Thứ Ba, 01/12/2015 | 19:32

Bà Trang mang một khối u khổng lồ ở cổ, gần đây bướu vỡ gây loét hoại tử, rỉ dịch liên tục khiến bà nghẹt thở, nói khó, không thể ăn uống được.

Bà Trang 75 tuổi, làm nghề châm cứu từ thiện tại quận 7, TP HCM. Người phụ nữ xuất hiện khối u vùng cổ hơn 10 năm nay, ngày càng to dần gây đau kèm cảm giác khó nuốt. Gần đây khối u bị viêm đỏ, loét hoại tử da trên bề mặt và rỉ dịch liên tục khiến bà Trang khó thở, không thể ăn uống được trong 3 ngày liền, người nhà mới đưa vào viện cấp cứu.

Bà cụ suýt chết do vỡ bướu cổ

Kết quả chụp phim khối bướu lớn ở cổ bệnh nhân. Ảnh: Trần Ngoan.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Minh Bảo Luân, khoa Phẫu thuật Lồng Ngực – Mạch Máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, điều trị cho bệnh nhân. Kết quả xét nghiệm, siêu âm tuyến giáp và CT scan vùng cổ – ngực cho thấy bệnh nhân có bướu giáp khổng lồ ở thùy phải kích thước 12x8x6 cm (dài – rộng – dày). Khối u bao gồm nhiều nhân và nang, bướu ăn xuống trung thất và cả khoang sau hầu gây chèn ép khí quản, thực quản. Phần bướu gần bề mặt là nang có thành dày với nhiều vách bên trong. Nang này vỡ ra làm rỉ dịch ngoài da gây nhiễm trùng.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ thùy phải tuyến giáp gồm cả phần thòng xuống trung thất và phần lan ra sau hầu. Vùng da hoại tử cũng được cắt lọc. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ cho thấy đó là u tuyến túi của tuyến giáp. Sau phẫu thuật 2 ngày, bệnh nhân hồi phục tốt, các triệu chứng giảm rõ rệt.

Bác sĩ Luân cho biết trường hợp bướu giáp lan ra khoang sau hầu và vỡ như trên rất hiếm gặp ở bướu giáp lành tính, chỉ thường xảy ra ở ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn. Trường hợp bà Trang nếu không được phẫu thuật kịp thời, tình trạng nhiễm trùng vùng cổ do bướu giáp vỡ ra da có thể dẫn đến nhiễm trùng trung thất là một biến chứng rất nặng, nguy cơ tử vong cao dù được điều trị tích cực. Hơn nữa khối bướu chèn ép vùng hầu họng và thực quản đến mức bệnh nhân không thể ăn uống được, nếu để chậm hơn sẽ dẫn đến suy kiệt toàn thân.

Bà cụ suýt chết do vỡ bướu cổ

Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, không còn nghẹt thở và đau như trước. Ảnh: Trần Ngoan.

Bác sĩ Luân giải thích, nguyên nhân bướu cổ thường liên quan đến chế độ dinh dưỡng thiếu hoặc thừa iốt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thiếu iốt còn gây nên tình trạng đần độn ở trẻ em. Tuy nhiên ăn quá nhiều iốt trong một thời gian dài cũng làm gia tăng bướu cổ. Ở các thành phố lớn và vùng ven biển, bữa ăn hàng ngày của người dân đã cung cấp hàm lượng iốt đủ cho hoạt động sinh tổng hợp hormone của tuyến giáp thì không cần cho thêm iốt vào muối ăn nữa.

Nhiều công trình nghiên cứu của thế giới ghi nhận trong một số loại thức ăn như khoai mì, các loại rau họ cải gồm bắp cải, sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành… có các tác nhân gây bệnh bướu cổ. Các loại rong tảo biển nằm trong nhóm thực phẩm có iốt nhưng do chứa quá nhiều iốt nên cũng gây tình trạng quá tải dẫn đến bướu cổ. Ở một số vùng do người dân uống nước từ các mạch ngầm hứa nhiều chất disulfure cũng có thể bị bệnh bướu cổ. Do chất disulfure có tác dụng ức chế sự hữu cơ hoá trong quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp nên làm tăng thể tích tuyến giáp.

Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bướu cổ là cung cấp đủ lượng iốt cho cơ thể. Đối với thể trạng người Việt, ngưỡng an toàn được khuyên dùng là 200 mg iốt trong một ngày. Ngoài muối có iốt, có thể dùng các loại dầu iốt theo chỉ định của bác sĩ để phòng bướu cổ đơn thuần. Một số thực phẩm như cá, tôm, nước mắm… rất giàu iốt nên có thể bổ sung thêm từ nguồn thực phẩm này.

Bác sĩ Luân khuyên mọi người khi phát hiện bướu hay khối u vùng cổ cần đến phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám ngay. Đặc biệt những bệnh nhân đã phát hiện bướu cổ nhiều năm nên được phẫu thuật càng sớm càng tốt. “Bệnh bướu cổ lành tính có thể khỏi hẳn và không gây biến chứng nếu được phẫu thuật kịp thời”, bác sĩ nói.

Trần Ngoan
tranngoan@vnexpress.net

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Nguồn: VnExpress

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook