Thứ Bảy, 24/09/2016 | 04:30

Để sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh, không gặp biến chứng thai kỳ, các bà bầu đều cần phải trải qua 7 lần khám, làm xét nghiệm cơ bản này.

Theo PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật, Bệnh viện Medlatec, khi mang thai, tất cả mẹ bầu nên đi xét nghiệm để tầm soát nguy cơ dị tật cho con mình. Tuy nhiên, siêu âm sẽ không phát hiện được sớm dị tật thai nhi. Do đó, các mẹ cần kết hợp siêu âm và làm các xét nghiệm ở từng thời điểm quy định của thai kỳ mới có thể phát hiện được dị tật sớm và chính xác.

Dưới đây là những xét nghiệm theo từng thời điểm của thai kỳ do PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật khuyến cáo:

1. Lần khám thai đầu tiên

Sau khi trễ kinh và thử que lên hai vạch, mẹ bầu nên đi khám để kiểm tra tuần tuổi của thai nhi. Bác sĩ sẽ căn cứ vào ngày đầu của chu kỳ kinh để xác định tuổi của thai nhi. Tuy nhiên với một số phụ nữ kinh nguyệt không đều, tuổi thai sẽ được dựa vào kết quả của siêu âm. Đặc biệt là khi siêu âm ở thời điểm 11-12 tuần thì việc tính tuổi thai sẽ chính xác. Dựa vào kết quả này, bác sĩ sẽ dự đoán ngày sinh giúp bạn.

Trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm 2D để kiểm tra thai xem thai nhi nằm trong hay ngoài tử cung. Trường hợp bạn thử que đã lên hai vạch, nếu bác sĩ siêu âm đã thấy túi thai trong tử cung nhưng chưa thấy tim thai bạn cũng không phải quá lo lắng vì thai còn quá bé. Thông thường bác sĩ sẽ hẹn ngày để bạn khám lại.

7 lần khám quan trọng không thể bỏ qua của bà bầu Bà bầu cần trải qua nhiều lần khám và làm xét nghiệm trong suốt thai kỳ. Ảnh: Oracledailyvoice.

2. Đo độ mờ da gáy

Kết hợp với tuổi mẹ và xét nghiệm Double test, các bác sĩ sẽ tính toán nguy cơ mắc hội chứng Down sớm trong thai kỳ. Đo độ mờ da gáy cho kết quả chính xác nhất khi thai kỳ ở tuần lễ 11-13. Lưu ý, khi thai nhi sau 13 tuần, chỉ số xác định độ mờ sau gáy không còn độ chính xác cao. Vì vậy, mẹ bầu cần nhớ thời điểm này để đi làm xét nghiệm.

Đa số trường hợp độ mờ da gáy < 3 mm được xếp vào nhóm nguy cơ thấp (ít có nguy cơ bị hội chứng Down). Khi độ mờ da gáy dày 3,5-4.,4 mm có tỷ lệ bất thường nhiễm sắc thể là 21,1% và trong trường hợp ≥ 6,5 mm bất thường nhiễm sắc thể lên tới 64,5%.

Trong trường hợp độ mờ da gáy >3 mm, vào tuần lễ 16-18 thai kỳ (có thể từ tuần lễ 15 tới 22) các mẹ bầu sẽ được tiến hành làm xét nghiệm Triple test (gồm alpha-fetoprotein, hCG và unconjugated estriol).

3. Làm xét nghiệm Double test và Triple test

Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh có rất nhiều, nhưng an toàn và độ tin cậy cao, phổ biến nhất hiện nay là Double test và Triple test qua cách lấy máu của mẹ bầu. Đây là bộ xét nghiệm giúp tầm soát nguy cơ bị hội chứng Down, nguy cơ dị tật ống thần kinh (cột sống đóng không kín) và thai không có não bộ.

Để thực hiện xét nghiệm, nhân viên y tế chỉ cần lấy mẫu máu mẹ bầu. Xét nghiệm này rất đơn giản, không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

– Double test: thực hiện vào 11 tuần 2 ngày đến 13 tuần 6 ngày.

– Triple test: thực hiện vào tuần thứ 14 đến tuần 22, tốt nhất vào tuần thứ 16 đến 18 tuần.

Nếu tiến hành đúng lúc, kết hợp xét nghiệm máu và siêu âm, độ chính xác cho các hội chứng Down, Edwards và dị tật ống thần kinh đạt khoảng 94-96%.

4. Xét nghiệm máu

Đây là xét nghiệm mọi bà bầu buộc phải thực hiện trước khi sinh theo chỉ định của bác sĩ, để lấy các chỉ số là hemoglobin, hematacrit và số lượng tiểu cầu.

Hemoglobin là một loại protein trong máu cung cấp oxy cho các tế bào, hematacrit là dung tích hồng cầu trong cơ thể. Nếu hemoglobin hoặc hematacrit thấp là dấu hiệu mẹ bầu đang thiếu máu, thiếu sắt, cản trở sự phát triển của thai nhi. Cơ thể phụ nữ mang thai cần lượng sắt tăng gấp đôi người bình thường để mang oxy vào hồng cầu.

Ngoài việc kiểm tra các thành phần tế bào của máu, xét nghiệm máu cũng giúp phát hiện xem thai phụ có bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như HIV/AIDS, giang mai, herpes, viêm gan b, C…

5. Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu là điều các bác sĩ yêu cầu mẹ bầu thực hiện trước khi sinh. Nó giúp phát hiện các dấu hiệu bệnh tiểu đường trong thai kỳ như dư lượng glucose trong nước tiểu. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, nhưng có thể điều chỉnh bằng chế độ dinh dưỡng, vận động thích hợp.

Dư đạm trong nước tiểu có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng, đặc biệt nếu kèm theo các triệu chứng phù hoặc cao huyết áp, mẹ bầu có nguy cơ tiền sản giật.

6. Siêm âm 4D

Thực hiện trong tuần thai thứ 22-24. Trong lần siêu âm này sẽ giúp bác sĩ phát hiện các bất thường về hình thái của nhai nhi như sứt môi, dị dạng ở cơ quan, đặc biệt là các bất thường về tim và hệ xương để từ đó có can thiệp kịp thời.

7. Siêu âm trước khi sinh

Tuần 35-36, thời gian gần sinh thai phụ sẽ được bác sĩ tiến hành siêu âm theo dõi doppler động mạch não, động mạch tử cung cũng như kiểm tra lượng nước ối, dây rốn… Trong thời gian này, bác sĩ cũng có thể cho bạn làm xét nghiệm Non-stress (xét nghiệm để theo dõi nhịp tim thai đơn thuần mà không cần tạo nên cơn co tử cung) để kiểm tra lượng oxy thai nhi nhận được, sức khoẻ của bé. Tuỳ vào tình hình thai phụ, bác sĩ có thể cho thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác để sẵn sàng cho ngày lâm bồn.

Hà Quyên
Nguồn: Zing

Chưa có bình luận.

Tin khác
Chúng tôi trên Facebook