Tỷ lệ tử vọng của bệnh nhân viêm não Nhật Bản có thể lên tới 20%. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ được kiểm soát nếu trẻ tiêm phòng đầy đủ.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao.
Tại nước ta, căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột, sởi, quai bị và các virus khác chưa biết rõ… Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus.
Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm vì tỉ lệ tử vong cao, dễ để lại di chứng thần kinh. Ảnh: Vietnamnet.
Trong đó, bệnh viêm não Nhật Bản là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm não virus ở nước ta với tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10-20%.
Thời điểm năm 1995, virus viêm não Nhật Bản chiếm tới 61,3% trong tổng số các ca viêm não. Hiện nay, việc tiêm phòng viêm não Nhật Bản đã làm giảm đáng kể các ca mắc, chỉ còn chiếm khoảng 10 đến 15% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não virus.
“Đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh. Việc thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất”, ông Phu khuyến nghị.
3 mũi tiêm phòng cơ bản
Về điều này, ông Phu cho hay, đối với trẻ em dưới 5 tuổi, cần tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Mũi 1 – lúc trẻ đủ 1 tuổi
Mũi 2 – sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3 – sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, tiêm với 3 liều cơ bản:
Mũi 1 – càng sớm càng tốt
Mũi 2 – sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
Mũi 3 – sau mũi 2 là một năm.Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Chuyên gia lưu ý, tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm. Nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ.
Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản ở đâu?
Ông Trần Đắc Phu cho hay, từ năm 2015, vắc xin viêm não Nhật Bản chính thức được triển khai trong tiêm chủng mở rộng hàng tháng.
Theo đó, thay vì tổ chức tiêm chủng theo đợt diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định trong năm tùy theo từng nơi, các địa phương đã tổ chức tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản hàng tháng cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cùng với các vắc xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, người dân có thể đưa trẻ đến tất cả cơ sở tiêm chủng để được tiêm.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, trong thang 4 nước ta đã ghi nhận 152 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2015, số mắc giảm 23,6%, tử vong giảm 8 trường hợp (199/10). Để phòng chống bệnh viêm não do virus, người dân cần:
– Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
– Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi, không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
– Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi.
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
– Thực hiện tiêm chủng đầy đủ.
Hà Quyên
Nguồn: Zing
Chưa có bình luận.