Thứ Ba, 27/03/2018 | 16:03

Nếu ai đã từng bị tắc tia sữa sẽ thấu hiểu nổi khổ không nói lên lời. Sau “vượt cạn”, tắc tia sữa gây đau tức ngực, hai bầu ngực cứng như đá, sốt, nếu không may bị áp xe, hoại tử ngực thì tắc tia sữa còn đồng nghĩa với việc có thể mất đi “núi đôi”.

Sai một li đi một dặm

Chị Trần Kim Loan trú tại Đức Trọng, Lâm Đồng bị tắc tia sữa sau khi sinh một tuần. Ngày thứ 8 sau sinh, ngực của chị Loan bắt đầu đau và rất căng nên đã sử dụng phương pháp chữa mẹo là dùng lược chải từ trên xuống dưới bầu ngực. Sau đó nhờ chồng hỗ trợ nhưng không ăn thua.

Đang lúc bí bách, chị Loan được hàng xóm cho một ít lá đu đủ đực mách là hơ nóng lên rồi đắp vào. Sau khi rửa nước muối, hơ nóng đắp vào ngực, tình trạng không đỡ mà còn sưng to và đỏ ửng lên. Đến khi bị sốt 39° phải vào bệnh viện, các bác sĩ cho biết cần phải hút sữa ở chế độ nhẹ kèm massager và tiêm kháng sinh. Bác sĩ còn căn dặn không được bóp mạnh vì vỡ ổ áp xe là vô cùng nguy hiểm.

Tuy nhiên “năm người mười ý” người quen của chị Loan cho rằng phải nặn ra mới khỏi nên cho tay vào nặn sữa. Hậu quả ổ áp xe bị vỡ ra khiến chị phải đi cấp cứu và trải qua chuỗi ngày đau đớn cách ly con, sự sống cái chết trong gang tấc. Ngoài áp xe vú, chị Loan còn bị vi khuẩn tụ cầu vàng nên việc điều trị khó khăn vì ổ áp xe vỡ khiến vi khuẩn từ ổ áp xe “chạy” loạn.

Những ngày tháng điều trị áp xe vú, chị Loan kể còn đáng sợ hơn cả đau đẻ. Bác sĩ phải dùng thuốc cực mạnh để ngăn vi khuẩn không đi vào máu. Chị Loan tâm sự “Thời gian đấy mình sống không bằng chết, mỗi lần bác sĩ rạch sống và lặn mủ không có 1 tí thuốc tê nào còn đau hơn đau đẻ gấp trăm lần. Mình phải điều trị hơn 1 tháng mới khỏi”.

Giải pháp điều trị tắc tia sữa

Bác sĩ Trần Quang Vũ, Bệnh viện Phụ sản trung ương chia sẻ, bệnh viện gặp rất nhiều trường hợp bà mẹ bị tắc tia sữa do tự điều trị sai dẫn đến áp xe. Thậm chí, có người phải cắt bỏ nhiều tổ chức ngực gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Những trường hợp tự đắp lá là phản khoa học do việc đắp lá tạo ra sự kích ứng da gây nên mẩn đỏ da tại vị trí bầu ngực.

Nguyên nhân do các loại lá cây chứa nhiều lông tơ nhỏ rất dễ gây kích ứng cho da, chưa kể nếu các lá cây chưa được vệ sinh kỹ nếu nhiễm bẩn hoặc chứa hóa chất thì còn nguy hiểm hơn. Đặc biệt khi tạo áp xe, người nhà của bệnh nhân lại nặn bóp quá sớm khiến ổ nhiễm trùng lan rộng gây tổn thương tổ chức mềm lành xung quanh, khiến bệnh lý nặng hơn.

Qua đó, bác sĩ Quang khuyến cáo các sản phụ khi ngực căng, có dấu hiệu tắc sữa cần chườm nóng hoặc massager ngực trước khi trở thành ổ áp xe. Song hành với việc làm trên có thể phối hợp sử dụng thông tắc sữa bằng máy hút sữa hoặc làm mềm ngực bằng máy vật lý trị liệu như đèn hồng ngoại, sóng siêu âm.

Bác sĩ Quang lưu ý: Trước khi hút dịch nên uống một cốc sữa nóng, ngũ cốc, đắp khăn nóng lên bầu ngực lau sạch đầu ti trước khi vắt, trong lúc hút nên uống cốc nước nóng. Tuy nhiên, nếu vắt mà không ra sữa thì nên lấy khăn ấm massger bầu ngực theo chiều từ trên xuống đầu núm ti, bóp sữa ở quầng thầm của ngực không phải đầu núm vú.

Ngoài ra, có thể luộc trứng sau đó bóc vỏ hoặc dùng cơm nóng nắm bọc vào khăn rồi chườm lên hai bầu ngực. Lăn nhẹ từ ngoài vào trong đến khi cơm và trứng nguội sẽ giúp tia sữa thông nhanh hơn.

Câu chuyện của chị Loan là bài học để các bà mẹ bỉm sữa nếu không may bị tắc tia sữa đừng chữa sai cách để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Việc điều trị sai không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn ảnh hưởng đến tinh thần bởi những lo lắng không đáng có vừa phải cách ly đứa con bé bỏng vừa chào đời.

Theo Tri thức trẻ

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook