Thứ Tư, 03/01/2018 | 15:54

Băng gạc là dụng cụ y tế giúp bảo vệ, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, ngăn thấm nước vết thương, hay còn dùng để cố định một bộ phận nào đó trên cơ thể. Thay vì sử dụng chất liệu thông thường, mới đây các nhà khoa học đã sáng chế ra một loại băng chứa collagen của sứa, giúp thúc đẩy mô người phát triển và liền da vết thương.

Theo Daily Mail, ngoài vết loét do biến chứng của người bị tiểu đường, loại băng gạc mới làm từ collagen sứa còn có khả năng làm lành các vết loét mạn tính ở những người nằm liệt giường.

Các vết thương mạn tính lâu lành vì nhiều lý do, có thể do lượng máu và ô xy cung cấp đến vết thương kém hoặc các yếu tố giúp mô phát triển để làm liền da đang gặp vấn đề. Kết quả là khiến lượng collagen trên da không đủ để đóng miệng vết thương, khiến vết thương hở, bị viêm và mất nhiều tuần để lành.

Collagen cấu thành loại băng gạc có khả năng chữa lành vết thương mạn tính được lấy từ loại sứa khổng lồ Rhizostoma pulmo sống phổ biến ở biển Ireland, đường kính thân sứa khoảng 38 cm. Nơi phát triển loại băng gạc này là một công ty có trụ sở ở thành phố Cardiff của xứ Wales, thuộc Vương quốc Anh.

Collagen có vai trò quan trọng giúp chữa lành vết thương, kích thích các mô mới, nguyên bào sợi và tế bào sừng phát triển. Collagen cũng kích thích các mạch máu tái tạo và nhanh chóng làm lành vết thương. Các nghiên cứu cho thấy collagen của sứa Rhizostoma pulmo hoàn toàn tương thích với cơ thể người. Kết quả làm lành vết thương tương đương với việc sử dụng collagen của bò nhưng lại không gây nguy cơ nhiễm bệnh do vi khuẩn hay vi rút.

Mặc dù kết quả đặc biệt của loại băng gạc này đã được giải mã, tuy nhiên vẫn chưa biết rõ khi nào loại băng gạc độc đáo này sẽ chính thức ra mắt thị trường để phục vụ người bệnh.

Theo Thanhnien.vn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook