Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, thạch quyển bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo. Biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu, gây tác động ngày càng mạnh mẽ đến mọi quốc gia và sự sống trên trái đất, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Biến đổi khí hậu và sự phát sinh, phát triển của dịch bệnh là một quá trình có liên quan với nhau thông qua nhiều cơ chế; thông thường sau thiên tai, môi trường bị xáo trộn lớn, nguồn nước bị ô nhiễm nặng và đây là một trong những nguyên nhân chính gây bùng phát các vụ dịch bệnh đường tiêu hóa và các bệnh khác lây lan theo nguồn nước bao gồm cả các bệnh của động vật, bệnh có ổ dịch tự nhiên, bệnh từ nơi khác đến. Mực nước biển dâng, gia tăng nhiệt độ môi trường, thay đổi lượng mưa… là các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của một số loài muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Xuân Hiển, cán bộ Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết: những tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã tác động mạnh đến nước ta. Vùng Nam Trung Bộ giai đoạn 2002- 2013 đã xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế, xã hội. Các đợt nắng nóng, hạn hán, mưa lũ, lũ lụt xảy ra liên tiếp, điển hình như các đợt hạn năm 2002, 2003, 2009, 2010. Lũ lụt các năm 2009, 2010 cũng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Các đợt nắng nóng năm 2010 đã gây nhiều vụ cháy rừng tại các tỉnh như: Nghệ An, Đà Nẵng, làm nhiều sông hồ cạn kiệt, ruộng đồng nứt nẻ. Các đợt rét đậm, rét hại năm 2008 và năm 2011 làm chết nhiều cây trồng, gia súc, gia cầm. Đợt lũ lụt năm 2008, 2010, 2011, 2013 đã làm nhiều người chết, nhiều nhà cửa và các công trình công cộng hư hỏng. Các cơn bão mạnh như bão Kaitak năm 2005, bão Xangsase năm 2006, Lekima năm 2007, bão Ketsana năm 2009 đã làm chết nhiều người, phá hỏng nhiều nhà cửa, các công trình công cộng, thiệt hại lớn về kinh tế tại nhiều nước.
Để đánh giá những tác động của biến đổi khí hậu với những vùng dễ bị ảnh hưởng ở Việt Nam. TS. Nguyễn Thị Phương Liên và nhóm nghiên cứu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành nghiên cứu mối liên hệ giữa một số bệnh truyền nhiễm và các yếu tố khí hậu tại các vùng nghiên cứu trọng điểm là Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ giai đoạn 2003- 2013. Tại Bắc Trung Bộ, nhóm nghiên cứu chọn Hà Tĩnh bởi Hà Tĩnh có đặc thù mùa đông hơi lạnh, nắng tương đối ít, có mưa phùn. Mùa hè nhiều gió Tây khô nóng, nhiệt độ cao, mưa nhiều vào cuối năm, thất thường hạn hán. Tại Nam Trung Bộ, nhóm nghiên cứu chọn Quảng Nam bởi tỉnh này không có rét, mùa mưa đến chậm. Sự tương phản giữa hai mùa trong chế độ mưa ẩm sâu sắc. Thời tiết khô nóng gay gắt và mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng do chịu ảnh hưởng của bão và hội tụ nhiệt đới. Tại Nam Bộ, nhóm chọn tỉnh Cà Mau làm nghiên cứu, đánh giá bởi tỉnh có nhiệt đới gió mùa và cận xích đạo, nền nhiệt ẩm phong phú, ánh nắng dồi dào, thời gian bức xạ dài, nhiệt độ và tổng tích ôn cao. Hai mùa chủ yếu là mùa khô và mùa mưa. Hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, triều cường tăng đã và đang tác động đến tỉnh Cà Mau.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy: nhóm bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa, bệnh tiêu chảy xảy ra và tác động đến sức khỏe người dân địa phương, tuy nhiên thời điểm xảy ra dịch khác nhau. Tại Hà Tĩnh, dịch tiêu chảy thường xảy ra cao nhất vào tháng 7 và thấp tháng 1. Tại Quảng Nam, dịch tiêu chảy thường xảy ra cao nhất vào tháng 5, thấp nhất vào tháng 1. Tại Cà Mau, dịch xảy ra cao nhất vào tháng 5, thấp nhất vào tháng 11. Trong khi đó, xu hướng của hội chứng cúm có tính mùa và khác nhau giữa các khu vực: Hà Tĩnh: thường xảy ra vào tháng 9 và tháng 1; Quảng Nam thường xảy ra vào tháng 3 và tháng 6, 7; Cà Mau thường xảy ra vào tháng 10 và tháng 1, 2.
Biến đổi khí hậu gây tác động đến bệnh tiêu chảy. Tại khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán như Hà Tĩnh, Bắc Trung Bộ: các yếu tố về thời gian, nhiệt độ, số giờ chiếu sáng, lượng mưa và nắng nóng gây lên 57%- 60% sự biến thiên của bệnh. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt: Quảng Nam, Nam Trung Bộ: các yếu tố về thời gian, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm và nắng nóng gây lên khoảng 26,5- 64,9% sự biến thiên của bệnh. Khu vực chịu ảnh hưởng của nước biển dâng: Cà Mau, Nam Bộ: số giờ chiếu sáng, số ngày mưa, chỉ số oni và mực nước biển gây lên 42,8% sự biến thiên của bệnh.
Mối liên quan giữa hội chứng cúm và biến đổi khí hậu: Tại khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán như Hà Tĩnh, Bắc Trung Bộ: nắng nóng, hạn hán đang gây lên 14,6- 19,9% sự biến thiên của bệnh. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt: Quảng Nam, Nam Trung Bộ: các yếu tố lượng mưa, ngày mưa và độ ẩm tương đối, số giờ nắng gây lên 18,5% sự biến thiên của số mắc hội chứng cúm. Khu vực chịu ảnh hưởng của nước biển dâng: Cà Mau, Nam Bộ: số giờ chiếu sáng, và thời gian gây lên 61,2% sự biến thiên của bệnh.
Mối liên quan giữa bệnh sốt xuất huyết và biến đổi khí hậu: Khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán như Hà Tĩnh, Bắc Trung Bộ: Các yếu tố thời gian, nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa gây lên 42,8% sự biến thiên của bệnh. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão lụt: Quảng Nam, Nam Trung Bộ: các yếu tố độ ẩm tương đối, thời gian chiếu sáng, lượng mưa, số ngày, chỉ số oni gây lên khoảng 51,8% sự biến thiên của bệnh. Khu vực chịu ảnh hưởng của nước biển dâng: Cà Mau, Nam Bộ: Số ngày mưa và chỉ số oni gây lên 23,5% sự biến thiên của bệnh.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, theo các chuyên gia y tế, các giải pháp cần được triển khai thực hiện: Xây dựng hệ thống cảnh báo tình hình dịch bệnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xây dựng và triển khai các hoạt động cấp cứu ứng phó với các thảm họa, thiên tai (tai nạn, chấn thương, dịch bệnh…), xây dựng và lựa chọn các mô hình cung cấp dịch vụ y tế đáp ứng với thiên tai, thảm họa do biến đổi khí hậu gây nên; xây dựng và triển khai các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng như nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe ban đầu, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các vùng bị ảnh hưởng; tổ chức các cuộc diễn tập của ngành y tế thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu; phổ biến, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và ngành y tế về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cho tất cả các đơn vị trong ngành y tế. Tổ chức các hoạt động truyền thông cho cán bộ, nhân viên ngành y tế và cộng đồng về biến đổi khí hậu và các biện pháp ứng phó; đa dạng hóa các nội dung và hình thức tuyên truyền nhằm chuyển tải hiệu quả các thông điệp bảo vệ sức khỏe thông quan giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu tới cộng đồng; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, phát hiện, dự phòng và điều trị các bệnh tật do biến đổi khí hậu gây ra. Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý trên cơ sở hệ thống mạng lưới cán bộ từ trung ương đến địa phương thực hiện nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu ngành y tế; xây dựng, biên soạn và in ấn các tài liệu đào tạo, tập huấn về ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực y tế; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu tới sức khỏe người dân và các hoạt động của ngành Y tế….
Bài, ảnh: Quang Nguyễn
Nguồn: TTTT – GD Sức khỏe TW
Chưa có bình luận.