Thứ Tư, 02/12/2015 | 18:32

Sử dụng kháng sinh dài hạn hoặc quá liều đã không còn là vấn đề mới lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên đây vẫn là vấn đề làm đau đầu giới Y tế. Việc mua thuốc điều trị quá dễ dàng dù không có đơn của bác sĩ đã đẩy người tiêu dùng đến nguy cơ kháng thuốc liều cao. Hình thành thói quen mua thuốc mà không có tư vấn của bác sĩ.

Dùng toa cũ mua thuốc mới

Bán thuốc không toa, hiểm họa khó lường
Các nhà thuốc tư nhân mọc lên như nấm.

Khi trò chuyện với một số phụ huynh đi mua thuốc kháng sinh, thuốc điều trị cho con, thì đa số đều không hề biết gì về dược lý hay tác dụng phụ của thuốc. Quầy thuốc bán sao, họ sử dụng vậy, chỉ cần hết bệnh mà không hề quan tâm đến loại thuốc mình đang uống là gì. Một trong những lý do là nhiều người vẫn tin vào toa thuốc lần trước.

Chị N.T. Vân, quận 12 cho biết: “Tôi thường mua thuốc cho con ở tiệm thuốc gần nhà. Sau khi đưa con đi khám ở bệnh viện về thì những lần sau nếu bệnh lại thì dùng đơn thuốc đó mua hay nhờ tiệm thuốc tăng liều. Họ bán thuốc đều có bằng cấp hết rồi mà. Mấy bệnh nhẹ chắc không sao. Uống vài ngày thấy bệnh khỏe là yên tâm rồi”.

Với lý do vào bệnh viện chờ đợi mệt mỏi, Anh Chung Phương, Gò Vấp, chia sẻ: “Gia đình có cháu nhỏ 3 tuổi, trước có đi Nhi đồng khám bệnh vài lần. Rồi những lần sau tôi cứ mang đơn thuốc cũ ra hiệu thuốc gần nhà mua, thấy bệnh cũng đỡ. Nên cứ mỗi lần cháu sốt, cảm nhẹ đều mua thuốc ở đó cho gần nhà, đi lại đỡ vất vả. Bản thân tôi bệnh nặng mới phải đi bệnh viện, chứ cảm nhẹ mua vài viên thuốc cảm uống là xong. Đi viện ngồi chờ khám chi cho mất công”.

Bác sĩ Chuyên khoa II Trịnh Hữu Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết, mỗi đơn thuốc chỉ dùng cho 1 lần khám và điều trị duy nhất, không nên sử dụng ở các lần mua thuốc tiếp theo cho trẻ em vì cơ thể trẻ lớn rất nhanh, liều thuốc trước không thể đáp ứng kịp và không mang lại hiệu quả điều trị tốt. Mặt khác, ở một số bệnh có các triệu chứng giống nhau, tuy nhiên bệnh lý khác nhau thì sẽ có các loại thuốc đặc trị khác nhau. Không thể cùng triệu chứng đau đầu mà vẫn dùng paracetamol để điều trị, như vậy sẽ gây hại cho cơ thể. Đặc biệt là các bệnh nhi nhỏ tuổi cần được khám và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ. Không nên tự điều trị ở nhà và mua thuốc tại các quầy thuốc tư nhân, tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.

Nhà thuốc bán theo kinh nghiệm

Bán thuốc không toa, hiểm họa khó lường
Người dân vẫn vô tư mua thuốc điều trị bệnh mà không cần đơn của bác sĩ.

Trong vai người bị bệnh, PV đến mua thuốc tại một tiệm thuốc ở quận 12, sau khi kể sơ lược về các triệu chứng bệnh như sốt, rộp da, phát ban thì được dược sĩ bán cho 6 loại thuốc khác nhau trong đó có 2 loại kháng sinh và kháng virut. Liều thuốc được kê uống một ngày 3 lần, mỗi lần đến 8 viên thuốc đủ loại. Nếu đỡ thì uống tiếp còn không thì tăng liều lên cho phù hợp. Hai ngày sau, khi đến bảo bệnh không thấy giảm thì được dược sĩ tăng liều uống ngày 5 lần (chủ yếu là tăng 2 loại thuốc kháng sinh (Klamentin và kháng vi rút Acyclovir). Cả quá trình chủ quầy thuốc chỉ bán mà không yêu cầu đơn thuốc của bác sĩ, không hỏi người mua về tiền sử dị ứng thuốc, không tư vấn cho bệnh nhân đi khám ở bệnh viện khi bệnh nặng hơn. Và khi hỏi về bằng cấp những người trực tiếp bán thuốc và cũng là chủ tiệm thuốc, hầu hết cho biết họ chỉ có bằng trung cấp dược hoặc cao đẳng dược. Cho nên không có khả năng kê toa, mà chỉ bán thuốc theo kinh nghiệm.

Mức xử phạt vi phạm quá thấp

Bán thuốc không toa, hiểm họa khó lường
Các loại thuốc kháng sinh bán tràn lan trên thị trường mà không có đơn thuốc của bác sĩ.

Vừa qua tại buổi họp báo về “Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc” do Bộ Y tế tổ chức tại TP.HCM, ông Cao Hưng Thái, Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết theo một khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh tại gần 3.000 hiệu thuốc ở nông thôn và thành thị phía Bắc, thì có 88-91% hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn. Hai triệu chứng thường được mô tả mua kháng sinh nhiều nhất là ho (gần 32%) và sốt (gần 22%). Điều này cho thấy số lượng thuốc bán không theo toa là vô cùng lớn, nhất là các khu vực dân cư vùng ven, khu công nghiệp. Mặt khác, hiện nay các nhà thuốc tư nhân quá nhiều, khó kiểm soát, có thể mua thuốc một cách nhanh chóng, tiện lợi đáp ứng nhu cầu của người dân nên tình trạng mua thuốc không có đơn ngày càng nghiêm trọng.

Còn ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trong buổi họp báo cũng cho biết tại khoản 1 điều 40 của Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo, phạt tiền 200.000-500.000 đồng đối với hành vi bán thuốc trong danh mục “thuốc bán theo đơn” mà không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, số lượng nhà thuốc bị phạt trên thực tế là rất ít ỏi. Ông Cường cũng khẳng định những năm gần đây, chưa có số liệu nào ghi nhận các trường hợp nhà thuốc bị phạt và người dân hiện vẫn đang vô tư mua, vô tư dùng kháng sinh một cách vô tội vạ. Các nhà thuốc tư nhân vẫn ngang nhiên bán thuốc không đơn, thu lợi nhuận khủng.

Theo NTD

Nguồn: Báo Tầm Nhìn

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook