có thể phải cắt tử cung.

Khi băng huyết sau sinh xảy ra, cần nhanh chóng tiến hành các phương pháp cầm máu và hồi sức tích cực, vừa kết hợp kiểm tra nguyên nhân vừa tiến hành điều trị song song.

Điều trị nội khoa

Cho sản phụ nằm đầu thấp, thở oxy, xoa bóp đáy tử cung qua thành bụng, đè động mạch chủ bụng để giảm lượng máu đến tử cung.

Sử dụng thuốc giảm đau, chống choáng.

Truyền dịch, truyền máu, kháng sinh…

Theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở, tinh thần của bệnh nhân.

Xác định nguyên nhân gây băng huyết sau sinh và điều trị theo nguyên nhân. Lưu ý là có thể có nhiều nguyên nhân phối hợp gây băng huyết nên phải kiểm tra đường sinh dục một cách hệ thống và khám cả các cơ quan khác để không bỏ sót trường hợp do rối loạn đông máu.

Việc xác định kịp thời nguyên nhân gây băng huyết sau sinh là vô cùng quan trọng, vì nó giúp cho người bác sĩ điều trị nhanh chóng xử trí nguyên nhân bên cạnh việc hồi sức chống sốc. Chỉ có loại bỏ được nguyên nhân thì mới có thể chấm dứt được chảy máu.

Lưu ý: Tất cả các biện pháp trên đây cần được tiến hành nhanh chóng và song song với nhau.

Điều trị ngoại khoa

Trong trường hợp sử dụng các biện pháp nội khoa không kết quả. Đây là phương án cuối cùng nhằm cứu tính mạng người mẹ. Có thể nghĩ đến phương pháp này đầu tiên trong trường hợp bệnh nhân đã đủ số con và lớn tuổi. Đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa đủ con, có thể cân nhắc đến việc thắt động mạch tử cung hoặc động mạch hạ vị hai bên. Cắt tử cung chỉ có chỉ định tuyệt đối trong trường hợp rau cài răng lược.

Phòng ngừa băng huyết sau sinh

Đối với cán bộ y tế

Đảm bảo công tác quản lý thai nghén tốt, phát hiện sớm các nguy cơ cao để chuyển lên tuyến trên.

Theo dõi sát quá trình chuyển dạ, không để xảy ra chuyển dạ kéo dài, xử trí tích cực giai đoạn 3 của chuyển dạ (Tiêm bắp Oxytocin ngay sau khi đầu thai vừa sổ ra ngoài).

Đỡ đẻ đúng kỹ thuật, nhẹ nhàng để tránh gây chấn thương đường sinh dục. Khi có tổn thương đường sinh dục cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Cần phải theo dõi sát sản phụ ít nhất 6 giờ sau sinh để kịp thời phát hiện khi băng huyết sau sinh xảy ra, kịp thời tìm nguyên nhân và xử trí sớm.

Không thực hiện các thủ thuật giúp sinh nếu không có chỉ định rõ ràng hoặc khi chưa đủ điều kiện. Khi làm thủ thuật phải bảo đảm nhẹ nhàng, thực hiện đúng kỹ thuật.

Phòng ngừa nhiễm trùng ối bằng thuốc kháng sinh và cần chấm dứt thai kỳ sớm.

Đối với thai phụ

Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không đẻ dày, đẻ nhiều, không phá thai ảnh hưởng đến dạ con.

Khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đặc biệt khi có những dấu hiệu bất thường như bụng to lên, máu ra bất thường….

Phải điều trị thiếu máu, tiểu đường, tăng huyết áp nếu có. Uống viên sắt và acid Folic trong suốt thai kỳ để phòng ngừa thiếu máu. Điều này sẽ giúp cho băng huyết sau sinh nếu có xảy ra sẽ ít gây ra các biến chứng nặng hơn.

Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi không làm việc quá sức, tinh thần thư thái.

Sản phụ có nguy cơ băng huyết sau sinh cao cần lưu ý 6 giờ đầu sau sinh, đặc biệt là trong 2 giờ đầu để phát hiện chảy máu

Bài liên quan: Phác đồ điều trị băng huyết sau sinh bệnh viện Từ Dũ

Yhocvn.net

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook