“Làm một vài ly cho ấm người”, bạn có thấy câu nói này quá quen thuộc? Thực tế không phải vậy!
Con người là một sinh vật hằng nhiệt. Điều đó có nghĩa là cơ thể bạn luôn có một cơ chế nhạy cảm để duy trì một khoảng nhiệt độ cố định, bất chấp mọi thay đổi môi trường. Hầu hết chúng ta đều tin rằng thân nhiệt bình thường của con người là 37oC, uống rượu sẽ giúp ấm lên hay nhiệt thoát ra nhiều hơn từ đầu. Tuy nhiên, thực tế lại không như bạn nghĩ .
Vậy còn điều gì mà bạn chưa biết về thân nhiệt con người? Dưới đây là 9 sự thật thú vị mà bạn không nên bỏ qua:
1. Tại sao thân nhiệt phụ nữ có vẻ thấp hơn đàn ông
Phụ nữ có một tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao hơn đàn ông, nhưng chúng chỉ tập trung ở phần trung tâm cơ thể, không phải là các chi. Đó là lí do tay và chân của họ lạnh dễ hơn đàn ông. Và khi các chi đã lạnh, nó kéo cả thân nhiệt đều giảm, Kathryn Sandberg, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Y tế khác biệt giới tính thuộc Đại học Georgetown, Hoa Kỳ cho biết.
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra phụ nữ có một ngưỡng chịu lạnh không tốt bằng nam giới. Khi nhiệt độ hạ xuống, mạch máu ở ngón tay của họ co lại sớm hơn trong một cơ chế giữ thân nhiệt. Điều đó khiến bàn tay họ trắng bệch.
2. Thân nhiệt của con người không phải 37oC
Đó chỉ là con số vàng được đưa ra từ những phép đo của thế kỷ 19. Cụ thể, Carl Reinhold August Wunderlich, một bác sĩ người Đức đã thực hiện các phép đo trên hàng ngàn bệnh nhân để rút ra kết luận.
Ngày nay, sử dụng các thiết bị đo chính xác hơn, các nhà khoa học đến từ Đại học Maryland cho chúng ta biết thân nhiệt bình thường của con người chính xác phải là 36,77oC, tương đương 98,2oF.
Tuy nhiên, ở những khoảng thời gian khác nhau trong ngày và các vị trí thay đổi trên cơ thể, thân nhiệt cũng không nhất thiết phải là 36,77oC. Thông thường, nhiệt độ cơ thể dao động trong khoảng 36,44oC vào lúc 6 giờ sáng tới cho tới 36,94oC lúc 6 giờ tối. Nhiệt độ cao hơn 37,5oC vẫn được coi là trạng thái bình thường.
3. Thân nhiệt trung bình giảm theo tuổi tác
Trên thực tế, nhiệt độ cơ thể trung bình không giữ nguyên một mức độ trong suốt cuộc đời bạn. Cứ mỗi 10 năm, bạn có thể cảm thấy sự thay đổi nhẹ nhàng. Con số này giảm dần và sẽ là một điểm lưu ý rất quan trọng với người già.
Theo Tạp chí New York Times, nhiệt độ cơ thể giảm theo tuổi già khiến nhiều người không phát hiện cơn sốt. Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí của Hiệp hội lão khoa Mỹ cho thấy: một nửa số bệnh nhân bị nhiễm trùng chỉ có nhiệt độ cơ thể dưới 38,33oC. Biến động nhiệt của họ là lớn hơn bình thường.
4. Đầu của bạn tỏa nhiệt ít hơn bạn tưởng
Nhiều trường hợp bạn cảm thấy đầu mình nóng ran, ví dụ trong một cơn nóng giận. Ngược lại đầu chúng ta dễ bị lạnh vào mùa đông. Có nhiều lời đồn đại rằng bạn mất tới 75% nhiệt lượng qua phần đầu của mình.
Trên thực tế, đầu chỉ chiếm 10% điện tích trên bề mặt cơ thể. Nếu vậy, mỗi một đơn vị diện tích của đầu tỏa một lượng nhiệt gấp 40 lần diện tích khác, nếu con số 75% là thật. Điều đó dường như là không tưởng.
Các nghiên cứu chính xác sau này xác nhận đầu chỉ tỏa nhiệt tương đương với các phần khác trên cơ thể. Nhiệt sẽ được giữ lại nếu cơ thể được che chắn. “Lý do thực sự cho việc chúng ta mất nhiệt qua đầu nhiều bởi vì chúng ta mặc quần áo còn không đội mũ khi trời lạnh”, Richard Ingebretsen, một tiến sĩ tại Đại học Y Utah cho biết.
5. Sốt là một phản ứng có ích khi bạn ốm
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Leukocyte Biology, đó là cách cơ thể điều chỉnh thân nhiệt để chống lại vi khuẩn. “Ở trong tình trạng sốt thực sự khó chịu, nhưng nghiên cứu này cùng một số tài liệu khác cho thấy sốt là một phản ứng của cơ thể giúp hệ miễn dịch làm việc hiệu quả hơn”, Tiến sĩ John Wherry, phó tổng biên tập tạp chí cho biết trong một thông cáo báo chí.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ tăng chỉ có tác dụng khiến vi khuẩn hạn chế sinh sôi trong cơ thể. “Nhưng công trình mới đã cho thấy hệ thống miễn dịch cũng được tạm thời tăng cường theo đó, khi chúng ta bị sốt”, John nói. Mặc dù vậy, thân nhiệt tăng cao là rất nguy hiểm và phải được kiểm soát. Trong tương lai, các nhà khoa học có thể tìm cách giữ thân nhiệt đến một mức hiệu quả, phù hợp với hệ miễn dịch.
6. Nói dối khiến mũi bạn ấm lên
Giống như mũi của cậu bé Pinocchio dài ra mỗi khi nói dối, trong thực tế, mũi chúng ta ấm lên. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Granada đã phát hiện ra điều này khi sử dụng một loạt hình ảnh ghi lại mặt tình nguyện viên bởi máy quay nhiệt. Cụ thể, sự lo lắng do nói dối khiến vùng mũi và khu vực gần mắt hiện lên những màu ấm rõ ràng trên màn hình.
7. Thân nhiệt có ảnh hưởng đến cân nặng
Đó là kết luận rút ra từ nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Italia và Hoa Kỳ. Công trình được công bố trên tạp chí Chronobiology cho thấy béo phì có liên quan đến việc giảm nhiệt độ cơ thể vào bên ngày.
Cụ thể, sự giảm khả năng chuyển hóa năng lượng thành nhiệt ở những người béo phì có tác động trong dài hạn. 2 kg cân nặng tăng thêm mỗi năm được gán trách nhiệm cho điều này. Nhóm tác giả nghiên cứu gọi đó là một “khuyết tật sinh học”. Nó có thể khiến một người trở nên béo phì.
8. Thân nhiệt ảnh hưởng đến giấc ngủ
Ngay trước khi rơi vào trạng thái ngủ, cơ thể chúng ta bắt đầu giảm thân nhiệt. Một sự thay đổi nhiệt độ tương tự có thể đánh lừa cơ thể, khiến chúng ta ngủ dễ hơn. Đó là lí do tại sao tắm nước ấm vào buổi tối là một cách được khuyến khích cho những người mất ngủ. Ngay khi bước ra khỏi bồn tắm nước ấm, não bộ bắt đầu tin rằng đã đến lúc cho một giấc ngủ.
9. Thức uống có cồn không khiến bạn ấm lên
“Làm một vài ly cho ấm người”, bạn có thấy câu nói này quá quen thuộc? Như đã nói, các mạch máu co lại khi trời lạnh, điều này giúp giữ thân nhiệt tốt hơn trong mùa đông. Khi tiêu thụ đồ uống có cồn, nó làm mạch máu giãn ra, đặc biệt là các mạch máu ngoại vi. Điều này gửi nhiệt ra môi trường, tiến sĩ Robert Kenefick, một nhà sinh lý học tại Viện nghiên cứu Y học môi trường thuộc Quân đội Hoa Kỳ cho biết.
Da hồng hào và ấm lên sau khi hấp thụ rượu, đó là một cảm giác sai về cơ thể. Đồ uống có cồn nhiều khi gây giảm mạnh thân nhiệt, điều này rất nguy hiểm. Vì vậy, bạn hãy luôn cảnh giác với những buổi tiệc tùng trong mùa đông.
Nguồn: GenK
Chưa có bình luận.