Với những người nuôi con bằng sữa mẹ, khi bị tắc tia sữa, nếu không điều trị kịp thời sẽ bị viêm vú, rồi dẫn đến áp xe vú. Hiện tượng áp xe vú là do vi khuẩn xâm nhập vào các mô vú thông qua núm vú, làm nhiễm khuẩn ống dẫn sữa và tuyến sữa tạo thành các nang túi chứa đầy mủ, bao quanh bởi các mô viêm.
1. Biểu hiện của bệnh áp xe vú
Biểu hiện đầu tiên của áp xe vú là bầu vú căng to hơn so với mức bình thường, vùng da trên ổ viêm có thể bị phù nề, tĩnh mạch dưới da nổi rõ, núm vú có thể bị rỉ nước. Người mẹ sẽ thấy đau nhức sâu ở bên trong tuyến vú và các cục cứng nằm xung quanh núm vú, mức độ đau tăng lên khi cử động vai và tay. Người mẹ cũng có thể bị sốt, nổi hạch nách cùng bên, mệt mỏi và khát nước sau khi sốt. Khi đi khám, siêu âm sẽ thấy nhiều ổ dịch, xét nghiệm máu sẽ thấy bạch cầu tăng cao. Nếu ổ áp xe thông với ống dẫn sữa thì khi chọc hút mủ ra sẽ thấy sữa có lẫn mủ.
2. Nguyên nhân của bệnh áp xe vú
Hiện tượng áp xe vú xảy ra do nhiễm khuẩn tuyến vú. Cơ thể người mẹ sau sinh có khả năng tạo sữa, sữa được tạo ra ở các nang, sau đấy đi qua ống dẫn sữa và đổ về khoang chứa. Khi trẻ bú, tác động của việc mút sẽ làm sữa chảy ra ngoài. Nếu có một lý do nào đó làm ống dẫn sữa bị bít lại, sữa không chảy ra ngoài được, sẽ bị ứ đọng tại đây và dần dần tích tụ, đông đặc lại. Trong lúc này, lượng sữa mới vẫn được tạo ra, nhưng cứ ra đến chỗ sữa bị đông đặc này lại bị dừng lại. Vì thế ống dẫn sữa bị tắc nghẽn, quá tải, dồn nén tạo thành các cục cứng chèn ép các ống dẫn sữa khác gây ra hiện tượng tắc tia sữa nặng, nhiễm khuẩn rồi thành áp xe vú. Tất cả những diễn biến này là do các nguyên nhân như: người mẹ không vệ sinh vú thường xuyên và đúng cách sau khi cho con bú; không vắt hết lượng sữa thừa sau khi con bú; hay không mát xa, day đều bầu vú sau khi sinh…
3. Cách chữa trị bệnh áp xe vú
Áp xe vú nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên hội chứng bội nhiễm nặng, có thể bị hoại tử và là nguyên nhân của bệnh ung thư vú.
Nếu bị áp xe vú, bạn cần phải làm những việc sau đây:
+ Nghỉ ngơi, không cho con bú bên vú bị áp xe.
+ Chỉ cho con bú bên không bị áp xe hoặc vắt sữa ra cho con bú ngoài để tránh tình trạng nhiễm khuẩn cho trẻ.
+ Xoa bóp nhẹ nhàng, chườm nóng, vắt bỏ sữa để hỗ trợ thông tuyến sữa.
+ Đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện thăm khám để được bác sĩ điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt. Sau đó, bên vú áp xe sẽ được chích, dẫn lưu, và phá vỡ các ổ mủ. Đối với áp xe vùng da nông, chỉ cần chích nặn mủ. Đối với áp xe sâu bên trong, người mẹ sẽ được gây mê tại chỗ, chích áp xe theo đường nan hoa ở chỗ nông nhất nhưng phải cách núm vú từ 2 cm đến 3 cm. Sau khi tháo mủ bác sỹ sẽ đặt ống dẫn lưu. Hàng ngày, vú áp xe sẽ được bơm rửa các ổ dịch bằng dung dịch sát khuẩn, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh toàn thân.
4. Biện pháp đề phòng bệnh áp xe vú
Để phòng hiện tượng áp xe vú, mẹ đang cho con bú cần chú ý một số điều sau:
+ Sau khi sinh mẹ nên mát xa nhẹ nhàng bầu vú để ống dẫn sữa thông thoát và cho con bú càng sớm càng tốt.
+ Vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ trước và sau khi cho con bú.
+ Nên cho trẻ bú hết sữa và luân phiên hai bên vú, nếu không, phải vắt hết sữa thừa sau mỗi lần con bú.
+ Nếu có hiện tượng tắc tia sữa, phải điều trị kịp thời để thông ống dẫn sữa. Để tránh bị tắc tia sữa, bạn có thể day ép bằng tay, chườm nóng, hút sữa bằng máy hoặc dùng một số bài thuốc dân gian như chườm bằng lá mít nướng nóng; chườm bằng quả đu đủ non thái lát mỏng nướng nóng; chườm bằng xôi nếp nóng, uống nước lá cây rau bồ công anh…
+ Tránh làm xước hoặc nứt núm vú vì đây là điều kiện tốt để vi khuẩn xâm nhập làm viêm tuyến sữa;
+ Khi cai sữa con, mẹ nên cai sữa theo phương pháp giảm dần số lượng và số cử bú.
Ngoài những trường hợp áp xe vú xảy ra với phụ nữ mới sinh, đang nuôi con bằng sữa mẹ và phụ nữ cai sữa cho con thì còn những trường hợp áp xe vú khác, nhưng không được đề cập đến trong bài viết này, đó là áp xe vú ở người thừa cân, người ít vệ sinh cá nhân, người nghiện thuốc và người bị ung thư vú.
Phạm Hương
Chưa có bình luận.